Vinh danh những tác phẩm viết về đề tài bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở
- Cập nhật: Thứ năm, 30/5/2024 | 2:37:27 PM
Lễ trao giải Cuộc thi viết các tác phẩm điện tử với chủ đề "Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở" sẽ diễn ra vào chiều nay, 30/5, tại Hà Nội. Chương trình do Bộ Công an và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức.
|
LAN TỎA HÌNH ẢNH ĐẸP CỦA
NGƯỜI CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN
Từ tháng 2/2023, Bộ Công an phối hợp Báo Nhân Dân phát động Cuộc thi viết các tác phẩm điện tử với chủ đề "Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi). Sau hơn một năm triển khai, Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sẽ được tổ chức vào 14 giờ chiều ngày 30/5 tại Hà Nội.
Cuộc thi viết lần này hướng tới tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân và chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ nêu "Sáu điều dạy Công an nhân dân” (11/3/1948-11/3/2023).
Đây là một trong nhiều hoạt động nằm trong Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Báo Nhân Dân về công tác tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2018-2023.
Cuộc thi viết các tác phẩm điện tử với chủ đề "Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở” hướng tới tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân và chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ nêu "Sáu điều dạy Công an nhân dân” (11/3/1948-11/3/2023).
Cuộc thi nhằm tuyên truyền, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trong việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; ghi nhận những thành tích, chiến công xuất sắc, những khó khăn, vất vả, nỗ lực của Công an cơ sở; tôn vinh gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu, những mô hình hay, cách làm tốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở…
Trước đó, ngày 15/2/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức lễ phát động Cuộc thi theo hình thức trực tuyến từ trụ sở Bộ đến Công an 63 địa phương.
Ngay sau lễ phát động, Cơ quan Thường trực của Cuộc thi đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ góp phần tuyên truyền và lan tỏa sự kiện ý nghĩa này.
Cụ thể, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (https://bocongan.gov.vn/) đã mở riêng một chuyên mục về Cuộc thi để Công an các đơn vị, địa phương và nhân dân có thể truy cập, liên kết, tìm hiểu các thông tin liên quan.
Báo Nhân Dân cũng đã mở chuyên mục về Cuộc thi trên giao diện trang chủ của Báo Nhân Dân điện tử. Từ đó, nhằm mục đích thông tin tuyên truyền rộng rãi và vận động đông đảo nhân dân cũng như bạn đọc hưởng ứng, tham gia chương trình đầy ý nghĩa này.
Đồng thời, các phóng viên của Báo Nhân Dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đã trực tiếp tổ chức các tuyến đề tài, chủ động tác nghiệp tại nhiều địa bàn cơ sở để viết nhiều tác phẩm đặc sắc, gửi tham dự Cuộc thi.
VINH DANH 54 TÁC PHẨM VÀ 5 TẬP THỂ
Qua hơn một năm phát động, từ hàng nghìn bài gửi dự thi đã được xét chọn tại Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan quản lý báo chí, phóng viên, cộng tác viên…, Cơ quan thường trực Cuộc thi chọn hơn 700 bài dự thi vào vòng chung khảo. Hội đồng Giám khảo đã chấm và chọn được 54 tác phẩm xuất sắc của các tác giả/nhóm tác giả và 5 tập thể để trao giải.
Theo đó, Ban tổ chức sẽ trao 4 giải Nhất (mỗi giải trị giá 15 triệu đồng), 8 giải Nhì (mỗi giải trị giá 10 triệu đồng), 12 giải Ba (mỗi giải trị giá 7 triệu đồng), 30 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng) và 5 giải tập thể xuất sắc (đồng hạng mỗi giải trị giá 5 triệu đồng).
Cuộc thi đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, bảo đảm đúng quy định, đúng Thể lệ. Cùng với đó, hoạt động này cũng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia tích cực của Công an các đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, cộng tác viên trong và ngoài lực lượng Công an và nhân dân.
