Tháo gỡ khó khăn trong bài toán kinh tế báo chí

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/2/2023 | 5:32:11 PM

Tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 diễn ra ngày 24/2, nhiều đại biểu đặt vấn đề "nếu báo chí chỉ trông chờ và phụ thuộc vào quảng cáo" thì sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội ngày càng nhiều...

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế báo chí 2023. Ảnh: Ngọc Châu
Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế báo chí 2023. Ảnh: Ngọc Châu

"Nghịch lý” của doanh thu báo chí

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, kinh tế báo chí là mối lo hàng ngày nhưng trên truyền thông chưa có nhiều diễn đàn nói về kinh tế báo chí.

"Diễn đàn lần này được tổ chức vào đúng thời điểm trên thế giới các nền tảng mạng xã hội lớn nhất, kiếm được doanh thu quảng cáo nhiều nhất giờ đây đang đứng trước xu hướng sụt giảm và sa thải hàng loạt nhân viên. Theo chia sẻ, cuối năm 2022 vừa qua doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng. Đến đầu năm 2023 vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho hay.

 

"Trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời", ông Nguyễn Thanh Lâm đặt ra tại diễn đàn. 

Theo Cục báo chí - Bộ Thông tin & Truyền thông, có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn…

Vấn đề đặt ra là, nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc nhiều vào quảng cáo thì các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google ngày càng nhiều hơn.

Thêm nữa, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến "miếng bánh” kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi...

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi chuyển đổi lên không gian số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh báo chí cách mạng, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có. 

Các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo

thao go kho khan trong bai toan kinh te bao chi hinh 2

Phó trưởng ban Nhân Dân điện tử (báo Nhân Dân) Ngô Việt Anh tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Công Sáng

Tại Diễn đàn này, nhiều đại biểu đặt vấn đề "nếu báo chí chỉ trông chờ và phụ thuộc vào quảng cáo" thì các cơ quan báo chí luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội ngày càng nhiều. 

Theo đó, các đại biểu đưa ra một số giải pháp phát triển kinh tế báo chí trong "chuyển đổi số báo chí” nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn, từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hoá dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung, nhanh chóng tạo ra một tòa soạn báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội.

Ông Ngô Việt Anh - Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử - Báo Nhân dân thông tin, năm 2022, tổng doanh thu quảng cáo trên toàn cầu vượt mức 500 tỷ USD, trong đó doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch Covid-19. Theo dự báo của Việt Nam Digital Marketing Report, doanh thu quảng cáo tại Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với năm 2021.

Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách và phát triển doanh thu quảng cáo, các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có nhiều biện pháp đa dạng nguồn thu, từ thu phí đọc báo điện tử, tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cho đến môi giới dữ liệu, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đầu tư lĩnh vực giáo dục...

Nguồn thu của các cơ quan báo chí trên thế giới có thể chia làm 3 nhóm chính: Nguồn thu từ khách hàng quảng cáo, truyền thông chính sách hoặc thương hiệu; Nguồn thu từ độc giả thông qua thu phí trên báo điện tử; Nguồn thu từ hoạt động liên kết, hợp tác để tạo những giá trị mới như tổ chức sự kiện, môi giới dữ liệu, thương mại điện tử, khai thác nội dung đã xuất bản...

Ông Ngô Việt Anh cũng trao đổi rằng, tại Việt Nam có nhiều khó khăn trong các tòa soạn để tăng nguồn thu. Báo chí đứng trước nhiều thách thức trong việc cạnh tranh truyền thông xã hội, thiếu cơ chế "đặt hàng” báo chí, vi phạm bản quyền...Cùng với đó, báo chí đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số chậm, chiến lược kinh doanh chưa phù hợp. Nhiều cơ quan chưa rạch ròi giữa việc tuyên truyền và truyền thông chính sách.

"Tại Việt Nam, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn trên nền tảng số đều có nội dung chất lượng, có tính sáng tạo cao và lượng độc giả lớn. Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của tập độc giả trung thành, song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng tiềm năng”, ông Ngô Việt Anh cho biết.

Chuyển đổi số cũng gắn liền với kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức mạnh cạnh tranh của các cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới...Vai trò của công nghệ đối với báo chí như: Thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác.

"Đơn đặt hàng" trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ kép

Ở một góc độ khác, Nhà báo, thạc sĩ Phạm Thị Thanh Huyền - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân đặt ra rằng, dù muốn hay không, vô hình trung, hiện nay, mỗi tòa soạn ở dạng thức nào vẫn đang thực thi nhiệm vụ kép. Vì, dù cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu một phần hay tự chủ hoàn toàn hay là một doanh nghiệp đặc thù đi chăng nữa thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Tôn chỉ đó xác định vị trí, chức năng… tờ báo ấy được khai sinh.

Nhưng trong cơ chế mới, khi nhà báo không còn là công chức, viên chức nữa; tòa soạn không là cơ quan hành chính nữa, khi không có đủ kinh phí thì làm sao vận hành tờ báo đầy đủ, mạnh mẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ mục đích, do đó buộc phải làm kinh tế, thậm chí cả kinh doanh, để tồn tại.

Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nhìn nhận: Tờ báo không phải doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Trước hết, tờ báo phải làm nội dung tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng... sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí.

Chính vì thế, giải pháp trong bài toán "đặt hàng báo chí” được nhà báo Phạm Thị Thanh Huyền đưa ra rất thuyết phục. Bà Huyền nhận định: Những vấn đề quan trọng từ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tôn chỉ, mục đích chính là cơ sở lý giải cho các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các hình thức thông tin tuyên truyền theo đặt hàng từ ngân sách nhà nước và từ nguồn lực xã hội, nguồn lực công và tư. Sự đầu tư đúng và trúng nhiệm vụ, vị thế, uy tín, sức sống lan tỏa của tờ báo một mặt làm nên hiệu quả thông tin sâu sắc hơn, mặt khác tờ báo sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhiều nguồn lực từ xã hội hơn.

"Đơn đặt hàng cũng là một kênh phát triển kinh tế báo chí trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ kép và sẽ mang lại "hiệu quả kép" vừa có đầu tư, nguồn lực cho tòa soạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; vừa góp phần nâng cao nhận thức thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật, sáng kiến pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân… Đây chính phương thức kinh tế báo chí xuyên thấm trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích góp phần vừa sáng tạo ra những sản phẩm kết tinh từ truyền thông vừa mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế và xã hội” – Tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân khẳng định.

Theo Báo NB&CL(NT)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi. Ảnh: ĐCS

Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.

Các đại biểu dự lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục