Báo chí cần tăng cường tuyên truyền để hạn chế các vụ việc lừa đảo trực tuyến
- Cập nhật: Thứ năm, 6/7/2023 | 10:10:21 AM
Trả lời báo chí tại họp báo chiều 5/7, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng cho biết, lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong thời gian gần đây…ngoài xử lý về công nghệ, kỹ thuật cần phải thúc đẩy tuyên truyền thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến và các biện pháp phòng ngừa. Ảnh: Lê Tâm
|
Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Ba nhóm lừa đảo chính gồm: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Theo ông Trần Quang Hưng, xu hướng dịch chuyển của các nhóm lừa đảo trực tuyến tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp được thể hiện khá rõ trong năm nay.
Mặt khác, các nhóm lừa đảo trực tuyến đã không chỉ giới hạn hoạt động tại Việt Nam, mà còn hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines, tập hợp được nhiều người Việt tham gia…
"Hiện lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh còn bắt nguồn từ người dùng chưa được cập nhật sớm, đầy đủ về các hình thức lừa đảo, Cục An toàn thông tin cho rằng, ngoài xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, cần phải thúc đẩy tuyên truyền, thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt. Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết cách nhận diện các hình thức lừa đảo, họ sẽ cảnh giác hơn, giúp giảm lừa đảo trực tuyến”, ông Hưng chia sẻ.
Để tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023. Dự kiến, trong tháng 8, Cục An toàn thông tin sẽ công bố kết quả của chiến dịch này.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.362 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 512.712 địa chỉ.
Cục An toàn thông tin đã điều phối ngăn chặn 1.530 trang web/blog vi phạm pháp luật (559 trang lừa đảo trực tuyến); bảo vệ hơn 2,7 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.