Ban tổ chức sẽ trao 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 30 giải Khuyến khích và 5 giải tập thể xuất sắc.
Thông qua các tác phẩm dự thi, các tác giả đã phản ánh trung thực, đậm nét về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an tại địa bàn cơ sở; tôn vinh gương điển hình, tiên tiến, tiêu biểu, những mô hình hay, cách làm tốt góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Đồng thời, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về xây dựng lực lượng Công an nhân dân ở 4 cấp, nhất là lực lượng Công an cấp xã.
Thông qua các tác phẩm dự thi, các tác giả đã phản ánh trung thực, đậm nét về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an tại địa bàn cơ sở; tôn vinh gương điển hình, tiên tiến, tiêu biểu, những mô hình hay, cách làm tốt góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
Nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo của Cuộc thi, nhận xét, trong các tác phẩm gửi về dự thi, có nhiều bài viết được xây dựng dài kỳ (từ 3-5 kỳ), thể hiện sự đầu tư công phu về mặt hình thức và nội dung cho báo điện tử. Thể loại dự thi của các tác phẩm cũng đa dạng, phong phú như: ghi chép, phản ánh, phóng sự-ký sự… Các bài viết được kết hợp thể hiện theo ngôn ngữ đa phương tiện của báo điện tử như E-Magazine, Long-form, tạo sức thu hút và tương tác với độc giả. Qua công tác chấm các tác phẩm dự thi, đã gặp được những tác phẩm hay, xúc động. Cuộc thi đã mang ý nghĩa chính trị sâu rộng, ghi nhận một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an. Đồng thời, ghi nhận nhiều bài viết từ cơ sở hay, phản ánh chủ trương rất đúng đắn của ngành Công an. Tuy đề tài tưởng như "khô cứng”, nhưng sự phản hồi từ cuộc sống lại đầy tính nhân văn, xúc động và lan tỏa cao. Đó là yếu tố thành công của cuộc thi.
NHỮNG CẢM XÚC KHÓ QUÊN
TRONG HÀNH TRÌNH TÁC NGHIỆP
VỚI LỰC LƯỢNG CÔNG AN CƠ SỞ
Là một trong những nhóm tác giả được Ban tổ chức lựa chọn trao giải tại Cuộc thi với loạt bài 4 kỳ "Chỉ một màu cờ”, nhà báo Dư Khánh Kiên, Phó Tổng Biên tập báo Lai Châu, chia sẻ những cảm xúc đặc biệt khi thực hiện tác phẩm này.
Tà Tổng là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Ở địa bàn này, lợi dụng những khó khăn về địa hình, khoảng cách, sự nhẹ dạ cả tin của bà con người dân tộc thiểu số, bọn tội phạm thường lợi dụng để lừa phỉnh, lôi kéo đồng bào phạm tội. Điển hình là việc trồng, mua bán trái phép chất ma túy, và đặc biệt là sự kiện ngày 1/1/2020, bọn tội phạm đã kích động đồng bào Mông nơi đây tổ chức sự kiện thành lập nhà nước riêng. Khi chúng tôi tiếp cận, điều gây ấn tượng sâu sắc là sự chất phác của đồng bào cùng những khó khăn gian khổ mà các cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an phải trải qua để tuyên truyền, giải thích, thu phục nhân tâm, động viên đồng bào sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
"Để mảnh đất Tà Tổng có được sự bình yên như ngày hôm nay, không chỉ có mồ hôi, công sức mà đã có cả máu của các chiến sĩ lực lượng công an nhân dân đổ xuống. Tôi còn nhớ, khi cùng đồng chí Lỳ Phỳ Chóng - Trưởng Công an xã đến thăm bản, bà con ân cần hỏi han: Chú Chóng về chơi à? Tình cảm ấy cho thấy, bà con đã coi người chiến sĩ công an ấy đã là một phần của cộng đồng”, nhà báo Khánh Kiên nói.
Cũng theo nhà báo Dư Khánh Kiên, có khá nhiều khó khăn lớn nhất khi viết bài về đề tài này. Thí dụ như, việc tác nghiệp tại một địa bàn vùng sâu, vùng xa, không có sóng điện thoại, đường giao thông vô cùng khó khăn cũng là một trở ngại hết sức lớn đối với phóng viên. Chưa hết, do nhận thức của người dân, cộng với sự tác động của các thế lực, việc tiếp cận người dân để phỏng vấn, tìm hiểu đề tài cũng vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiệt tình của các chiến sĩ công an ở cơ sở. Họ dùng xe máy đèo phóng viên qua những chặng đường khó, làm phiên dịch và thậm chí là hậu cần cho phóng viên.
"Để mảnh đất Tà Tổng có được sự bình yên như ngày hôm nay, không chỉ có mồ hôi, công sức mà đã có cả máu của các chiến sĩ lực lượng công an nhân dân đổ xuống".
Nhà báo Dư Khánh Kiên
Trong thời gian qua, báo Lai Châu đã rất nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung và thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở nói riêng. Tờ báo đã xây dựng chuyên trang "Quốc phòng - An ninh” trên các số báo thường kỳ và báo Lai Châu điện tử. Báo cũng quán triệt, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các cuộc thi nói chung và cuộc thi viết về "Bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở” do Bộ Công an và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức. Cuộc thi viết này cũng là một dịp để khắc họa, tri ân những đóng góp thầm lặng mà to lớn của lực lượng công an, đặc biệt là công an cơ sở, để giữ được bình yên cho cuộc sống hôm nay.
Dưới một góc nhìn khác của nhóm tác giả Trần Sơn Bách-Trần Thành Đạt (Báo Nhân Dân), quá trình thực hiện loạt bài 5 kỳ về lực lượng công an cơ sở ở Điện Biên cũng không ít gian nan.
Loạt bài "Lá chắn xanh giữ bình yên phên dậu phía Tây của Tổ quốc” của Báo Nhân Dân. |
Nhà báo Sơn Bách (Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân) cho hay, vào thời điểm những ngày trước Tết Giáp Thìn 2024 vô cùng bận rộn, nhưng nhóm phóng viên vẫn quyết định di chuyển lên Mường Nhé, huyện xa nhất của tỉnh Điện Biên để thực hiện đề tài "Lá chắn xanh giữ bình yên phên dậu phía Tây của Tổ quốc”. Đây là địa bàn thậm khó, thậm khổ của cả tỉnh Điện Biên nói chung, Tây Bắc nói riêng. Mất hơn một ngày di chuyển, cả nhóm mới tới được vùng cực Tây biên giới. Dù đã có điện lưới và sóng điện thoại, nhưng để có thể gắn bó với vùng đất xa xôi bậc nhất Tây Bắc, vẫn đòi hỏi ý chí, nghị lực và quyết tâm ghê gớm của mỗi người.
Chúng tôi vẫn nhớ hình ảnh khi đêm dần xuống, trời trở nên rét buốt. Sương từ đỉnh Khoang La San ùn ùn đẩy nhau tràn xuống bản. Lúc này, Trung tá Bùi Quang Khải (công an xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) mới tắt máy tính, gấp sổ công tác để về căn phòng nghỉ được bố trí ngay dãy nhà Ủy ban nhân dân xã. Lúc này, anh mới mở máy và gọi về gia đình.
Trong câu chuyện chập chờn, anh kể cho mẹ nghe về một ngày của mình, về tuyến đường lên bản đã lầy lội ra sao sau trận mưa rả rích ban chiều. Anh cũng dặn: "Tết này, con đã xung phong ở lại bản để trực Tết, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Mẹ ở nhà cứ yên tâm nhé”. Và bên ngoài, tiếng lá cờ đỏ trước khoảng sân Ủy ban nhân dân xã phần phật bay. Ngày mai, các anh sẽ lại vào bản, bám dân để bảo vệ bình yên phía Tây Tổ quốc…
Chúng tôi vẫn nhớ hình ảnh khi đêm dần xuống, trời trở nên rét buốt. Sương từ đỉnh Khoang La San ùn ùn đẩy nhau tràn xuống bản. Lúc này, Trung tá Bùi Quang Khải (công an xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) mới tắt máy tính, gấp sổ công tác để về căn phòng nghỉ được bố trí ngay dãy nhà Ủy ban nhân dân xã. Lúc này, anh mới mở máy và gọi về gia đình.
