Khi đồng cảm được với nhân vật, mọi thứ sẽ đến tự nhiên hơn!
- Cập nhật: Thứ ba, 10/1/2023 | 3:44:44 PM
Đoạt giải vàng ở các hạng mục ảnh báo chí trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông châu Á 2022, phóng viên Duy Hiệu- Tạp chí điện tử Zingnews.vn chia sẻ: “Sự đồng cảm là rất quan trọng cho mỗi phóng viên, khi đồng cảm được với nhân vật rõ ràng mọi thứ sẽ đến tự nhiên hơn, dễ dàng hơn..."
Phóng viên Duy Hiệu - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zingnews.vn)
|
Đoạt giải vàng ở các hạng mục ảnh báo chí trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông châu Á (Asian Media Awards) năm 2022, phóng viên Duy Hiệu - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zingnews.vn) chia sẻ: "Sự đồng cảm là rất quan trọng cho mỗi phóng viên, khi đồng cảm được với nhân vật rõ ràng mọi thứ sẽ đến tự nhiên hơn, dễ dàng hơn. Mình đặt vị trí của mình vào nhân vật, khi đó mình sẽ có cảm xúc”...
Để hiểu rõ hơn về quá trình làm nghề cũng như kinh nghiệm để có được tác phẩm ảnh báo chí hấp dẫn bạn đọc, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với anh để hiểu rõ hơn về một lĩnh vực đòi hỏi nhiều "khổ luyện” này.
Phía sau những giải thưởng…
+ Phóng sự ảnh "Những lễ tang lặng lẽ giữa dịch COVID-19 ở TP.HCM” của anh đã giành giải vàng ở các hạng mục ảnh báo chí trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông châu Á (Asian Media Awards) năm 2022. Đoạt được giải thưởng lớn với một người còn rất trẻ, hẳn là cảm xúc của anh rất đặc biệt?
- Đây là Giải thưởng của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức Thế giới (WAN-IFRA) với mạng lưới rộng ở nhiều khu vực trên thế giới. Giải thưởng có nhiều hạng mục khác nhau, trong đó ảnh báo chí là một hạng mục quan trọng trong số nhiều hạng mục.
Thông thường đối với nhiều giải quốc tế, ít các cơ quan báo chí trong nước để ý, nhưng thực tế các cơ quan báo chí lớn như TTXVN, VnExpress cũng đều có giải này rồi. Giải này được nhiều tờ báo lớn trong khu vực như tờ The Straits Times của Singapore, tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) hay một số tờ của Ấn Độ tham gia, họ thường xuyên gửi dự thi với những hạng mục khác nhau.
Là phóng viên ảnh, tôi luôn mong muốn ngày nào đó mình sẽ được giải ảnh báo chí, trong đó có cả giải ảnh trong nước và quốc tế, nhưng không nghĩ rằng, mong ước ấy lại đến sớm như thế. Nên bản thân cũng cảm thấy có chút tự hào vì những nỗ lực của mình trong công việc.
Từ giải thưởng này sẽ mở ra cơ hội để tôi tiếp tục làm việc, có những bộ ảnh chất lượng tham gia các giải ảnh báo chí quốc tế khác. Đây cũng là cơ hội để tôi tự tin "tiếp xúc” nhiều hơn với các giải báo chí quốc tế. Cũng từ giải này tôi có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu, học hỏi từ những đồng nghiệp nước ngoài, xem họ chụp như thế nào, sử dụng hình ảnh trên báo chí như thế nào.
+ Khi nghĩ về thời điểm tác nghiệp phóng sự ảnh "Những lễ tang lặng lẽ giữa dịch COVID-19 ở TP.HCM”, điều gì giờ đây vẫn còn ám ảnh anh?
- Một năm trôi qua khi nhắc lại tôi vẫn có cảm giác như xảy ra mới đây, các hình ảnh hiện ra y hệt như thời điểm mà tôi tác nghiệp. Mỗi lần đi qua những con hẻm, những chung cư mà tôi đã từng chụp, tự nhiên cảm xúc như nghẹn lại, hình ảnh chung cư cũ với những người mất vì COVID-19 ngày hôm đó lại trở về đầy ám ảnh… Xen lẫn trong tôi là cảm giác sợ và buồn khi dịch bệnh và người mất ở nhiều nơi… Trong suốt hành trình làm nghề của mình, đôi khi tôi cũng muốn quên đi những nỗi mất mát, đau thương ấy nhưng đúng thật sự là khó có thể quên, đặc biệt là thời gian sống giữa tâm dịch.
+ Đại dịch COVID-19 là sự kiện lớn đầy mất mát của cả thế giới và đất nước Việt Nam. Phóng viên ảnh thường sống cùng sự kiện, cùng nhân vật. Anh có nghĩ rằng, chính trong thời gian khó khăn, nguy hiểm đó đã tôi luyện thêm cho phóng viên những kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm vô giá?
- Đó là khoảng thời gian lịch sử, đó là thời gian tôi được trải nghiệm cả về cảm xúc và được trải nghiệm về nghề. Qua đợt dịch, tôi cũng tự rèn luyện được cho mình nhiều kỹ năng hơn. Đó là việc linh hoạt trong tác nghiệp, xử lý những tình huống phát sinh, khả năng tư duy đề tài phát hiện đề tài được nhanh hơn.
