Khi đôi bên cùng đồng hành…

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/6/2024 | 5:16:08 PM

Mối quan hệ giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các cơ quan báo chí được nhắc tới với sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Các cơ quan báo chí vừa đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, vừa kịp thời phản ánh thông tin, đưa ra những tiếng nói phản biện, trong khi Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, cung cấp thông tin và tác nghiệp.

Một cuộc họp báo do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức để thông tin tới các cơ quan báo chí.
Một cuộc họp báo do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức để thông tin tới các cơ quan báo chí.

Tăng cường thông tin hai chiều

Chia sẻ về mối quan hệ phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động trên địa bàn, nhà báo Nông Văn Đạt - Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cao Bằng cho biết: Trong quá trình hoạt động báo chí tại địa phương khá thuận lợi khi nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các Sở ngành, không gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, đôi lúc, trong quá trình tác nghiệp ở cơ sở, phóng viên vẫn gặp những trở ngại do các cơ quan, tổ chức ở địa phương thiếu hợp tác, không cung cấp tài liệu, hoặc né tránh, hoặc không thực hiện đúng Luật Báo chí. Những cản trở, khó khăn này đã được phóng viên phản ánh với Sở Thông tin và Truyền thông. Sau đó, Sở đã cùng với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng thông tin tới các cơ quan trên, yêu cầu họ cần thực hiện đúng Luật Báo chí, không gây khó khăn cho phóng viên tác nghiệp.

"Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có nhận thức tốt hơn về Luật Báo chí, hợp tác và cung cấp thông tin, tài liệu cho báo chí” - Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cao Bằng Nông Văn Đạt nhìn nhận.

khi doi ben cung dong hanh hinh 1

Cùng trao đổi về vấn đề này, nhà báo Trần Duy Tuyên - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Dân Trí tại Thanh Hóa nêu thực tế: "Là một trong những cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại địa phương, nhiều năm qua, chúng tôi nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ Sở Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là Phòng Quản lý Báo chí và Xuất bản. Sự phối hợp, trao đổi thông tin hai chiều giữa Sở Thông tin và Truyền thông giúp phóng viên địa bàn nắm bắt được kịp thời các chủ trương, chính sách của địa phương. Thông qua các chương trình họp báo, giao ban hàng tháng, giao ban quý do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức giúp các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn có thể trao đổi, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh về những vấn đề báo chí quan tâm.

Qua đó, cũng phản ánh những vấn đề còn bất cập trong quá trình phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn. Đồng thời, với sự hợp tác, tạo điều kiện của Sở Thông tin và Truyền thông đã giúp đơn vị nắm bắt kịp thời hơn đối với nhiều vấn đề, thông tin nổi bật trên địa bàn mà dư luận đang quan tâm”.

Nói về phản hồi của công chúng đối với những thông tin mà cơ quan báo chí Trung ương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để tuyên truyền, sự phối hợp này đã giúp cải thiện mức độ tin cậy và sự quan tâm của công chúng ra sao, nhà báo Trần Duy Tuyên đánh giá: Hầu hết các thông tin như vậy đều nhận được sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là trong tính định hướng thông tin. Bởi vì, các thông tin mà Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cung cấp là những thông tin có cơ sở pháp lý rõ ràng, do các cơ quan chức năng cung cấp nên có mức độ tin cậy cao.

Minh chứng cụ thể về câu chuyện thành công trong công tác tuyên truyền mà phóng viên đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, nhà báo Trần Duy Tuyên nêu ví dụ: Đó là các sự kiện về xúc tiến đầu tư, các cuộc làm việc của lãnh đạo cấp cao hay các sự kiện chính trị, kinh tế tại địa phương đều có sự phối hợp, hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông về đầu mối thông tin và hình ảnh. Qua đó, giúp các cơ quan báo chí có được những thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời hơn.

