Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí
- Cập nhật: Thứ bảy, 4/5/2024 | 3:38:18 PM
Được biết đến không chỉ là một vị tướng lừng danh có sức ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Việt Nam và thế giới thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo xuất sắc với ngòi bút chiến đấu mạnh mẽ.
Bài viết “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám” đăng trên Tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8.1991
|
Trong quá trình chuẩn bị tư liệu cho sự kiện trưng bày về nhà báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có dịp sưu tầm các tài liệu, hiện vật về quá trình hoạt động báo chí, đặc biệt là khoảng thời gian Đại tướng làm báo trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Trong đó, bài báo đầu tiên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lúc mới 16 tuổi, khi đang học năm thứ 2 tại Trường Quốc học Huế.
"Năm 1925, tôi mới 14 tuổi, từ một làng quê Quảng Bình vào Huế học ở trường Quốc học. Đây là một cái nôi của phong trào học sinh yêu nước Miền Trung. Học sinh trao tay nhau những bài thơ ca yêu nước. Anh Hải Triều đã đưa tôi đọc Bản Án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, báo Le Paria, báo Việt Nam hồn... Cuộc đấu tranh âm ỉ đã nổi lên nhân phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, nhân đám tang cụ Phan Chu Trinh. Ban giám hiệu người Pháp và các giám thị tăng cường theo dõi, o ép, dẫn tới cuộc bãi khóa lớn của học sinh năm 1927, bắt đầu từ Quốc học. Một số học sinh trong đó có tôi bị đuổi khỏi trường.
Tôi nảy ra ý định viết một bài báo với tiêu đề "Đả đảo tên bạo chúa ở trường Quốc học”. Phải viết bằng tiếng Pháp để gửi cho tờ L’Annam xuất bản ở Sài Gòn, do luật sư Phan Văn Trường làm chủ nhiệm. Đây là tờ báo dám công khai đả kích thực dân Pháp. Bài báo có tiếng vang ở Huế và nhiều nơi. Mối duyên nợ với báo chí bắt đầu từ đây”.
Trong cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, tác giả Trung tướng Phạm Hồng Cư dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với Đại tướng cũng nhắc tới đầu đề bài báo đầu tiên của Tướng Giáp với tựa đề bằng tiếng Pháp như một khẩu hiệu đấu tranh, một tiếng thét căm hờn: "À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học).
Nhà văn Lady Borton, người có nhiều công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho rằng bài báo đầu tiên của Đại tướng đã được đăng trên báo L’Annam. Tuy nhiên, do bút danh lạ, và do tiêu đề bài báo khác với nhan đề mà Tướng Giáp đã nêu trong phỏng vấn đã làm các nhà nghiên cứu không tìm thấy ngay bài báo đầu tiên của Võ Nguyên Giáp.
Bài báo đó đã được bà Lady Borton tìm thấy dưới tên gọi đã được biên tập lại: Huế: chế độ lạ kỳ trong một trường quốc học! (Hue: Quel singulier régime dans un collège!) với bút danh Trắc Ánh (Trac Anh) trên báo L’Annam.
Khi sưu tầm tài liệu tại Thư viện Quốc gia Pháp, được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp nước bạn, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tìm kiếm và tiếp cận các số báo L’Annam xuất bản từ 1926 đến 1928 với gần 500 trang đang lưu giữ tại Thư viện này có ký hiệu vi phim là MICR D-237 trong đó tìm thấy số báo L’Annam 4 trang có nội dung đăng trên trang nhất bài viết của cậu học sinh Trường Quốc học Huế Võ Giáp khi đó mới 16 tuổi ra thứ Năm, ngày 24.3.1927.
Bài báo tố cáo nền giáo dục ngu dân, lên án lối cai trị hà khắc và âm mưu thâm độc của những kẻ tự nhận là "khai hóa” và "bảo hộ”.
Ngay sau khi đọc bài báo, Luật sư Phan Văn Trường đã phải thốt lên: "Một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này, mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Paris”.
Từ bài báo đầu tiên này, cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn chặt với báo chí, dùng báo chí làm công cụ hữu hiệu cho hoạt động đấu tranh cách mạng, thể hiện trí dũng song toàn xuất sắc của một vị Đại tướng. Trong cuộc đời cách mạng vẻ vang, Tướng Giáp tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ đặc biệt giữa nghệ thuật quân sự và nghệ thuật báo chí.
Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Ông chia sẻ: "Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là công việc luôn khẩn trương.”
Ông tâm sự: "Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.