Gióng hồi chuông về sự xói mòn đạo đức người làm báo
- Cập nhật: Thứ ba, 28/11/2023 | 4:12:45 PM
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo sách nhiễu, tống tiền doanh nghiệp, nhận hối lộ đã bị phát hiện, đưa ra ánh sáng. Thực trạng này đang có xu hướng gia tăng, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự "tha hoá, biến chất" của một bộ phận người làm báo.
Đối tượng Lê Danh Tạo tại cơ quan điều tra.
|
Cảnh báo về sự xói mòn đạo đức người làm báo
Chiều hôm qua, 27/11, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Tĩnh vừa khởi tố 3 đối tượng về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Được biết, đây là những đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, cầm đầu là Lê Danh Tạo, SN 1966, trú tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh.
Theo đó, Lê Danh Tạo từng là nhà báo, cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí. Quá trình hoạt động, đối tượng này quen biết với nhiều CSGT, Thanh tra giao thông trên các tỉnh thành cả nước, đồng thời cũng quen biết với một số nhà xe vận tải hàng hóa đường dài.
Phát hiện thấy nhiều lái xe thường mắc các lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nên Lê Danh Tạo đã yêu cầu các lái xe này chung chi từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng/xe để nhận được "bảo kê” từ Lê Danh Tạo. Tạo cam kết chỉ cần là "xe của Tạo” thì lực lượng chức năng sẽ bỏ qua hoặc nếu bị dừng, kiểm tra thì Tạo sẽ trực tiếp gọi điện can thiệp.
Hỗ trợ tích cực cho Lê Danh Tạo hoạt động là Hồ Thị Hải - vợ của Tạo và Hồ Kim Cường (em trai của Hồ Thị Hải) - là cộng tác viên của một tờ báo. Với những hành vi sai phạm, mỗi tháng các đối tượng thu lợi bất chính số tiền trên 1 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 11, Công an huyện Mộc Châu, Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Kiều (SN 1987), phóng viên hợp đồng của báo Dân tộc và Phát triển, và Hà Văn Bình (SN 1978), biên tập viên hợp đồng của kênh tin tức 24h Pháp luật và đời sống, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai đối tượng vào nhà dân, tự giới thiệu là cán bộ phòng Tài nguyên - Môi trường và "xin 5 triệu đồng” về làm quà cho lãnh đạo.
Trước đó vào cuối tháng 10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị này đang tạm giữ hình sự Nguyễn Tiến Khoa (53 tuổi, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam) để điều tra, làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu, trong quá trình tác nghiệp trên địa bàn huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, Nguyễn Tiến Khoa đã nhiều lần gọi điện thoại và đe doạ một người dân trên địa bàn để chiếm đoạt 52 triệu đồng.
Vào tháng 9/2023, TAND TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tuyên phạt 21 tháng tù giam về tội "cưỡng đoạt tài sản" với Lê Toàn. Theo đó, khi đang là phóng viên một tờ tạp chí, Toàn đã ép doanh nghiệp ở Quảng Bình chung chi 50 triệu đồng, nếu không sẽ viết bài đăng báo.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những vụ việc phóng viên bị bắt, bị khởi tố vì hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cá nhân liên tiếp xảy ra. Đây là thực tế đáng buồn khi có những người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bỏ qua mọi tôn chỉ, mục đích và sứ mệnh của ngành báo chí, bất chấp tất cả để kiếm tiền, có những hành vi nhũng nhiễu, tống tiền tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Không thể lấy khó khăn để biện minh
Thật đáng buồn khi phải thừa nhận rằng sự xói mòn đạo đức người làm báo đi liền với quá trình thương mại hóa đang có dấu hiệu gia tăng. Áp lực lợi nhuận, thời gian hoàn thành công việc đã khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, phóng viên báo chí không chỉ "vô tình" mà là sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức người làm báo, vi phạm pháp luật.
Trả lời trên Báo Công Thương, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận định, báo chí là loại hình đặc thù, uy tín của tờ báo và uy tín của từng nhà báo tổng hoà mới tạo nên được "niềm tin" của độc giả, của khán thánh giả.
Do sự phát triển của xã hội, của công nghệ nhiều cơ quan báo chí đã vội vã đăng tải những thông tin không chính xác; do khó khăn trong hoạt động tác nghiệp, nhiều phóng viên nhà báo đã có hành vi sai trái làm mất niềm tin của độc giả thậm chí vi phạm pháp luật. Có những tờ báo hoạt động sai lệch bị rút giấy phép phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động. Những sự việc đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.
Theo ông Lê Quốc Minh, không thể lấy sự khó khăn về tài chính, về cơ chế để biện minh cho những sai trái của các cơ quan báo chí hay cá nhân nhà báo. Có một số hiện tượng lấy danh nghĩa là đấu tranh chống tham nhũng nhưng để trục lợi cá nhân, hoặc là lợi dụng sai sót của doanh nghiệp, của địa phương, thậm chí của người dân để gây khó khăn, kiếm nguồn thu bất chính vào túi riêng.
"Vấn đề đạo đức nghề nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều quan trọng, nhưng riêng trong lĩnh vực báo chí thì nó còn quan trọng hơn rất nhiều", ông Minh khẳng định.
Ông Lê Quốc Minh diễn giải, một bác sĩ tay nghề kém sẽ làm ảnh hưởng đến sinh mạng của vài chục, vài trăm người; một nhà giáo không có tâm, trình độ kém có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn học sinh. Nhưng một nhà báo vi phạm đạo đức, đưa những thông tin không chính xác có thể làm nguy hại thậm chí tiêu diệt cả một doanh nghiệp, một hệ thống, một cơ chế. "Không tâm niệm được nguyên tắc bất di bất dịch của đạo đức nghề nghiệp, nhà báo không xứng đáng để cầm bút", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Có thể thấy rằng, những trường hợp "tha hoá, biến chất" trong hàng chục nghìn người đứng trong hàng ngũ báo chí, đã ảnh hưởng không nhỏ tới danh dự, uy tín các nhà báo với xã hội, khiến báo chí trở thành nỗi ám ảnh của nhân dân, của doanh nghiệp.
Qua thực trạng đáng lên án đó, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng cần quản lý thật tốt đội ngũ phóng viên và có chế tài xử phạt nghiêm minh với những sai phạm để không còn đất sống cho những kẻ mang danh nhà báo đang làm "vấy bẩn” hình ảnh những người làm báo chân chính, để giành lại niềm tin của độc giả, khán thính giả, và thực hiện được đúng sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam.
Các tin khác
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.