Theo nhà báo Sơn Bách, khó khăn nhất trong quá trình tác nghiệp loạt bài này có lẽ phải kể đến việc tiếp cận người dân. Do đồng bào có thói quen đi rừng, đi nương dài ngày, nên mặc dù đã liên hệ trước qua công an cơ sở và chính quyền các cấp, nhóm phóng viên vẫn phải chờ đợi khá lâu để có thể gặp được những nhân chứng cho bài viết của mình.
"Điển hình như với bài viết ‘Hồi sinh trên đất cũ Huổi Khon’, chúng tôi đã phải đợi cả một buổi chiều để có thể tiếp cận được với nhóm đồng bào người Mông từng tham gia, ủng hộ phong trào lập Vương quốc Mông 13 năm trước. Thế nhưng, chính nhờ sự giúp đỡ đắc lực của lực lượng công an tại cơ sở, quá trình khai thác thông tin đã được thực hiện một cách suôn sẻ. Khoảng cách được xóa nhà, khi chính những người chiến sĩ công an nhân dân ngày nào đã trở thành cây cầu nối nghĩa tình, giúp những người từng phạm phải sai lầm trở về nẻo sáng”, Nhà báo Sơn Bách cho hay.
Phóng viên Sơn Bách (bên trái) phỏng vấn trưởng bản Mường Nhé 1, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, Điện Biên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Trong những ngày tác nghiệp ở vùng biên viễn Điện Biên, các phóng viên cảm nhận được tình cảm trân quý, tinh thần tận tụy vì dân phục vụ của các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Đó có thể là người thầy giáo, giảng viên Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1 đã hăng hái tình nguyện viết đơn xin được đi tăng cường tại xã Sín Thầu; là những người con từ nhiều miền Tổ quốc sẵn sàng ở lại, trở thành những "chàng rể” Hà Nhì góp sức bảo vệ biên cương. Các phóng viên đã tận mắt chứng kiến công việc của các anh gần như chẳng có ngày giờ, chẳng có nghỉ ngơi. Bất cứ khi nào dân cần, các anh sẵn sàng có mặt.
Khi gặp gỡ những chiến sĩ công an tại cơ sở, điều khiến nhóm phóng viên của Báo Nhân Dân cảm thấy thú vị nhất là khi được nghe câu chuyện của các cán bộ, chiến sĩ công an xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Từ nhiều miền khác nhau của Tổ quốc, họ về cơ sở làm nhiệm vụ. Rồi, theo một cách tự nhiên, họ yêu đất, yêu người nơi đây, gắn bó và trở thành những người con đích thực của mảnh đất ngã ba biên giới này.
"Nỗ lực của họ cũng chính là cảm hứng để chúng tôi viết bài "Những người ‘con rể Hà Nhì’ và hành trình giữ bình yên cực Tây Tổ quốc”. Ở đây, tình yêu Tổ quốc, tình yêu cá nhân và cả sự gắn bó với nhân dân đã hòa quyện làm một, khó tách rời. Là phóng viên, thực sự, mỗi chuyến đi sẽ để lại cho chúng tôi rất nhiều dư âm. Chúng tôi rất mong sẽ được tiếp tục hành trình đến với những vùng sâu, vùng xa, nơi các chiến sĩ công an nhân dân đang "ngày đêm thức cho nhân dân ngủ”, nhà báo Sơn Bách chia sẻ đầy cảm xúc.
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.