Báo chí kiến tạo: Phản ánh tiêu cực nhưng phải đạt được hiệu quả tích cực trong xã hội
- Cập nhật: Thứ ba, 3/1/2023 | 1:46:50 PM
Trước sức ép từ mạng xã hội, một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện “đánh mất mình” bằng việc chạy đua theo những dòng tin tiêu cực, theo trend... Các chuyên gia cho rằng để thực hiện sứ mệnh kiến tạo của mình, báo chí cần quan tâm đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm đạo đức.
Tạp chí Thông tin và Truyền thông mới đây tổ chức Hội thảo “Báo chí kiến tạo” để các chuyên gia thảo luận, tìm giải pháp hạn chế khuynh hướng thông tin tiêu cực đang tràn lan. Ảnh: Sơn Hải
|
Các cơ quan chức năng cần sớm phát triển một dự án về báo chí kiến tạo
Báo chí luôn giữ vai trò chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có vẻ như báo chí đang bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực. Liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống. Thậm chí nhiều cơ quan báo chí còn đưa lượt truy cập (view) thành một chỉ tiêu quan trọng đối với phóng viên, là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của người làm báo.
Đã có thời điểm cơ quan báo chí, phóng viên giật tít, câu view, đưa thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, tập trung quá nhiều vào các tin bài tiêu cực... việc này làm mất đi sự chuẩn mực của báo chí; ảnh hưởng đến niềm tin, sự tôn trọng của độc giả.
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phân tích: "Tại sao tin tiêu cực như thế mà công chúng lại đọc, điều này liên quan tâm lý người dân. Thứ nhất, con người quan tâm đến vấn đề an toàn của bản thân, hai nữa là về tính tò mò, khi báo chí đăng chắc chắn có chuyện. Điều này không trách công chúng được mà phải đề cập đến trách nhiệm của người làm tin tức".
Báo chí có chức năng giám sát toàn bộ tiến trình xã hội, các cơ quan, tổ chức cá nhân... các cơ quan đều chịu sự giám sát của báo chí. Do đó, người làm báo ngoài đảm bảo khách quan thông tin thì thái độ, cách hành xử cũng phải hết sức khách quan.
Những người làm báo đã luôn luôn và rất quan tâm đến báo chí kiến tạo, ở Việt Nam điều này đã được làm nhiều trong lịch sử phát triển của báo chí, tuy nhiên báo chí kiến tạo chưa được thực hiện rõ ràng, chưa được truyền thông rộng rãi, chưa được biến nó thành dự án để thúc đẩy sự phát triển của nó một cách có hệ thống.
Để xây dựng và triển khai báo chí kiến tạo, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng mong chờ các cơ quan chức năng nhà nước sớm phát triển thành dự án về báo chí kiến tạo, sẽ có những hoạt động thường niên, xây dựng quỹ và sử dụng quỹ một cách hiệu quả.
Thực tế, tại Khoa Báo chí nay là Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), từ những năm 1990 các thầy cô ở Viện đã phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã làm một dự án trong vòng 10 năm, dự án có tên "Báo chí với quyền trẻ em”, dự án đã tạo ra sự tác động lớn, góp phần vào sự thay đổi cho giới báo chí và toàn xã hội, hàng nghìn nhà báo, phóng viên người làm truyền thông trong cả nước biết về quyền tiếp cận thông tin trong việc bảo vệ trẻ em. Đội ngũ phóng viên tham gia dự án biết được kỹ năng nghiệp vụ để viết bài về quyền trẻ em như thế nào. Thúc đẩy việc thực hiện chính sách pháp luật về quyền trẻ em ở trên toàn quốc.
Báo chí luôn phải quan tâm đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm đạo đức
Báo chí luôn có vai trò giám sát phản biện xã hội, thông tin tiêu cực, nhưng phải được tiến hành một cách có trách nhiệm, tức là phản ánh tiêu cực nhưng phải đạt được hiệu quả tích cực trong xã hội. Đừng khoét sâu chỗ này, khoét sâu chỗ kia, đua theo trend… mỗi cơ quan báo chí cần tạo ra văn hóa truyền thông riêng.
Để làm được điều đó, người làm báo không ngừng rèn luyện, mở mang kiến thức và kỹ năng làm báo hiện đại. Nếu có kiến thức một chiều đơn điệu thì rất dễ tạo ra sự lệch lạc trong thông tin, kiến thức đa chiều sẽ giúp người làm báo tiếp cận thông tin nhiều chiều, phong phú, khai thác được nhiều vấn đề sự kiện lớn. Vì vậy mỗi người làm báo cần giữ vững tinh thần thông tin khách quan, đa chiều và thẳng thắn trong mọi hoàn cảnh, tình huống.
TS. Vũ Thanh Vân (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, báo chí luôn phải quan tâm đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm đạo đức, xác định được cái gì là chính cái gì là phụ, tuy nhiên trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay cũng không phải là dễ để biết phân định cân đối việc này. Nhưng nếu báo chí kiên trì đi theo lối báo chí kiến tạo hướng vào phục vụ công chúng thì công chúng sẽ theo mình.
"Quan trọng không phải là chúng ta làm gì, quan trọng là chúng ta làm việc đó để hướng đến mục đích gì, chúng ta đưa thông tin tiêu cực nhưng phải hướng đến sự tích cực vì sự tốt đẹp của xã hội” - TS. Vũ Thanh Vân chia sẻ.
Đối với một người làm báo, họ thường phải theo dõi rất nhiều lĩnh vực khác nhau rồi làm tin tức thời sự hàng ngày vì thế để làm báo chí giải pháp không dễ chút nào. Trừ khi phóng viên đó chỉ theo dõi chuyên về một lĩnh vực, được đào tạo, am tường lĩnh vực đó từ lâu. Tuy nhiên, nếu nhà báo chưa đưa ra được giải pháp thì vẫn còn đó những mối quan hệ trong giới quản lý, chuyên gia, việc kết nối để họ nói lên chính kiến của mình là điều rất quan trọng.
Đánh giá vấn đề này, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho rằng báo chí xây dựng (hay báo chí giải pháp) là xu hướng giải quyết tình trạng "lá cải hóa”, "giật gân câu view” và định kiến tiêu cực ngày càng tăng trong báo chí hiện đại.
Chia sẻ về mô hình "báo chí kiến tạo” tại VietnamPlus, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho hay tòa soạn đặt ra yêu cầu với phóng viên là phải tập trung vào giải pháp. Nghĩa là phóng viên có thể đi sâu "xới xáo” vấn đề, phơi bày thực trạng, nhưng cũng cho thấy có giải pháp khắc phục.
Trong quá trình thực hiện tin bài, phóng viên phải đảm bảo tính cân bằng, không cường điệu hóa, không để cảm xúc dẫn dắt, không phóng đại nỗi sợ hãi, gây hoang mang dư luận.
Thêm vào đó, các tuyến bài phóng sự điều tra của Báo Điện tử VietnamPlus luôn có ý kiến từ cơ quan quản lý, ngay cả đối tượng bị phản ánh cũng được lên tiếng.
"Báo chí hay nhà báo không phải là quan tòa để có thể đưa ra phán xét, do đó, chúng tôi luôn lắng nghe thông tin từ nhiều phía, kể cả từ đối tượng đang bị phản ánh. Về phương hướng giải quyết vấn đề, phóng viên sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng và các chuyên gia có liên quan”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho biết.
Theo Báo NB&CL(NT)
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.