Thẳng thắn nhìn nhận, ông Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái chia sẻ: Trước đây, tại tỉnh Yên Bái, vấn đề thiếu kế hoạch, thiếu tính chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin cho báo chí còn tồn tại ở một số ít cơ quan, địa phương. Điều này cũng là một khó khăn, trở ngại cho hoạt động tác nghiệp của báo chí, ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền chung tại địa phương.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã và đang thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Tính đến thời điểm này, các Sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Yên Bái đều đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, có cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí rõ ràng, minh bạch. Do vậy, vấn đề thiếu tính chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin cho báo chí ở Yên Bái đã được khắc phục; hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí được thực hiện một cách bài bản, hiệu quả hơn.

Vừa là quản lý, vừa là phối hợp

Để làm rõ hơn mối quan hệ phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các cơ quan báo chí trung ương, nhà báo Trần Long - phóng viên thường trú Báo Giáo dục thời đại tại Vĩnh Phúc phân tích: Tại Khoản 4 Điều 7 Luật Báo chí quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương”. UBND tỉnh cũng ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý báo chí, trong đó phân quyền công tác quản lý báo chí cho Sở Thông tin và Truyền thông.

"Nói như vậy để thấy rằng mối quan hệ giữa Sở Thông tin và Truyền thông địa phương với phóng viên, nhà báo vừa là quản lý, vừa là phối hợp. Nói một cách khác, Sở Thông tin và Truyền thông giúp đỡ phóng viên, nhà báo hoạt động theo đúng quy định, từ đó, cho ra những tác phẩm báo chí chất lượng theo yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan báo chí, phục vụ thị hiếu của độc giả” - nhà báo Trần Long nói.

khi doi ben cung dong hanh hinh 2Phóng viên Trần Long, Báo Giáo dục và Thời đại, tác nghiệp tại điểm thi tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Thái Học, tỉnh Vĩnh Phúc.

Phóng viên thường trú Báo Giáo dục thời đại tại Vĩnh Phúc Trần Long cho biết thêm: "Sau gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, chủ yếu trên vai trò phóng viên tại địa phương, tôi đã nhận được sự giúp đỡ, phối hợp hiệu quả từ các Sở Thông tin và Truyền thông. Đầu tiên là việc tôi được cung cấp thông tin kịp thời và chính xác các vấn đề thời sự - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó là những tin tức sự kiện và hoạt động nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tình hình an ninh, trật tự xã hội... Ngoài ra, các vấn đề "nóng” được dư luận quan tâm cũng thường được Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp theo nhiều kênh khác nhau”.

Theo nhà báo Trần Long, là phóng viên thường trú tại địa phương, thường xuyên phải tự tổ chức các tuyến tin bài, tự lo tìm kiếm nguồn tin và tự xây dựng chương trình công tác, phóng viên phải theo dõi tất cả mọi lĩnh vực, từ chính trị - xã hội, đến kinh tế, an ninh, quốc phòng… Đề tài rộng, địa bàn thì "mênh mông” mà không phải lúc nào phóng viên cũng có đủ thời gian và tâm trí để bao quát hết được. Do vậy, kênh thông tin chính thống từ cơ quan chức năng mà cụ thể là Sở Thông tin và Truyền thông là điều rất đáng quý và cần thiết. Những thông tin phối hợp giữa hai bên nhận được sự phản hồi tích cực của bạn đọc, sự tin tưởng từ công chúng, bởi nó được đưa ra từ những nguồn chính thống.

Phóng viên Trần Long nhận định: Một tờ báo hay phóng viên thường xuyên đưa ra những tin nhanh, chính xác sẽ nhận được sự tin cậy và đánh giá cao từ công chúng. Một khi nhận được sự tin cậy và đánh giá tích cực từ công chúng thì công việc của phóng viên sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Độc giả vừa là nguồn cung cấp tin rất tốt cho phóng viên địa bàn, cũng chính là nơi đánh giá rất khách quan về chất lượng tin bài của phóng viên.

khi doi ben cung dong hanh hinh 3Phóng viên thường trú tại Yên Bái đang tác nghiệp.

