Kinh tế báo chí với đầy rẫy những áp lực - làm sao để gỡ khó?

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/1/2024 | 5:47:52 PM

Các cơ quan báo chí đứng trước bài toán khó: Làm thế nào để tìm kiếm doanh thu trước sức ép ngày một lớn đến từ các mô hình truyền thông mới, dòng tiền quảng cáo đang đổ dồn về các nền tảng số? Câu chuyện về kinh tế với đầy dẫy những áp lực là vấn đề nan giải trong thời gian qua.

Theo một thống kê từ From Digital, gần 70% số tiền chi cho quảng cáo trên các ấn phẩm giấy đã bay hơi trong 15 năm qua. Năm 2022, tổng doanh thu quảng cáo trên toàn cầu vượt mức 500 tỷ USD, trong đó doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch Covid-19 tạo ra sức ép vô cùng lớn cho kinh tế báo chí. (Ảnh nguồn: pngtree)
Theo một thống kê từ From Digital, gần 70% số tiền chi cho quảng cáo trên các ấn phẩm giấy đã bay hơi trong 15 năm qua. Năm 2022, tổng doanh thu quảng cáo trên toàn cầu vượt mức 500 tỷ USD, trong đó doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch Covid-19 tạo ra sức ép vô cùng lớn cho kinh tế báo chí. (Ảnh nguồn: pngtree)

"Miếng bánh" kinh tế ngày càng nhỏ đi

Khảo sát của Cục Báo chí với 158 cơ quan báo chí in và điện tử cho thấy, trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu của những đơn vị này đều giảm. Trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020.

Tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

Theo số liệu của Cục Báo chí (Bộ TT&TT), có một thực tế, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, những đơn vị này vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. Nhưng giờ đây, nguồn thu này sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. 

kinh te bao chi voi day ray nhung ap luc lam sao de go kho hinh 1Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh đến vấn đề các cơ quan báo chí cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới. (Ảnh: Quang Hùng)

Nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng cần nhiều thời gian để bền vững. Đơn vị đầu tiên triển khai thu phí nội dung là Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam. Tuy nhiên, doanh thu từ độc giả chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nguồn thu của báo.

Các doanh nghiệp bỏ tới 80% chi phí marketing sản phẩm trên Facebook và Google, trong khi chỉ bỏ phần nhỏ để làm thương hiệu trên báo chí chính thống.

Thêm nữa, việc các trang tin, mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo, khiến "miếng bánh” kinh tế báo chí ngày một nhỏ đi.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, doanh thu truyền thông đạt gần 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế, nhưng 50% doanh thu quảng cáo đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới và dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập, sở hữu.

"Các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước mất nguồn thu từ quảng cáo, phụ thuộc vào các công cụ phân tích, đánh giá dữ liệu của các nền tảng này", Thứ trưởng Lâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định, nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng tìm đến các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google.

Bàn về vấn đề này, TS. Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thư ký Biên tập - Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay, chỉ với một chiếc smartphone, công chúng có thể thoả mãn mọi nhu cầu của mình, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân, họ không cần phải tìm đến các nhà cung cấp truyền thống về mặt thông tin như báo chí nữa. Vì vậy, chuyển đổi số là vấn đề quan trọng hàng đầu của các cơ quan báo chí hiện nay, trong bối cảnh đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình truyền thông trên nền tảng số. 

Theo TS. Đồng Mạnh Hùng, để có thể làm kinh tế báo chí trên nền tảng số, điều quan trọng hàng đầu đối với mỗi cơ quan báo chí vẫn là nội dung tốt.

"Tuy nhiên, nội dung tốt chưa đủ, mà nó phải là nội dung số, để phù hợp với môi trường số, tức là những nội dung mang tính cá nhân hóa ở mức cao, những nội dung mà mỗi khán, thính giả, độc giả đều có thể tìm thấy mình ở trong đó.

Trong nền kinh tế báo chí, nếu coi sản phẩm báo chí là hàng hóa, thì phải coi khán, thính, độc giả là khách hàng. Phục vụ khách hàng những sản phẩm họ cần, chứ không phải những sản phẩm mình có, là nguyên tắc hàng đầu của kinh tế thị trường", TS. Đồng Mạnh Hùng cho biết.

