Báo chí với chiến dịch thông tin quy mô, toàn diện về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
- Cập nhật: Thứ tư, 8/5/2024 | 4:00:24 PM
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son lịch sử rực sáng nhất trong thế kỷ XX, các cơ quan báo chí đã thực hiện những chiến dịch thông tin đặc biệt, quy mô, toàn diện, phong phú về nội dung, đặc sắc về hình thức được phủ sóng trên tất cả các nền tảng để làm sống lại những ngày tháng hào hùng không thể quên của dân tộc.
Báo Nhân Dân triển khai một sản phẩm trên Internet với cách làm chưa từng thấy - đó là chuyên trang đặc biệt Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Thành Đạt)
|
Cả bộ máy của Báo Nhân Dân tham gia chiến dịch thông tin đặc biệt
Trong không khí nhớ về những ngày hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, với vai trò cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện của nền báo chí cách mạng, Báo Nhân Dân đã triển khai đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên tất cả các ấn phẩm và nền tảng báo chí, đặc biệt nhấn mạnh về "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!” của bảy thập niên trước đây.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, cả bộ máy của Báo Nhân Dân tham gia đợt thông tin đặc biệt này, từ các ban chuyên môn báo in cùng hệ thống cơ quan thường trú trong nước và nước ngoài, cho đến các ấn phẩm in, điện tử và truyền hình.
"Đây là một đợt thông tin quy mô, toàn diện, phong phú nhất và kéo dài nhất trên báo chí cho tới thời điểm hiện nay do những người làm báo Đảng thực hiện về Chiến thắng Điện Biên Phủ", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Theo ông Lê Quốc Minh, sau nhiều tháng chuẩn bị công phu, bắt đầu từ ngày 13/3/2024, Báo Nhân Dân triển khai một sản phẩm trên Internet với cách làm chưa từng thấy - đó là chuyên trang đặc biệt Chiến thắng Điện Biên Phủ (tại địa chỉ https://dienbienphu.nhandan.vn), với điểm nhấn quan trọng là Nhật ký Diễn tiến chiến dịch suốt 56 ngày đêm, từ trận mở màn 13/3/1954 đến ngày kết thúc thắng lợi 7/5/1954.
Nhật ký bao gồm tất cả các diễn biến từng ngày tại mặt trận Điện Biên Phủ và trên các mặt trận, địa phương khác trong cả nước liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ; cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao và dư luận quốc tế về trận chiến ở Điện Biên Phủ. Cùng với Nhật ký Diễn tiến chiến dịch, phần Thông tin toàn cảnh bao gồm các chuyên mục: Tư liệu; Dư luận quốc tế; Điện Biên hôm nay; Hỏi đáp về chiến dịch Điện Biên Phủ và Multimediađăng tải các đoạn phim truyền hình với nhiều hình ảnh quý do Truyền hình Nhân Dân thực hiện.
"Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm bài viết của các chuyên gia được đăng tải trên chuyên trang đặc biệt này, cách trình bày nội dung rất sáng tạo và cao cấp, mang lại trải nghiệm độc đáo cho người xem”, đồng chí Lê Quốc Minh cho hay.
Ngoài ra, song song với Nhân Dân điện tử, trên các ấn phẩm Nhân Dân hằng ngày, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng, báo Thời nay, Truyền hình Nhân Dân có các tuyến bài phóng sự, bình luận, tin tức, phân tích, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, giới thiệu bài viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật về Điện Biên Phủ xưa và nay với cách thể hiện tổng quan rất mới và đặc biệt thú vị.
"Những câu chuyện hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được thế hệ hôm nay tiếp tục kể cho các thế hệ mai sau, mãi mãi là như vậy. Và những bài viết, những phóng sự truyền hình, cũng như chuyên trang đặc biệt của Báo Nhân Dân mà chúng ta cùng chứng kiến hôm nay, cũng nhằm mục đích đó”, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định.
Sống dậy những năm tháng chiến đấu
Xác định đúng tầm vóc của 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước nên từ sớm, Ban Biên tập báo Tiền Phong đã lập kế hoạch, đề cương tuyên truyền. Trong đó, nội dung tuyên truyền được chia thành từng phần, giao cụ thể cho từng ban chuyên môn thực hiện.
Nhà báo Hồ Sỹ Lực - Phó trưởng ban phụ trách Ban Bạn đọc cho biết, đề cương tuyên truyền gồm có 4 phần chính. Phần thứ nhất là tuyên truyền về diễn biến, kết quả và tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phần thứ 2 là những năm tháng chiến đấu không quên của những tướng lĩnh, chiến sĩ Điện Biên ngày đó.
"Đây là mảng đề tài mà báo tập trung nhất trong đợt tuyên truyền. Qua lời kể của các nhân vật và tác nghiệp thực tế của phóng viên, chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ được làm "sống dậy”, được "chuyện hóa”, so sánh đối chiếu giữa trước đây và hiện nay một cách hấp dẫn.
Mảng thông tin này được giao cho phóng viên khắp cả nước của báo Tiền Phong thực hiện. Tuy nhiên, để có sự tập trung, liền mạch, Ban Biên tập đã giao cho nhóm phóng viên Ban Bạn đọc chủ công, thực hiện hành trình trở lại Tây Bắc, trở lại Điện Biên theo con đường hành quân của các chiến sỹ năm xưa để ghi và kể chuyện”, nhà báo Hồ Sỹ Lực cho hay.
Phần 3 trong kế hoạch tuyên truyền nhân dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lần này của báo Tiền Phong là phản ánh việc Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Điện Biên đang phát huy truyền thống lịch sử hào hùng trước đây như thế nào. Phần này nhóm phóng viên của Ban Bạn đọc khi "nằm vùng” tại Điện Biên đã có những bài phỏng vấn, khảo sát thực tế rất sinh động.
Phần thứ tư trong kế hoạch tuyên truyền dịp này là đi theo các sự kiện. Theo đó, một nhóm phóng viên được cử đi cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (cơ quan chủ quản của Báo Tiền Phong) tham gia Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” hướng về Điện Biên với 3 hành trình nhánh xuất quân tại các tỉnh, thành phố và hội quân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
"Tất cả những góc tiếp cận đó nhằm làm sáng lên chủ đề xuyên suốt: 70 năm lẫy lừng Điện Biên Phủ”, nhà báo Hồ Sỹ Lực nhấn mạnh.
Nhà báo Lê Đức Anh (Ban Bạn đọc, báo Tiền Phong) - Trưởng nhóm phóng viên thực hiện tuyến bài ghi chép nhân dịp 70 năm Điện Biên Phủ chia sẻ, từ cuối tháng 3, khi nhận được nhiệm vụ chủ công thực hiện tuyến bài ghi chép, nhóm phóng viên đã bàn bạc, cắt cử nhóm tác nghiệp gồm 4 người tập trung tìm hiểu, tham vấn từ các đồng nghiệp tại Điện Biên để hoàn thành sơ lược đề cương tuyến ghi chép gồm 18 bài.
Sau đó, nhóm phóng viên lập kế hoạch sẽ đến các địa danh trọng yếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ như cứ điểm của địch (Khu đề kháng Him Lam, phân khu Trung tâm, phân khu Hồng Cúm), Đèo Pha Đin, Sở Chỉ huy chiến dịch của ta ở Mường Phăng, Ngã 3 Cò Nòi, bến phà Tạ Khoa… để khảo sát, ghi chép, gặp lại các nhân chứng và viết bài.
Ngoài ra, các thông tin tỉnh Điện Biên đã và đang thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá - du lịch… ra sao cũng được chọn đưa vào tuyến bài.
"Ví dụ như việc phát triển sân bay Điện Biên trên nền sân bay của quân đội Pháp trước đây, lễ hội hoa Ban, hay những đặc sản Điện Biên khẳng định được thương hiệu như gạo, cà phê, các loại dược liệu…cũng được đưa vào đề cương tuyến bài. Ngoài thực hiện tuyến bài ghi chép cho báo giấy, nhóm phóng viên Ban Bạn đọc cũng lên kịch bản, chuẩn bị thiết bị như máy ảnh, máy quay, flycam, míc…để thực hiện các sản phẩm số cho báo Tiền Phong điện tử", nhà báo Đức Anh nói.
Nhà báo Lê Đức Anh cho biết, tại tỉnh Điện Biên, để có cái nhìn tổng thể về kế hoạch tuyên truyền của tỉnh và hệ thống lại nội dung cần thực hiện, nhóm phóng viên đã trao đổi cụ thể với ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thường trực tiểu ban tuyên truyền sự kiện. Qua đó, nhóm chia ra liên lạc với từng đầu mối để thực hiện từng phần việc trong tuyến bài.
Cuối mỗi ngày tác nghiệp, nhóm tập hợp lại ghi chép nhật ký thống kê những việc làm được, chưa làm được và lên kế hoạch, xây dựng câu hỏi cụ thể đến từng nhân vật cho ngày tiếp theo. Trong 11 ngày, nhóm đã hoàn thành công việc trong đề cương đưa ra và thực hiện viết bài nộp về tòa soạn.
Theo nhà báo Lê Đức Anh, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu, hầu hết người dân ta và thế giới đều biết đến. Vì thế, để kể lại sinh động, "chuyện hóa” những trận đánh lịch sử, xâu chuỗi ký ức, quá khứ một thời và khát vọng hiện tại, con người, cảnh vật sau 70 năm là việc khó khăn nhất.
Ngoài gặp những nhân vật tham gia các trận đánh để nghe họ kể lại những câu chuyện, ghi lại những cảm xúc của họ, nhóm tác giả và các bộ phận biên tập, hỗ trợ phía sau buộc phải đọc lại các tài liệu, tham vấn các chuyên gia để thẩm định lại các nội dung nhân chứng kể sao cho chính xác.
Bởi trải qua 70 năm lịch sử, những người còn sống hầu hết đã ngoài 90 tuổi, một số người không thể nhớ hết những trận đánh vô cùng ác liệt khi xưa.
Tổng kết chuyến đi, nhóm phóng viên đã hoàn thành 18 kỳ phóng sự ghi chép; một số bài viết riêng biệt và khoảng 20 sản phẩm số cho các ấn phẩm của báo Tiền Phong.
"Tuyến bài được Ban Biên tập đánh giá là hấp dẫn, có nhiều nội dung mới chưa từng xuất hiện trước đây. Bước đầu, chúng tôi nhận được một số lời khen ngợi của đồng nghiệp và bạn đọc. Và với chúng tôi, đó là một đợt tác nghiệp/ một "trận chiến” quy mô, đoàn kết một lòng, hiệu quả và ý nghĩa", nhà báo Lê Đức Anh bày tỏ.
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.