Trao đổi về sự "đồng hành” giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các cơ quan báo chí, bà Lê Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, Sở đã cung cấp được trên 300 nội dung cho hơn 30 cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí được tiếp cận thông tin chính thống, kịp thời, trung thực và đã chuyển hóa thành hàng trăm bài báo. Tỷ lệ thông tin tích cực về tỉnh Lạng Sơn tăng lên, thông tin tiêu cực giảm. 6 tháng đầu năm 2024, đã có 46 Bản tin tổng hợp thông tin Báo Trung ương phản ánh về Lạng Sơn với 2.373 tin, bài. Trong đó, nội dung tích cực có 1.078 tin, bài (chiếm 45%); tiêu cực có 7 tin, bài (chiếm 3%); trung lập có 1.288 tin, bài (chiếm 52%).

"Tỉnh Lạng Sơn, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn chủ động cung cấp thông tin cho báo chí đúng quy định tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP về phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí với nhiều hình thức như Họp báo, ban hành Thông cáo báo chí, giao ban báo chí, qua các phương tiện thông tin điện tử, trả lời phỏng vấn báo chí. Kết quả, báo chí đã phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện, thường xuyên, kịp thời về tỉnh Lạng Sơn” - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn nói.

Theo bà Yến, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn chủ trì rà soát các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đề nghị cập nhật, đăng tải danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Sở đã thiết lập và vận hành nhóm zalo các cơ quan báo chí thường trú và báo chí có hợp tác với tỉnh Lạng Sơn nhằm cung cấp thông tin kịp thời. Đối với các nội dung chuyên đề hoặc có đề xuất của các cơ quan báo chí, Sở đã báo cáo UBND tỉnh kịp thời, ban hành các văn bản để giới thiệu phóng viên cơ quan báo chí đến tác nghiệp được thuận lợi.

Về vấn đề này, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương Nguyễn Cao Thắng cho hay: "Ở Hải Dương, chúng tôi luôn xác định rõ báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền. Các phóng viên được cung cấp thẻ tác nghiệp trong các sự kiện lớn để dễ dàng tiếp cận, phản ánh trên báo chí về các sự kiện, hoạt động của tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa phương”.

Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, quản lý, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí hoạt động.

"Chúng tôi cũng đã triển khai một hệ thống hỗ trợ trực tuyến thông qua Đường dây nóng Báo chí, Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và nhóm Zalo Báo chí Hải Dương, Văn phòng đại diện - Phóng viên thường trú - Nơi các phóng viên có thể gửi tin, bài đã đăng, phát, gửi yêu cầu thông tin và nhận phản hồi kịp thời từ Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành, địa phương. Hệ thống này được thiết kế để tăng cường tương tác và giảm thiểu thời gian chờ đợi, giúp báo chí có được thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện…

Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn về kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và cách thức tác nghiệp an toàn cho phóng viên... Tất cả những cơ chế này nhằm mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho báo chí hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng thông tin và đảm bảo sự minh bạch, chính xác trong truyền thông” - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.

Sự "tương tác” qua – lại

Trả lời câu hỏi "Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí cần phối hợp như thế nào để tăng cường sự đồng hành, nâng cao chất lượng và tính chính xác của thông tin được tuyên truyền?” - Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cao Bằng Nông Văn Đạt nêu quan điểm: "Muốn vậy, chắc chắn các cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, cần tăng cường tính cầu thị, coi Sở Thông tin và Truyền thông như một biên tập viên, "tỉnh táo viên”, giúp mình phát hiện ra các lỗi sai của thông tin. Từ đó, phản hồi lại với phóng viên để có thể chỉnh sửa, đính chính kịp thời”.