Kinh tế - nguồn cơn của nhiều sai phạm

Đến hết năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí; 72 Đài phát thanh, truyền hình. Chỉ có một số rất ít các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn hơn kinh phí hoạt động. Thực trạng đó dẫn đến việc nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo có những sai phạm trọng hoạt động nghề nghiệp. Từ 2017 - 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành 65 cuộc thanh tra, 48 cuộc kiểm tra; ban hành 306 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 8 tỷ 618 triệu đồng. 

Đánh giá về con số trên TS. Đồng Mạnh Hùng nhận định: "Con số này chưa phản ánh hết những "góc khuất” trong hoạt động báo chí hiện nay. Việc các nhà báo, phóng viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo để dọa dẫm, sách nhiễu cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để trục lợi là có thật và diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn".

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, mà ở đó, vấn đề quan trọng nhất là do ngân sách hoạt động. Chi đầu tư phát triển báo chí chỉ chiếm dưới 0,3% tổng chi đầu tư ngân sách nhà nước. Không nhiều cơ quan chủ quản bố trí ngân sách, nguồn lực để đặt hàng hoặc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền.

kinh te bao chi voi day ray nhung ap luc lam sao de go kho hinh 3Theo TS Đồng Mạnh Hùng, một vấn đề nữa liên quan đến kinh tế báo chí, đó là việc đặt hàng sản xuất. Đề nghị Luật Báo chí làm rõ hơn chính sách hỗ trợ, đặt hàng của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, ưu tiên hỗ trợ đối với cơ quan báo chí chủ lực. (Ảnh: Sơn Hải)

"Nhiều cơ quan chủ quản thậm chí không những không giúp gì về nguồn lực tài chính để hoạt động, ngược lại còn áp đặt cơ quan báo chí phải có một số khoản đóng góp để bổ sung chi hoạt động của cơ quan chủ quản", nhà báo Đồng Mạnh Hùng nêu thực trạng và cho hay: "Lợi dụng cơ chế tự chủ là tình trạng phóng viên các tạp chí điện tử chuyên ngành "xé rào” đi viết bài chống tiêu cực hoặc PR cho doanh nghiệp nhưng thực chất là để dọa dẫm vòi tiền, đòi quảng cáo hoặc hợp đồng truyền thông để hưởng lợi cá nhân hoặc nộp lại cho đơn vị dưới danh nghĩa "nuôi sống tòa soạn”. Hiện tượng này gọi là "báo hóa tạp chí".

Hiện nay, mỗi cơ quan báo chí vẫn thực thi nhiệm vụ kép. Đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo cùng với làm kinh tế, thậm chí cả kinh doanh để tồn tại. 

Theo ông Đồng Mạnh Hùng, từ cơ chế tự chủ đã phát sinh ra nhiều cách thức giúp báo chí làm kinh tế, trong đó có việc liên kết, xã hội hóa. Việc liên kết, xã hội hóa trong hoạt động báo chí nói chung và hoạt động phát thanh nói riêng nhằm huy động các nguồn từ các tổ chức, đơn vị bên ngoài tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí, giúp cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương giảm tải nguồn kinh phí, tăng thêm nguồn lực cả vật chất, phương tiện và nhân lực trong quá trình sản xuất. 

"Đây là điều rất cần thiết và đã giúp cho các cơ quan báo chí có thêm nguồn lực để tăng năng lực sản xuất và có những sản phẩm báo chí đạt chất lượng", TS Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhà báo Đồng Mạnh Hùng cũng cho rằng, để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần có những quy định cụ thể của Luật Báo chí về các sản phẩm báo chí: cái nào được coi là hàng hóa và cái nào là sản phẩm tuyên truyền, cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động. 

Theo Báo NB&CL

Các tin khác
Các đại biểu dự lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Tọa đàm có sự tham gia của ba khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Toà án nhân dân TP Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.

Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Giải Đặc biệt được trao cho nhóm tác giả Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.

Các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng sách

Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự