Đào tạo phóng viên trong thời đại AI lên ngôi: Sự cấp thiết và những thách thức hiện hữu
- Cập nhật: Thứ hai, 7/8/2023 | 8:22:51 AM
Khi trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành một phần của báo chí, vấn đề đào tạo phóng viên trong tình hình mới đang trở nên cấp thiết nếu không muốn vị thế của báo chí vốn tồn tại hàng trăm năm qua - trở nên lung lay và nguy cơ mất việc đe doạ từng nhà báo.
Công nghệ AI bùng nổ đặt ra nhiều thách thức trong việc đào tạo phóng viên trong tình hình mới.
|
Nhiều thách thức lớn
Công nghệ AI là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Đây không phải là câu chuyện mới, nhưng kể từ khi có sự xuất hiện của ChatGPT - một sản phẩm AI "hot" nhất ở hiện tại thì công nghệ trí tuệ lại được khuấy động và trở thành chủ đề được bàn luận và đánh giá trên khắp các mặt báo. Nó đã tác động vào nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, trong đó có nghề báo. AI đã mang lại cho ngành báo chí những lợi ích to lớn như tăng hiệu suất, tiết kiệm chi phí, phong phú hóa nội dung... Nhưng AI cũng gây ra những thách thức và rủi ro cho ngành này, như mất việc làm, mất chất lượng, mất uy tín...
Trong bối cảnh này, vai trò của phóng viên là rất quan trọng. Họ không chỉ là người viết và truyền tải thông tin cho công chúng, mà còn là người kiểm soát và giám sát AI để đảm bảo tính xác thực và minh bạch của thông tin. Tuy nhiên, để làm được điều này, phóng viên cần có những kỹ năng và kiến thức mới để có thể hợp tác hiệu quả với AI.
Nhìn nhận về công nghệ AI và vấn đề đào tạo phóng viên trong tình hình mới, Ths. Vũ Thế Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đã ứng dụng những thuật toán hoặc ứng dụng AI trong quá trình sản xuất và xuất bản, mỗi cơ quan áp dụng ở mức độ khác nhau và trong những khâu khác nhau.
Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí đã để ý và quan tâm đến câu chuyện AI ảnh hưởng thế nào và khai thác, tận dụng AI ra sao? Câu chuyện đào tạo và tập huấn bồi dưỡng cho các phóng viên, các cơ quan báo chí cũng đã bắt đầu để ý nhưng cũng có rất nhiều những khó khăn, thách thức nên vấn đề triển khai công tác bồi dưỡng và đào tạo còn nhiều những vướng mắc và chưa thực sự đạt được hiệu quả cao.
Theo Ths. Vũ Thế Cường về việc đào tạo ở các trường đại học, hoặc những khoa đào tạo báo chí chuyên nghiệp, ở đó các lãnh đạo nhà trường, các thầy cô rất mong muốn ứng dụng và kết nối nhiều mối liên hệ với các cơ quan báo chí bên ngoài để xây dựng và ứng dụng mô hình toà soạn hiện đại, ứng dụng thuật toán và AI trong công tác đào tạo, thực hành dành cho sinh viên. Song, thách thức lớn nhất ở đây là điều kiện chưa có, đặc biệt liên quan đến tài chính và cơ sở vật chất. Vì để ứng dụng AI và các thuật toán trong hoạt động đào tạo phải đầu tư nhiều về mặt công nghệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
"Các trường đại học trong nước đang thiếu về nguồn lực kinh tế tài chính, nguồn lực về thiết bị và nguồn lực về các giảng viên. Áp dụng vào đào tạo chưa được nhiều", Ths Vũ Cường nhận định.
Còn tại các cơ sở mang tính chất bồi dưỡng, hoặc một số cơ quan báo chí kể cả những cơ quan báo chí địa phương đã chủ động tập huấn cho phóng viên, biên tập viên về việc ứng dụng AI trong hoạt động báo chí như thế nào, trợ giúp các nhà báo ra sao. Tuy nhiên, theo Ths Vũ Cường việc này đang diễn ra một cách nhỏ lẻ. Hiện có gần 25 nghìn phóng viên đã được cấp thẻ, chưa kể những người đang làm báo mà chưa được cấp thẻ, trong khi mỗi lớp chỉ có khoảng 20-30 học viên. Điều này cho thấy việc đào tạo bồi dưỡng phóng viên trong công tác này vẫn còn ở bước đầu và chưa thực sự được quan tâm và đầu tư.