Ngược lại, theo nhà báo Nông Văn Đạt, Sở Thông tin và Truyền thông cũng cần phải phát huy hơn nữa vai trò là người kiểm duyệt thông tin; đồng thời, nâng cao trình độ năng lực để phát hiện ra những lỗi sai của báo chí, hỗ trợ báo chí tìm ra những lỗi sai và kịp thời thông tin cho phóng viên. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng cần giới thiệu, định hướng cho các phóng viên, nhất là phóng viên cơ quan báo chí Trung ương biết về những mảng đề tài hay, hấp dẫn, những nét đẹp văn hóa, truyền thống, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình để phóng viên thấu hiểu và truyền tải những nội dung đó trên các trang báo.

Đồng tình quan điểm trên, nhà báo Trần Duy Tuyên - Trưởng văn phòng đại diện Báo Dân Trí tại Thanh Hóa cho rằng: Sở Thông tin và Truyền thông với các cơ quan báo chí cần có những trao đổi, phối hợp thường xuyên hơn nữa, đặc biệt là trong các sự kiện, vụ việc nổi bật diễn ra trên địa bàn, trong việc quan tâm, trao đổi với các cơ quan chức năng, địa phương nhằm có những phát ngôn, thông tin nhanh, chính xác để các cơ quan báo chí có cơ sở tuyên truyền kịp thời, đúng định hướng.

Trong khi đó, phóng viên Trần Long cũng bày tỏ quan điểm, sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện đang tác động nhiều mặt đến hoạt động báo chí nói chung và báo chí địa phương nói riêng. Trên vai trò của Sở Thông tin & Truyền thông cần phải thích ứng linh hoạt trong hoạt động quản lý báo chí tại địa phương.

Một mặt, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông, phóng viên trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị, các ngành liên quan kiểm tra vụ việc báo chí phản ánh, báo cáo UBND tỉnh và trả lời các cơ quan báo chí theo quy định; kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra làm rõ, phản hồi thông tin báo chí, kịp thời xử lý thông tin sai sự thật.

Mặt khác, Sở Thông tin và Truyền thông cần tăng cường giám sát việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, địa phương theo đúng quy định. Chủ động tiếp xúc, đối thoại, tổ chức họp báo cung cấp đầy đủ thông tin về các vụ việc, những vấn đề thời sự đang được dư luận xã hội quan tâm.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn nhìn nhận: Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục chủ động phối hợp tích cực, thường xuyên với các cơ quan báo chí, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí.

Ngược lại, để đạt được sự "đồng thanh tương ứng”, các cơ quan báo chí cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong công tác truyền thông chính sách. Tăng cường, nâng cao chất lượng truyền thông chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện để tạo hiệu quả truyền thông chính sách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Cũng bày tỏ quan điểm về sự "đồng thanh tương ứng”, phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các cơ quan báo chí, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Hải Dương Nguyễn Cao Thắng nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tập trung tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, tạo hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động thuận lợi; có cơ chế tăng cường kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, ký kết hợp tác truyền thông cho các cơ quan báo chí; Tiếp tục phát huy có hiệu quả các nhóm làm việc chung - nơi các cán bộ của Sở Thông tin & Truyền thông với phóng viên có thể thảo luận, trao đổi thông tin một cách thường xuyên; Duy trì điểm tin báo chí toàn quốc viết về Hải Dương hàng ngày phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hình của lãnh đạo tỉnh.

Bên cạnh đó, việc tổ chức giải báo chí, các buổi họp báo, các sự kiện giao lưu, các khóa đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ báo chí, phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông… cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng thông tin và khả năng truyền đạt của cả hai bên. Sự hợp tác chặt chẽ này chắc chắn sẽ giúp các cơ quan báo chí tuyên truyền hiệu quả hơn về các hoạt động và chính sách của địa phương”.

Theo Báo NB&CL

Các tin khác
Các đại biểu dự lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Tọa đàm có sự tham gia của ba khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Toà án nhân dân TP Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.

Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Giải Đặc biệt được trao cho nhóm tác giả Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.

Các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng sách

Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự