Giải bài toán về nhân sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các cơ quan báo chí
- Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2024 | 5:30:11 PM
Trong kỷ nguyên số hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) dần trở thành một yếu tố có sức ảnh hưởng tới ngành báo chí truyền thông. Ứng dụng AI, người làm báo sẽ được gợi ý nội dung, chủ đề, tìm kiếm thông tin, dữ liệu, hỗ trợ cải thiện tốc độ làm việc... Tuy nhiên để người làm báo sử dụng AI một cách bài bản và hiệu quả, công tác đào tạo cần phải đặt lên trước nhất.
Sinh viên thực hành tại phòng máy của nhà trường. Ảnh: AJC
|
Nhân sự quyết định được hiệu quả ứng dụng công nghệ mới
Trong bối cảnh báo chí hiện đại, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của các bài báo. Thay vì thay thế nhà báo, AI hoạt động như một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp cung cấp thông tin, phân tích dữ liệu và gợi ý những cách tiếp cận sáng tạo dựa trên nguồn dữ liệu phong phú.
Với sự hỗ trợ này, các nhà báo tiết kiệm được thời gian và có thể tập trung hơn vào các khía cạnh sáng tạo, tư duy phản biện, từ đó tạo ra những bài báo chất lượng cao và hấp dẫn hơn. AI không chỉ giúp cải thiện chất lượng bài báo mà còn tối ưu hóa quá trình sản xuất và phân phối nội dung.
Chia sẻ về vấn đề ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động ở tòa soạn, nhà báo Trần Ngọc Long - Phó phòng phóng viên báo điện tử VietnamPlus cho biết: Chúng tôi luôn rất hào hứng, phấn khích khi được trải nghiệm từng công cụ trong từng ứng dụng công nghệ để áp dụng cho các phóng viên biên tập viên. Đối với chúng tôi vấn đề ứng dụng AI và chuyển đổi số nói chung quan trọng nhất vẫn là vấn đề nhân sự. Nhân sự sẽ quyết định được hiệu quả về chuyển đổi số hiện nay.
"Thường nằm trong tay các bạn trẻ, thế hệ Gen Z, các bạn ý được đào tạo tại trường đại học và nắm bắt các trend, nắm bắt thành thục các ứng dụng, các công cụ AI và công nghệ trong báo chí truyền thông, từ đó tạo ra sản phẩm báo chí đa nền tảng. Tuy nhiên sử dụng các bạn Gen Z cũng là thách thức cho các tòa soạn vì đa số các bạn trẻ vẫn còn thiếu một số kiến thức nền, sai sót nhỏ, nên dù có sử dụng AI gì đi nữa thì bộ phận quản lý tòa soạn vẫn phải dành thời gian xem xét và duyệt sau cùng”, nhà báo Trần Ngọc Long chia sẻ.
Hiện nay ở một số quốc gia có công nghệ thông tin phát triển, họ đã sử dụng AI vào hoạt động truyền thông quảng cáo, tạo ra những clip quảng cáo có chất lượng, thu hút sự quan tâm của công chúng với chi phí rẻ nhất. Họ sử dụng AI tạo ra các clip với nhân vật ảo là những diễn viên nổi tiếng, tham gia diễn xuất với chất lượng hình ảnh và âm thanh giống như thật. Điều này cho thấy hiệu quả mà AI mang lại và rõ ràng nhiều cơ quan, đơn vị cần những người biết về AI và sử dụng thành thạo AI.
Thực tế ở các nước phát triển đòi hỏi ngay từ bây giờ, công tác đào tạo AI vào hoạt động báo chí truyền thông ở trong nước cần có những bước đi khẩn trương và phù hợp với xu thế. Các cơ sở chuyên đào tạo về truyền thông, quảng cáo, PR sẽ có những chương trình đào tạo gì? Vẫn đào tạo theo các chương trình như trước hay đào tạo ra các học viên sử dụng thuần thục các công cụ AI, tạo ra các sản phẩm truyền thông chất lượng chỉ bằng một cái bấm nút.
Nâng cao năng lực cho nhà báo
Hiện nay ở trong nước, các cơ sở đào tạo báo chí đã và đang cập nhật những môn học gắn liền với các xu hướng báo chí mới như: Báo chí dữ liệu, truyền thông hội tụ và truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội và MXH, báo chí trên di động, thiết kế đồ họa... Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đơn vị luôn cố gắng đào tạo người làm báo hướng đến năng lực toàn diện, đa nhiệm, phải làm chủ được công nghệ, nắm bắt những cái mới.
Nhà trường định hướng tập trung cải tiến nội dung chương trình đào tạo, cập nhật các môn học mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thực tiễn. Trường đã triển khai một số nội dung rất mới như: báo chí dữ liệu, báo chí di động, ứng dụng AI trong hoạt động báo chí, thiết kế đồ hoạ, quản lý MXH, quản lý toà soạn hội tụ, truyền thông xã hội…cố gắng tận dụng AI để học viên nhanh chóng hiểu nắm bắt và phát triển vào trong hoạt động báo chí truyền thông sau này.
Tuy nhiên, đồng hành với những tiện ích mà AI mang lại, bên cạnh đó còn là mặt trái của AI, đó là sự xuất hiện của tin giả do AI tạo ra. Đó là một sản phẩm của sự kết hợp giữa AI và thông tin sai lệch, đã đặt ra những thách thức chưa từng có đối với ngành báo chí và xã hội nói chung.
Nhà báo Lương Đông Sơn - Giảng viên Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Trong kỷ nguyên AI, tin giả đã trở thành một thách thức đáng kể đối với các cơ quan truyền thông, chính phủ và cả xã hội. Để đối phó với loại tin giả này, việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại là vô cùng cần thiết. Các giải pháp này không chỉ tập trung vào việc phát hiện và loại bỏ tin giả mà còn ngăn chặn chúng ngay từ giai đoạn đầu sản xuất.
"Nhà báo cần được trang bị các kỹ năng cần thiết để nhận diện các dấu hiệu của tin giả, bao gồm việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, công cụ phát hiện deepfake và các phương pháp kiểm tra tính xác thực của nguồn tin. Hơn nữa, họ cũng cần hiểu rõ về các xu hướng mới nhất trong việc sản xuất tin giả, từ đó phát triển những phương pháp phòng ngừa hiệu quả” nhà báo Lương Đông Sơn thông tin thêm.
Có thể khẳng định, thời đại của AI đã bắt đầu, nhất là khi công nghệ này đang được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc không thể phủ nhận lợi ích từ AI này đòi hỏi trong các trường học đào tạo báo chí truyền thông cũng quan tâm đến việc đưa vào công tác giảng dạy một cách chính quy. Từ việc biết về AI sẽ không sợ hãi, không bị lệ thuộc, không ỉ lại những thông tin từ AI và quan trọng nhất là làm chủ được công nghệ AI
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.