Phóng viên xông pha và tận hiến mỗi ngày sẽ tích lũy thêm những kinh nghiệm thiết thực, hữu ích
- Cập nhật: Thứ năm, 11/7/2024 | 11:17:59 AM
Trong suốt hành trình phát triển của nền báo chí, những nhà báo chiến sĩ Báo Quân đội nhân dân vẫn luôn xông pha và tận hiến. Họ vào những nơi nguy hiểm, thu thập và chuyển tải thông tin chính xác, nhanh nhất tới độc giả. Từ thời chiến đến thời bình, người phóng viên quân đội luôn xác định qua những sóng gió sẽ tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm thiết thực, hữu ích.
Nhà báo Tuấn Huy (đi đầu) và các đồng nghiệp tại Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại sự kiện Quân đoàn 12 và các lực lượng thực hành diễn tập. Ảnh: NVCC
|
Tinh thần tinh, gọn, mạnh...
Tháng 12 năm 2023, cuộc diễn tập quy mô lớn đầu tiên của Quân đoàn 12 được diễn ra, đây là cuộc diễn tập có sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa nhiều quân binh chủng, gồm: Không quân, phòng không, pháo binh, xe tăng, thiết giáp, công binh, hoá học, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, đặc công,...Diễn tập sử dụng nhiều loại khí tài mới, hiện đại do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, sản xuất mà các cuộc diễn tập trước đây chưa xuất hiện.
Nhận được nhiệm vụ đi tác nghiệp mà ban biên tập cơ quan giao phó, nhà báo Tuấn Huy và các đồng nghiệp tại Báo Quân đội nhân dân đã đến trước 1 tuần để tìm hiểu về công tác tổ chức sự kiện. Cả nhóm cùng cố gắng tìm hiểu những nội dung trong cuộc diễn tập, chọn vị trí, nắm bắt được các phương án diễn tập để chuẩn bị cho ngày diễn tập chính thức.
Nhà báo Tuấn Huy chia sẻ: Thực tế cho thấy, đối với những sự kiện lớn, đặc biệt liên quan đến diễn tập quân sự, có nhiều thiết bị vũ khí, khí tài...nếu muốn tác phẩm báo chí chất lượng, phóng viên phải tìm hiểu về diễn tập, hiểu về phương án tác chiến, chiến đấu của các lực lượng tham gia hiệp đồng. Phải nắm được vị trí các loại hỏa lực, vũ khí, phương hướng tiến công...Nếu biết được vị trí nào bắn hỏa lực, hướng tiến công mới biết được cần sử dụng thiết bị tác nghiệp như thế nào cho phù hợp.
Bên cạnh đó, trong tất cả các cuộc diễn tập quân sự các phóng viên nhà báo không được phép di chuyển nhiều vị trí. Thời điểm đó toàn bộ diện tích thao trường cũng được bảo vệ nghiêm túc, không ai được đi ra vào trong khu vực thao trường trước thời điểm diễn tập bắt đầu một giờ.
Chia sẻ về những khó khăn khi tác nghiệp tại một sự kiện lớn này, nhà báo Tuấn Huy cho biết: "Cái khó khăn nhất là phóng viên phải đảm bảo an toàn và chọn được vị trí chụp tốt nhất. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi chỉ có thể đặt máy ảnh ở đó, căn chỉnh, tính toán thời gian xe tăng di chuyển và bắn. Toàn bộ được điều khiển từ xa với độ chính xác cao, chụp được đúng thời điểm. Làm sao để mỗi bức ảnh mang tinh thần tinh, gọn, mạnh”.
Tất cả các bức ảnh trong phóng sự: "Quân đoàn 12 tinh, gọn, mạnh: Không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống” được nhà báo Tuấn Huy và các đồng nghiệp chụp chỉ trong thời gian ngắn. Vì là diễn tập hợp đồng nhiều nội dung, buộc cả nhóm phóng viên cần phối hợp chặt chẽ với nhau, khoảng cách giữa các điểm diễn tập cách nhau khoảng 3km vì thế việc cơ động chạy theo rất khó khăn.
Cả ê kíp phóng viên phải phối hợp nhịp nhàng với nhau, mỗi người được phân công làm nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Mỗi phóng viên phải luôn nhanh nhạy, quan trọng là biết được vị trí các lực lượng ở đâu để tính toán sao cho bộ ảnh có đầy đủ các lực lượng, thể hiện sức mạnh, sự nhuần nhuyễn trong từng thời điểm, vị trí khi hiệp đồng tác chiến. Tạo ra sức mạnh tổng hợp của quân đội nhân dân Việt Nam.
Khác với người lính làm báo xưa, ngày nay công nghệ làm báo đã hỗ trợ cho phóng viên rất nhiều, đó là ở những tình huống đặc thù. Các thiết bị tác nghiệp hiện đại không chỉ cho bức ảnh đẹp hơn, nhanh hơn mà hỗ trợ phóng viên đứng ở vị trí mà bình thường không thể đứng được. Nhất là những khu vực mà không cho phép phóng viên ở đó vì sự nguy hiểm có thể xảy ra.
Nhà báo Tuấn Huy nhận định: "Công nghệ không phải là tất cả, điều quan trọng là mình cần tối ưu các thiết bị có trong tay. Mình cần làm chủ công nghệ, biết và sử dụng được những tiện ích của từng thiết bị. Rèn luyện cho mình sự nhạy bén. Thực hành nhiều vì nhiều khi sự kiện, hành động đó chỉ xảy ra vài giây và chỉ xảy ra một lần duy nhất. Việc sáng tạo tác phẩm báo chí còn phải mang yếu tố nghệ thuật trong đó, chứ không chỉ đơn thuần là mang yếu tố thời sự. Đối với một cuộc diễn tập người phóng viên phải có kiến thức về vấn đề mình đang tác nghiệp".
"Đối với phóng viên ảnh, do liên tục thay đổi vị trí, phải cơ động nên vấn đề sức khỏe là rất cần thiết, bạn không chỉ mang mỗi một máy ảnh, mà còn có các thiết bị khác như nhiều ống kính, laptop. Phóng viên ảnh phải rèn luyện thể lực, có sức chịu đựng bền bỉ mới có được những bức ảnh mà ở đó, người xem thấy được sự xông pha và tận hiến” , nhà báo Tuấn Huy chia sẻ thêm.
Bộ ảnh "Quân đoàn 12 tinh, gọn, mạnh: Không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống” của nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Huy, Nguyễn Chí Hòa, Vũ Phong, Viết Chung đã phản ánh sinh động cuộc diễn tập đầu tiên của Quân đoàn sau khi thành lập.
Bộ ảnh của nhóm tác giả đã vinh dự nhận giải B - Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.