Nhà báo Lưu Trọng Đạt – Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hoà Bình - giải Đặc biệt giải thưởng ảnh Khoảnh khắc báo chí 2021: Những bức ảnh là cầu nối cho những giá trị nhân văn được lan toả
- Cập nhật: Thứ tư, 4/1/2023 | 1:48:41 PM
“Hạnh phúc nhất của một phóng viên ảnh là được sống với nghề, sống với đam mê, thực hiện được những tác phẩm ảnh, những phóng sự ảnh báo chí mới, lạ, ấn tượng và có giá trị với cộng đồng; được bạn đọc, được đồng nghiệp ghi nhận và trân trọng”.
Nhà báo Lưu Trọng Ðạt.
|
Nhà báo Lưu Trọng Ðạt công tác tại cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hoà Bình đã chia sẻ khi nhận giải thưởng "Khoảnh khắc Báo chí 2022".
Nội dung thông tin và cảm xúc là yếu tố quan trọng
+ Kể câu chuyện bằng hình ảnh khó hơn khi viết rất nhiều, tố chất nào cần có của một phóng viên ảnh để mang đến thành công cho tác phẩm cũng như tạo ra sự khác biệt so với những bức ảnh của đồng nghiệp khác, thưa anh?
- Kể một câu chuyện bằng ảnh hay thực hiện một phóng sự ảnh khó hơn rất nhiều so với việc viết ra bằng ngôn từ báo chí bởi để làm ra một phóng sự ảnh hay là một câu chuyện bằng hình ảnh thì phóng viên ảnh phải là người ở hiện trường, trực tiếp tiếp cận hiện trường và là một phần của diễn biến tại hiện trường.
Thông qua các góc chụp, các khoảnh khắc được truyền tải qua các bức ảnh sẽ là cầu nối để các vấn đề, sự kiện đến với độc giả một cách khách quan, chân thực và rõ ràng nhất để độc giả không phải hình dung, không phải tưởng tượng về vấn đề đang được nói đến. Tố chất của một phóng viên ảnh cần có ngoài việc nhanh nhạy trong tìm kiếm, phát hiện đề tài thì việc không ngại khó, ngại khổ cùng với một chút gan lỳ và dũng cảm là điều không thể thiếu.
+ Người làm báo rất nhiều, ai cũng có thể viết, chụp ảnh và thậm chí là quay phim để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, để có một bức ảnh báo chí "đẹp”, chứa đựng nội dung, khoảnh khắc đắt giá lại là câu chuyện khác. Thưa anh, yếu tố nào là quan trọng nhất trong một bức ảnh báo chí?
- Giá trị khác biệt của một tác phẩm ảnh báo chí ngoài giá trị cơ bản là đề tài mới, lạ (vấn đề nóng, vấn đề mang tính thời sự, vấn đề mang tính toàn cầu…) thì cách thức thể hiện kể chuyện bằng hình ảnh theo tư duy chủ quan, ý tưởng của tác giả thông qua những khoảnh khắc bấm máy, góc máy, bố cục để làm bật nội dung thông tin và cảm xúc trong mỗi bức ảnh là yếu tố quan trọng. Điều này sẽ mang đến những cảm nhận chân thực cho độc giả và tạo ra những tác phẩm ảnh báo chí chất lượng.
Thời đại bùng nổ của công nghệ ai cũng có thể chụp ảnh, tuy nhiên việc chụp cái gì và chụp như thế nào lại đòi hỏi phóng viên ảnh ngoài kỹ năng sử dụng máy, kinh nghiệm khi tác nghiệp thì yếu tố may mắn, năng khiếu và đặc biệt là sự tinh tế sẽ là điều tạo ra sự khác biệt so với phần còn lại.
Nỗi niềm với dòng Đà Giang
+ Anh có thể chia sẻ đôi điều về quá trình tác nghiệp và cho ra đời bộ ảnh "Lời khẩn cầu từ dòng sông Đà Giang” – tác phẩm đã dành giải đặc biệt giải "Khoảnh khắc Báo chí 2021” do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức? Anh có thể chia sẻ đôi chút về quá trình thực hiện tác phẩm?
- Những ngày lăn lộn, rong ruổi tại các huyện vùng cao khó khăn tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc… của tỉnh Hòa Bình tôi nhận thấy mùa khô và mùa mưa năm 2020 mực nước thượng nguồn sông Đà, trên địa phận hồ Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình bị sụt giảm và có chiều hướng nghiêm trọng. Các nhánh sông chảy về các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong (huyện Đà Bắc) bị khô cạn gây hậu quả như: Thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, cá lồng bị chết hàng loạt… ảnh hưởng nặng nề cho sinh kế của người dân, hệ sinh thái và cảnh quan bị tác động nghiêm trọng.
Dòng Đà Giang thực sự đã và đang cạn kiệt dần sức sống vốn có của nó. Với kinh nghiệm của mình tôi nhận thấy đây là đề tài lớn, cần phải tuyên truyền, phản ánh để mọi người biết những vấn đề nghiêm trọng về môi trường đang xảy ra.
Tôi bắt đầu thực hiện phóng sự ảnh "Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang” từ tháng 6 đến trung tuần tháng 11/2021. Tôi đã lặn lội khắp các địa hình, chụp hàng nghìn file ảnh trong gần 6 tháng trời và gói gọn, cô đọng lại trong một phóng sự ảnh chỉ vỏn vẹn 10 bức ảnh, 10 khoảnh khắc đắt giá nhất để gửi đến bạn đọc.
+ Trong những chuyến đi trong 6 tháng đó, có khoảnh khắc nào anh cảm thấy nuối tiếc vì mình chưa hoàn thành được tác phẩm chưa?
- Có những khoảnh khắc đắt giá trôi qua ngay trước mắt dù đã quan sát và nhìn thấy, tuy nhiên tôi đã không thể chụp lại được vì nhiều yếu tố khách quan. Ví như trong phóng sự ảnh "Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang” có bức ảnh người phụ nữ mắt đỏ hoe buồn bã ôm con cá trắm đen nặng gần 20kg đến ngày thu hoạch thì bị chết do nước sông Đà xuống thấp và sặc bùn trong vòng tay. Đó là một khoảnh khắc đắt giá. Song, tôi đã không thể thực hiện được bởi khi đó tôi đang ngồi trên một con thuyền nhỏ được một người dân chèo đưa tôi ra khu vực lồng bè nuôi cá. Con thuyền nhỏ tròng trành và hai tay tôi phải bám chắc vào mạn thuyền. Tôi không thể đưa tay lên chụp, điều đó đã làm tôi cảm thấy rất nuối tiếc.
+ Nghề báo ảnh với nhiều nhọc nhằn, với anh điều gì đã giúp anh nuôi dưỡng đam mê với nghề này?
- Tôi là phóng viên, là nhà báo của TTXVN chính thức từ năm 2011, cũng hơn 10 năm rồi. Nghề phóng viên ảnh vất vả và việc phải đầu tư trang thiết bị tốn kém hơn nhiều so với các loại hình báo chí khác nên cũng nhiều phóng viên ảnh, nhà báo từ bỏ công việc này. Tuy nhiên, điều khiến tôi gắn bó, níu chân tôi với nghề ngoài sự đam mê với nghề thì tôi luôn mong muốn từng bức ảnh, từng phóng sự ảnh mà tôi đã thực hiện sẽ là cầu nối giúp cho những giá trị nhân văn của cuộc sống, những vấn đề sự kiện đang diễn ra mỗi ngày được lan tỏa, được chuyển tải đến bạn đọc, đến cộng đồng để chúng ta cùng nhau hướng đến một tương lai rực rỡ hơn.
+ Ngoài tác phẩm trên, anh đã từng có những tác phẩm nào liên quan đến môi trường mà anh cảm thấy ấn tượng? Anh có ấp ủ những dự định mới gì trong năm 2023?
- Tôi đã từng dành nhiều thời gian tác nghiệp ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ để thực hiện hai bộ phóng sự ảnh về biến đổi khí hậu là "Khô cạn và xâm nhập mặn tàn phá Kiên Giang” năm 2016 và "Xâm thực biển, sạt lở sông đe dọa nghiêm trọng Đồng bằng sông Cửu Long” năm 2018. Đó là hai phóng sự ảnh báo chí mà tôi làm về môi trường và cùng được giải C – Giải Báo chí Quốc gia của hai năm đó. Môi trường sống của chúng ta đang biến đổi từng ngày, hạn hán và ngập lụt ngày càng nghiêm trọng và khốc liệt bởi các yếu tố khách quan về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc con người đang có những hành xử cực đoan với tự nhiên như khai thác, chặt phá hay chất thải công nghiệp, rác thải… là yếu tố làm môi trường sống tự nhiên đang ngày càng xấu đi và điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho con người trong tương lai gần.
Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi những dự án, những phóng sự ảnh về các vấn đề của xã hội và môi trường. Tôi luôn nghĩ thành công của nghề báo sẽ đến từ sự chăm chỉ, những nỗ lực của cá nhân thể hiện qua các tác phẩm báo chí chân thực, sáng tạo và chứa đựng những giá trị của cuộc sống.
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.