Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” sẽ phát động vào tháng 12/2022
- Cập nhật: Thứ ba, 22/11/2022 | 4:31:36 PM
Chiều 21/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) Trịnh Thị Thủy đã chủ trì cuộc họp Ban tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch”.
![]() |
|
Tại cuộc họp, ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, Phó Ban tổ chức đã báo cáo dự thảo Thể lệ và dự thảo Kế hoạch Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch”.
Theo đó, việc tổ chức Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân, đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp phát triển VHTT&DL. Thông qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác VHTT&DL.
Đồng thời, phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành; cổ vũ, động viên các cán bộ trong toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển VHTT&DL; tạo điều kiện để các nhà báo được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực VHTT&DL.

Ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, Phó Ban tổ chức báo cáo nội dung dự thảo Thể lệ và Kế hoạch của Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch”. Ảnh Trần Huấn
"Trong những năm qua, hoạt động báo chí nói chung và các cơ quan báo chí trong ngành VHTT&DL nói riêng đã phát huy mạnh mẽ vai trò trong việc chủ động cung cấp cho độc giả cả nước các thông tin về VHTT&DL. Nhờ đó các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về VHTT&DL đã đến gần với người dân hơn.
Báo chí không chỉ tìm tòi, phản ánh kịp thời những kết quả, thành tựu mà còn phát hiện, biểu dương các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của VHTT&DL Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước", ông Phan Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo dự thảo Thể lệ, quy định về đối tượng tác giả tham gia giải: Tác giả là công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực VHTT&DL được đăng tải, phát sóng trên các cơ quan báo chí được cấp phép (báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, báo ảnh) trong thời gian quy định; Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm báo chí (viết bằng tiếng Việt) phù hợp với quy định của thể lệ Giải có quyền gửi bài tham dự Giải; Tác giả có tác phẩm tham dự Giải không vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật; Thành viên và người thân (cha, mẹ, vợ/chồng, anh, chị, em ruột) của Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo, Tổ Thư ký Giải không được đăng ký tác phẩm tham dự Giải.
Về cơ cấu giải thưởng: Giải cá nhân có 4 mức giải: giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích được trao cho 5 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và báo ảnh); Giải tập thể có 1 mức giải được trao cho đơn vị có nhiều tác phẩm tham gia đạt chất lượng cao.
Dự kiến, Lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” sẽ diễn ra vào tháng 12/2022 tại Hà Nội.
Các tin khác
.jpg)
Chiều 14/4, Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/01/1950 – 18/01/2025) và hưởng ứng Năm Giao lưu Nhân văn Việt – Trung, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG) phối hợp tổ chức Lễ công bố Hợp tác truyền thông VTV – CMG và giới thiệu các dự án truyền thông trọng điểm giai đoạn 2025 - 2026.

Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương vừa chính thức ban hành kế hoạch tổ chức 'Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng' lần thứ I năm 2025 trong Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương.

Không chỉ tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật về môi trường, các cơ quan báo chí còn phản ánh trực diện vấn đề môi trường nhìn từ thực tế đời sống. Qua đó nắm bắt các ý kiến của người dân, chính quyền địa phương phản hồi cho cơ quan quản lý để thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật.

Tiếng lóng và tiếng mạng, hai luồng ngôn ngữ đang len lỏi vào đời sống thường nhật, đặt ra câu hỏi về sự biến đổi của tiếng Việt. Tiếng lóng, 'kí sinh' trong các nhóm nhỏ, nhanh chóng thay đổi. Tiếng mạng, 'đứa con' của thời đại số, lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt trong giới trẻ. Liệu chúng đang làm giàu hay làm suy giảm sự trong sáng của ngôn ngữ quốc gia?