Thời điểm đó, khi tiếp xúc với mọi người, kể cả bệnh nhân, người nhà, y bác sỹ trong hoàn cảnh dịch bệnh căng thẳng như vậy đã tạo cho tôi một thói quen về làm việc nhanh gọn, cẩn trọng hơn. Đó còn là tư duy về việc nắm bắt vấn đề, triển khai như thế nào, chỉ cần đến đó gặp nhân vật là có thể bắt tay vào triển khai luôn, nghĩa là rèn cho mình khả năng phát hiện, chụp được những khoảnh khắc hấp dẫn kịp thời.
Không chỉ vậy, mình thấy phát hiện được đề tài ngay trong đầu, từ đó hình dung được đường dây hình ảnh, tư duy được nội dung bài viết đó sẽ gồm những ảnh gì, sau đó bắt đầu triển khai ở thực tế một cách nhanh nhất…
Ghi lại những gì tự nhiên nhất
+ Báo chí hiện đại đòi hỏi ảnh có chất lượng cao, để "săn” một bức ảnh mang tính báo chí, tính thời sự, độc giả ấn tượng, nhớ mãi, theo anh, bản thân người phóng viên ảnh phải có những phẩm chất gì?
- Tôi nghĩ đầu tiên phải là tính cách kiên nhẫn, sự đồng cảm với sự việc, con người ở khu vực đó, đồng cảm với những gì đang xảy ra xung quanh mình và điều quan trọng là sự tinh tế khi làm điều đó.
Sự kiên trì ở đây là chờ đợi khoảnh khắc, ngay cả khi thất bại lần đầu cũng không bỏ cuộc. Chẳng hạn như vừa có một sự kiện vụt qua mình vẫn có thể kiên trì chờ vì nó sẽ trở lại để đón bắt lần nữa. Cố gắng săn lại khoảnh khắc sau, biết đâu lại "đắt” hơn trước… Nhờ làm nghề này, tôi cũng rèn luyện nhiều hơn tính kiên nhẫn. Đôi lúc mình tìm được góc rất đẹp nhưng nhân vật đang đứng ở xa, không vào trong khuôn hình đó, hoặc cảm xúc họ chưa tới thì phải ngồi chờ, khi hội tụ được tất cả các yếu tố đó thì mới chụp.
Ngoài ra, sự đồng cảm là rất quan trọng cho mỗi phóng viên ảnh, phóng viên viết, khi mình đồng cảm được với họ rõ ràng mọi thứ sẽ đến tự nhiên hơn, dễ dàng hơn. Mình đặt vị trí của mình vào nhân vật, khi đó mình sẽ có cảm xúc. Chính nhân vật cũng cảm nhận được sự chia sẻ, dù là niềm vui hay nỗi buồn. Nghĩa là cứ để cảm xúc của mình được tự nhiên nhẹ nhàng, không cần phải đao to búa lớn, hay sắp đặt.
Sự tinh tế ở đây cũng rất quan trọng, phải để ý và quan sát rất nhiều, nhiều khi bước vào một vấn đề, sự kiện nào đó mình cần dành thời gian bao quát, xem trình tự, diễn biến sự việc, xem cảm xúc của họ như thế nào. Biết được cảm xúc của mọi người từ đó mình sẽ biết khi nào mình nên chụp, khi nào không, chụp cái gì, lúc nào… tất cả đều được chọn lựa một cách tinh tế, không tác động gì, lặng lẽ, không làm phiền tới ai. Mình chỉ đơn giản có mặt ở đó để ghi lại nhưng gì tự nhiên nhất… còn về vấn đề ánh sáng, bố cục, độ tương phản, góc nhìn thì mỗi phóng viên hay cả bản thân tôi cần rèn luyện rất nhiều.
Luôn giữ đam mê trong lòng
+ Phóng viên ảnh là phải đi, phải liên tục sáng tạo, có khi nào anh cảm thấy thấy chán nản, muốn bỏ cuộc, khi xung quanh là những áp lực lớn, thậm chí áp lực từ chính bản thân?
- Phóng viên ảnh bao giờ cũng cần rất nhiều sức khỏe, tôi may mắn là còn trẻ nên sức khỏe không phải là vấn đề đáng bàn nhiều. Đi nhiều có những lúc tôi dành thời gian nghỉ ngơi không làm gì cả, có quãng thời gian dừng lại để xem mọi người chụp. Nhưng tôi luôn giữ được đam mê trong lòng, cũng có lúc đam mê vơi đi nhưng nó luôn tồn tại, có nhiều thời điểm lại trỗi dậy và đam mê đó sẽ giúp mình có nhiệt huyết, thúc giục mình lên đường, lúc đó tự nhiên cảm thấy rất khỏe tinh thần phấn chấn và muốn đi làm. Điều này cũng giúp cho sản phẩm của mình đều đặn và tốt hơn.
Nhưng rõ ràng để đi xa, đi lâu dài thì phải đi từ từ, nên dừng lại một khoảng thời gian ngắn để làm những mảng đề tài thời sự đơn giản, nhẹ nhàng, sau đó mình lại tự tìm, đặt chỉ tiêu cho mình làm những phóng sự ảnh dài hơi hơn, tỉ mỉ công phu hơn. Tôi để ý nhiều phóng viên nước ngoài, rất nhiều tuổi rồi nhưng họ vẫn rất nhiệt huyết và chuyên nghiệp, họ thật sự có sức khỏe và việc này được duy trì tốt, tôi nghĩ một phần là họ biết cân bằng, nghỉ ngơi, rồi lại lên đường.
+ Vâng, cảm ơn anh!
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.