Xu hướng AI: Toà soạn không lệ thuộc cũng không thể đứng ngoài
- Cập nhật: Thứ ba, 21/3/2023 | 1:24:01 PM
AI đang có những bước đi vô cùng lớn, nhiều phiên bản đang được vẽ ra và nâng cấp, các tòa soạn buộc phải bắt kịp cuộc chơi. Chủ tịch Polaris Media-Bernt Olufsen đã từng nói "Công nghệ đem lại cho báo chí nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng đem tới cả những thách thức mà chúng ta chưa từng đối mặt".
Một dự đoán cho tương lai báo chí khi AI ra đời đó là: Sẽ chỉ còn chỗ cho những nhà báo chân chính, biết cách phân tích dữ liệu sâu, kể chuyện hấp dẫn, biết những câu chuyện thật, những trải nghiệm thật, cảm nhận đích thực. (Ảnh: gettyimages.com)
|
Để sử dụng AI tốt nhà báo cần rèn luyện về tâm và tầm
Ngày 28/2, lãnh đạo Tập đoàn truyền thông Axel Springer của Đức đề cập sự phát triển vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay "AI đang khiến nghề báo nói chung và các nhà báo nói riêng trở nên khó tồn tại”. Tương tự, nhiều người đã cho rằng AI có thể thay thế nhà báo và nghề báo có thể biến mất.
PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng - Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra quan điểm: Lịch sử cho thấy những công nghệ mới khi ra đời có thể khiến con người lo lắng và dự đoán sự biến mất của những ngành nghề, lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, nếu hình dung một đời sống không có báo chí cung cấp thông tin, con người tiếp nhận nội dung được sản xuất tự động, có thể thấy ngay sự máy móc, vô cảm, thiếu tính nhân văn cùng với những hệ lụy xã hội nguy hiểm. Sự có mặt của báo chí không chỉ là trục chính của dòng chảy thông tin mà còn là lực lượng thực hiện những nhiệm vụ chính trị - xã hội thiết yếu.
Theo State of Digital Publishing, có 3 điểm nhấn chính khi tiếp cận AI trong lĩnh vực báo chí: Thứ nhất, AI sẽ không thay thế các nhà báo, nhưng nó có thể giúp các tổ chức báo chí tăng cường hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thứ hai, đầu tư vào AI không có nghĩa là con người sẽ ít việc làm đi. Thứ ba, các khoản đầu tư tối thiểu vào AI vẫn có thể đem về lợi nhuận cho các tổ chức báo chí.
PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng cho biết, để sử dụng AI tốt, phục vụ hiệu quả cho công việc thì nhà báo phải ý thức rèn luyện về tâm và tầm. Khi sử dụng AI trong hoạt động sáng tạo nội dung, nhà báo vẫn là người chịu trách nhiệm xã hội cho mọi sản phẩm thông tin được đăng tải. Năng lực của nhà báo, hiểu biết của nhà báo nhìn chung phải vượt trên AI thì mới sử dụng hiệu quả, không bị AI dẫn dắt.
Nhà báo phải luôn nhạy cảm chính trị, quan tâm đến tính nhân văn, tính phù hợp với văn hóa… của thông tin. Dù công nghệ phát triển đến đâu, vấn đề cốt lõi vẫn là con người - nhà báo với các nhiệm vụ gìn giữ, đảm bảo, thực hiện những tiêu chuẩn của báo chí là sự chính xác, tính công bằng và tính nhân văn. Vì vậy, đạo đức của người làm báo trong bối cảnh AI phát triển càng trở nên quan trọng.
Toà soạn cần có chiến lược trong việc sử dụng AI
Thực hiện công việc sáng tạo nội dung trong các cơ quan báo chí, ngoài công việc mang tính sáng tạo không tránh khỏi nhiều công việc có tính lặp đi lặp lại, nhàm chán, tốn nhiều thời gian khiến con người nhanh mệt mỏi như upload ảnh lên mạng, phân loại chuyên mục, gắn thẻ phân loại cho ảnh, bài viết, video, chuyển audio và video phỏng vấn sang dạng chữ viết, tạo phụ đề cho video, lọc các bình luận của độc giả...
May mắn thay là với sự tiến bộ của công nghệ, AI hiện nay có thể dễ dàng thực hiện công việc như tự động nhận diện các chi tiết trong ảnh, video và phân loại chúng. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ Voice to Text và phiên ngữ dịch tự động đối với các audio, video phỏng vấn cũng đã đạt được độ chính xác cao đối với nhiều ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt.
Nhiều toà soạn nổi tiếng trên thế giới đã sử dụng AI một cách có hiệu quả. Họ sẽ sử dụng công cụ này theo 2 phương án: tự phát triển AI của riêng mình hoặc mua công cụ AI có sẵn. Tòa soạn sẽ phát triển AI để phục vụ mục đích của mình hoặc mua công cụ có sẵn để tùy biến nó phục vụ nhu cầu của bản thân. Hai phương án này tương ứng được hai cơ quan thông tấn xã quốc tế sử dụng là Reuters (Anh) và AP (Mỹ).
Reuters tự xây dựng hầu hết các công cụ AI của mình, trong khi đó AP mua các công cụ thông qua làm việc với các startup và các nhà cung cấp ở thị trường mở. Việc lựa chọn phương án nào đều có ưu, nhược điểm và điều này sẽ tốn nhiều thời gian. Theo một số lời khuyên của những chuyên gia báo chí thế giới, tòa soạn cần xác định mình đang làm gì, đánh giá chi phí cả hai phương án và lựa chọn kỹ lưỡng những công việc, kĩ năng nào mà đội ngũ phóng viên đang có, đang yếu hoặc chưa thể thực hiện được. Nếu tòa soạn quyết định mua, có nhiều công cụ rẻ tiền. Trong khi đó nếu muốn tự phát triển, rất nhiều tòa soạn, hãng thông tấn đã lựa chọn con đường này và tòa soạn có thể học hỏi từ họ.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Lưu Trần Toàn - Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Có thể thấy, AI không cướp việc của con người vì sự thật là AI không thông minh đủ để thay thế con người. AI có thể lấy đi một số việc mà đội ngũ phóng viên đang làm. Tuy nhiên, con người - đội ngũ quản lý báo chí mới chính là chủ thể quyết định việc đó là gì. Bản thân AI không có tham vọng cũng như khả năng cướp việc. Do đó, mỗi tòa soạn cần có chiến lược về việc sử dụng AI như thế nào thay vì quá lo lắng vào việc mình cần lệ thuộc vào AI hoặc lo sợ mình đứng ngoài xu hướng AI.
Phải luôn có ý thức thích ứng với một kỷ nguyên mới
Ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bình luận, mối quan hệ giữa AI và báo chí đang được nhắc đến nhiều, nhưng thực ra nó không phải chuyện gì mới mẻ và không phải toàn những điều tồi tệ. Những cơ quan báo chí lớn như Forbes, hãng tin AP hay tạp chí online nhỏ hơn như Worldcrunch đã sử dụng AI nhiều năm qua, sản xuất những bản tin tự động và đơn giản.
Trong một kỷ nguyên mà các cơ quan báo chí phải cạnh tranh về tốc độ, những tiêu đề hoặc tóm tắt do AI gợi ý có thể giúp công tác nghiên cứu và viết bài hiệu quả hơn đối với những nhà báo luôn chịu sức ép về thời gian. Nhưng ngay cả khi số lượng các nội dung tự động hóa phức tạp tăng lên thì rõ ràng các tòa soạn không thể phụ thuộc vào mỗi AI để sản xuất ra các bài báo.
"Những cơ quan báo chí tên tuổi và có thương hiệu lớn đã phải mất nhiều thập kỷ thúc đẩy hoạt động đưa tin thận trọng và cân bằng, sẽ phải tiếp tục duy trì vị thế như là nguồn tạo ra nội dung gốc chất lượng cao để giành lấy niềm tin của độc giả, khán thính giả. Và mặc dù công việc của những nhà báo bằng xương bằng thịt chưa bị thách thức quá lớn thì các cơ quan báo chí vẫn phải thích ứng với một kỷ nguyên mới với sự hiện diện ngày càng lớn trong mọi lĩnh vực đời sống của trí tuệ nhân tạo", ông Lê Quốc Minh nhận định.
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.