Thêm một khía cạnh nữa Ths. Vũ Thế Cường nhắc đến đó là khó khăn về cơ chế, có nơi có tiền nhưng muốn mua thiết bị công nghệ cũng không được. Cơ chế về nguồn nhân lực, song song với việc ứng dụng được AI phải đào tạo cho lãnh đạo cơ quan báo chí, cho các phóng viên để ứng dụng và tác nghiệp được một cách hiệu quả hơn.
"Có những cơ quan báo chí đã thực hiện ứng dụng AI trong hoạt động của mình, nhưng sau phải dừng lại, bởi vì liên quan đến cơ chế của cơ quan báo chí đó, vai trò của nhà báo và phóng viên trong môi trường được đầu tư AI không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo sản phẩm báo chí một cách thông thường nữa mà lúc này sẽ phải là một đầu tàu, bộ phận đầu não để cung cấp, tập huấn cho những thuật toán đó, cho AI đó hỗ trợ công việc cho mình. AI trong trường hợp này sẽ trở thành người giúp việc, thư ký cho bản thân các nhà báo và phóng viên", Ths. Vũ Thế Cường cho hay.
Nguy cơ sa thải hiện hữu
Cuối tháng 3 vừa qua, Bild - nhật báo lớn nhất nước Đức đã lên kế hoạch cắt giảm hàng trăm việc làm khi thu hẹp các hoạt động khu vực trong năm nay đồng thời tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo để chuẩn bị cho một tương lai số hóa hoàn toàn. Khoảng 200 việc làm của Bild sẽ bị cắt giảm. Bild hiện đang sử dụng khoảng 1.000 nhân sự. "Vai trò của biên tập viên, người chỉnh sửa ảnh, người đọc soát lỗi và các nhân viên khác tham gia sản xuất bản in sẽ không còn tồn tại như hiện nay” - Axel Springer, công ty xuất bản sở hữu Bild thông báo trong văn bản nội bộ.
Vào hôm 1/8, tờ báo nổi tiếng của Anh là National World, công bố họ đã cắt giảm gần 1/3 lực lượng lao động của mình trong hai năm qua và đang tiếp tục tiến hành các đợt cắt giảm nhân sự khác, ảnh hưởng đến hơn 50 nhà báo. Cùng với tuyên bố sẽ áp dụng chiến lược tự động hóa rộng lớn hơn trong thời gian còn lại của năm 2023, bao gồm "khai thác ngay trí tuệ nhân tạo trong sản xuất trên cả nền tảng in ấn và kỹ thuật số”.
Theo Ths Vũ Thế Cường, báo chí và truyền thông là một trong những ngành nghề đối mặt với nguy cơ sa thải nhiều nhất nếu AI được mở rộng và đầu tư. Song, bất cứ vấn đề nào đều có hai mặt. Ở câu chuyện này, ứng dụng AI sẽ mang lại đóng góp và xây dựng nền báo chí mang chất lượng cao hơn, nâng cao giá trị tổng thể của báo chí nói chung. "Về mặt nhân lực những người trụ lại được sẽ là những nhà báo ưu tú cả về mặt chuyên môn và những kỹ năng về công nghệ", Ths Vũ Cường nói.
Trên thực tế đó, vấn đề đào tạo phóng viên trong thời kỳ mới lại càng trở nên cấp thiết. Khi công nghệ AI đã tác động mạnh mẽ vào ngành báo chí đang đòi hỏi các nhà trường phải đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo để tiếp cận công nghệ làm báo mới trong đó có các công cụ AI hỗ trợ. Bên cạnh đó, các toà soạn báo cũng cần tăng cường hoạt động đào tạo bồi dưỡng để các phóng viên tiếp cận công nghệ mới.
Theo Báo NB&CL
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.