Lần đầu tiên phát động Giải Báo chí toàn quốc về Bình đẳng giới
- Cập nhật: Thứ bảy, 2/11/2024 | 4:40:43 PM
Chiều ngày 01/11, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, số 20 Thụy Khuê, Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về Bình đẳng giới năm 2024.
Quang cảnh Lễ phát động.
|
Đây là giải báo chí đầu tiên về bình đẳng giới được tổ chức tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua vai trò của báo chí truyền thông.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024 được triển khai trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó có mục tiêu số 5 liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới.
Đồng thời, đây cũng là một trong những hoạt động trong khuôn khổ đối tác chiến lược của 2 cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UN Women nhằm thúc đẩy môi trường thuận lợi cho hoạt động bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Giải Báo chí cũng được phát động vào đầu tháng 11 - Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.
"Có thể nói, đây là thời điểm vô cùng ý nghĩa, thể hiện quyết tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UN Women và Hội Nhà báo Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa quan trọng của bình đẳng giới đối với sự tiến bộ, phát triển của xã hội và hướng đến ghi nhận những đóng góp tích cực của truyền thông, báo chí trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Giải cũng là diễn đàn để các nhà báo, các cơ quan thông tấn báo chí chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong tuyên truyền về bình đẳng giới", bà Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ.
Tại Lễ phát động, bà Caroline T. Nyamayemombe - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của truyền thông trong việc thông tin và thay đổi nhận thức của các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân về các vấn đề liên quan đến trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. "Truyền thông chính là một chất xúc tác mạnh mẽ cho sự thay đổi", bà Caroline T. Nyamayemombe cho biết.
Theo Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, Giải thưởng sẽ tập trung vào ba chủ đề để đảm bảo một tương lai bình đẳng giới, không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình của Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập cao với lượng phát thải bằng không. Các hạng mục giải thưởng bao gồm: Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Thúc đẩy bình đẳng trong chuyển đổi số; Trao quyền cho phụ nữ trong phát triển kinh tế.
"Tôi hy vọng giải thưởng này sẽ truyền cảm hứng cho một làn sóng báo chí mới, sáng tạo, đồng cảm và chia sẻ tiếng nói cho phụ nữ, đồng thời thúc đẩy những thảo luận về bình đẳng giới. Hãy cùng nhau tạo ra một môi trường truyền thông thúc đẩy sự trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới tại Việt Nam. Qua mỗi câu chuyện và trên mỗi nền tảng, mong rằng bình đẳng giới sẽ trở thành hiện thực chứ không chỉ là khát vọng", bà Caroline T. Nyamayemombe bày tỏ.
Đối với các tác phẩm đã tham dự và được nhận giải tại các Giải Báo chí khác sẽ không được tham dự Giải Báo chí toàn quốc về Bình đẳng giới. Mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan báo chí gửi không quá 03 tác phẩm tham dự Giải.
Giải thưởng cho tác phẩm của tác giả/nhóm tác giả với 04 loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) với cơ cấu giải cho mỗi loại hình gồm 01 Giải A, 01 Giải B, 02 Giải C, 02 Giải Khuyến khích. Về khen thưởng tập thể: Ban Tổ chức sẽ trao 02 Giải tập thể cho các cơ quan, đơn vị có đề xuất, gửi nhiều tác phẩm dự thi nhất: bao gồm Giấy chứng nhận và tiền giải thưởng.
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.