Nhà báo Đỗ Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh Quảng Ninh: Say mê, sáng tạo, sâu sắc, sinh động…
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/1/2023 | 9:26:49 AM
Đó là những chữ S được nhà báo Đỗ Ngọc Hà đúc kết trong cuộc trò chuyện về vấn đề văn hóa người làm báo.
Hội báo Xuân tại huyện Bình Liêu - Quảng Ninh do Hội Nhà báo Quảng Ninh tổ chức.
|
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà cũng cho rằng, cùng với sự dấn thân, hướng đến trách nhiệm và chuẩn mực của nhà báo, thì các cơ quan báo chí, tổ chức Hội Nhà báo cũng cần có những giải pháp phù hợp để chung tay xây dựng môi trường báo chí văn hóa, lành mạnh, tử tế và nhân văn.
Phải nhận thức đúng về văn hoá
+ Ông từng đặt vấn đề rằng, hiện nay trừ những toà soạn chuyên sâu đặc thù về văn hoá, ở nhiều toà soạn vị thế của phóng viên văn hoá thường không được chú trọng... Đây phải chăng đang là vấn đề đáng lo ngại, thưa ông?
- Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào sáng 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước…”. Trong công tác thông tin, tuyên truyền báo chí về văn hoá ở nước ta, phải chăng cũng có hạn chế này?
Cũng tại hội nghị nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khái quát rất rõ về tầm quan trọng, nội hàm của văn hoá; những ưu điểm, hạn chế và những công việc phải làm để hướng đến mục tiêu: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.
Thế nên tôi luôn nghĩ rằng, giống như viết về các mảng đề tài khác, nhà báo viết về mảng đề tài văn hoá trước tiên phải nhận thức đúng về văn hoá.
+ Nhận thức đúng về văn hóa đồng nghĩa với việc phải xác định rất rõ vai trò của phóng viên văn hóa trong tòa soạn – những người sẽ chịu trách nhiệm trong việc tuyên truyền thông tin ở lĩnh vực này, thưa ông?
- Đúng là như vậy. Việc cử phóng viên theo dõi, thông tin, tuyên truyền mảng đề tài về văn hoá, tôi cho rằng, yêu cầu đặt ra cũng rất cao. Bởi chúng ta đều đã biết, văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng. Trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, chúng tôi cho rằng, cùng với yêu cầu phải hiểu sâu sắc về nội hàm văn hoá thì nhà báo phụ trách mảng đề tài này cũng phải đảm bảo các yếu tố khác như: Say mê, sáng tạo, sinh động.
Không say mê, không có hứng thú với mảng đề tài này và không sáng tạo, tìm hình thức thể hiện sinh động thì chắc chắn sẽ không có tác phẩm báo chí tốt, không có các chuyên mục chuyên sâu cho chủ đề này được. Xét cho cùng, nghề nghiệp nào cũng có vinh quang và những cay đắng - báo chí cũng vậy. Làm nghề bằng tâm thế của một nhà báo có văn hóa không những góp phần phản biện và xây dựng xã hội, định hướng dư luận theo những điều tốt đẹp mà còn làm cho xã hội ngày càng phát triển hơn.
Cũng theo nghĩa đó, bản lĩnh nghề nghiệp của nhà báo trẻ ngày càng được rèn luyện nhiều hơn, tránh khỏi những cám dỗ "câu view”, tiền tài vật chất hay lợi ích cá nhân. Bằng cách đó, chúng ta đã lấy cái đẹp dẹp cái xấu, loại bỏ những "con sâu” ra khỏi hàng ngũ của mình…
Nhà báo cần nêu gương trong thực hiện chuẩn mực
+ Tổ chức thực hiện xưa nay vẫn là khâu yếu, nếu không có những giải pháp tổng hợp từ phía các toà soạn, các cấp Hội Nhà báo. Thưa ông, làm thế nào để nâng tầm người làm báo văn hóa cũng như nâng cao chất lượng của những tác phẩm báo chí viết về văn hóa?
- Hội Nhà báo các cấp có chức năng, nhiệm vụ là bồi dưỡng nghiệp vụ và phát động các cuộc thi, giải báo chí trong đội ngũ người làm báo. Để hội viên nhà báo có nhận thức đầy đủ và có kỹ năng tốt trong sáng tạo tác phẩm báo chí về chủ đề văn hoá thì các cấp Hội Nhà báo cần tăng cường phối hợp để mở các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về mảng chủ đề này.
Theo dõi chủ đề các lớp tập huấn mấy năm gần đây do các cấp Hội Nhà báo tổ chức thì bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chủ đề về văn hoá ít được chú trọng hơn các mảng đề tài về xây dựng đảng, kinh tế. Quan điểm của Đảng ta đã rất rõ ràng là văn hoá phải được quan tâm đầu tư tương xứng với kinh tế, chính trị.
Vì thế, để góp phần xây dựng đời sống văn hoá thì các cấp Hội Nhà báo cũng phải chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về mảng đề tài này. Cùng với đó, các cấp Hội Nhà báo cần chủ động và phối hợp tổ chức các cuộc thi và giải báo chí về chủ đề xây dựng đời sống văn hoá. Qua theo dõi thì thấy nhiều Hội Nhà báo tỉnh đã duy trì tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các giải báo chí của tỉnh, thành phố mình.
Mấy năm gần đây, còn có các cuộc thi, giải báo chí về xây dựng đảng và hệ thống chính trị (mang tên Búa liềm vàng), về xây dựng nông thôn mới… Để góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hoá thì rất cần có các cuộc thi, giải báo chí về chủ đề này để tạo "sân chơi”, khích lệ, động viên hội viên, người làm báo.
+ Trong 12 tiêu chí xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa, có 6 điều về người làm báo văn hóa. Với Hội Nhà báo Quảng Ninh, việc triển khai các tiêu chí đó được cụ thể hóa trong hoạt động thời gian qua như thế nào, thưa ông?
- Trong hầu hết các hoạt động của Hội, chúng tôi luôn chú trọng nhiệm vụ giáo dục đạo đức người làm báo, bám sát thực hiện 10 Điều Quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) đối với người làm báo Việt Nam và 12 Tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Đặc biệt là, báo chí thời đại công nghệ có nhiều điều kiện để phát triển nhưng cũng chịu nhiều thách thức từ MXH và sự phát triển của công nghệ.
Điều kiện làm việc tốt hơn nhưng cũng dễ tạo cảm giác chủ quan, có thể gây ra những tai nạn nghề nghiệp khó lường. Các hội viên, nhà báo đã phần nào nâng cao được ý thức trách nhiệm, không chỉ trong từng bài viết, từng bài báo mà còn trong từng status, từng comment trên MXH.
Điều ấy cho thấy những quy tắc, tiêu chí dù chưa phải là những thiết chế nhưng đã có sức răn đe hiệu quả, từng bước trở thành chiếc "barie” trong hoạt động nghề nghiệp của hội viên, nhà báo. Tất nhiên, trong quá trình triển khai, việc thấm nhuần quy định, tiêu chí cũng chưa thực sự đồng đều.
+ Thấm nhuần chưa đồng đều - ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Góc độ này tôi muốn nhấn mạnh câu chuyện văn hóa của người làm báo khi tham gia mạng xã hội. Nguyên nhân là do một số hội viên chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc đưa những thông tin, hình ảnh thiếu chuẩn mực lên tài khoản MXH của cá nhân. Điều này cũng đặt ra những nhiệm vụ thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng hơn, quyết liệt hơn trong xử lý và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc hội viên của mình trong thực hiện những Tiêu chí này. Nhưng dĩ nhiên, điều căn cốt và quyết định vẫn nằm ở bản thân mỗi người làm báo.
Trên môi trường mạng, các nhà báo, hội viên khi tham gia phải xác định được tâm thế của mình, đồng thời định hướng được thông tin. Bởi, mỗi bài viết của nhà báo sẽ có tác động định hướng thông tin đối với rất nhiều người và nếu không định hướng đúng sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, nhiễu thông tin. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của chính bản thân người làm báo, Hội Nhà báo và cơ quan báo chí.
Do vậy, điều quan trọng nhất theo tôi đó là mỗi hội viên, nhà báo cần nêu gương trong thực hiện chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH cũng như thực hiện các tiêu chí về người làm báo văn hóa. Sự nêu gương ấy vừa là vinh dự vừa là trọng trách của người cầm bút trong bối cảnh hiện nay.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo NB&CL(NT)
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.