Báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo: Mở ra không gian sáng tạo không giới hạn cho người làm báo
- Cập nhật: Chủ nhật, 10/11/2024 | 11:23:42 AM
Cơ cấu Giải Báo chí Quốc gia 2024 sẽ bổ sung 02 Giải mới, đó là Giải Báo chí đa phương tiện và Giải Báo chí sáng tạo. Việc thay đổi này được nhiều chuyên gia nhận định sẽ thúc đẩy tăng cơ hội tham gia của tất cả các tác giả, các cơ quan báo chí mà không bị giới hạn bởi loại hình và thể loại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo tạo động lực phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu, ứng dụng công nghệ trong báo chí truyền thông và chuyển đổi số báo chí.
Sản phẩm Interactive của báo Vnexpress.
|
Không chỉ là phép cộng
Có thể nói thuật ngữ Báo chí đa phương tiện chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như giai đoạn hiện nay, một loại hình báo chí mở ra không gian sáng tạo không giới hạn cho nhà báo, cơ quan báo chí thể hiện một đề tài báo chí với nhiều loại ngôn ngữ và loại hình khác nhau.
Theo ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, báo chí đa phương tiện là sự kết hợp các ngôn ngữ báo chí như văn bản, đồ họa, hình ảnh, âm thanh, video thậm chí là livestream. Song, việc kết hợp này phải được thực hiện một cách chất lượng, sáng tạo để nâng cấp báo chí đa phương tiện chứ không chỉ là phép cộng của các ngôn ngữ.
"Nếu phát huy được chất lượng của các ngôn ngữ trong một tác phẩm báo chí sẽ truyền tải thông tin một cách đa dạng, sinh động, truyền đi thông điệp rõ ràng, dễ hiểu và đặc biệt truyền cảm hứng, tác động đến người xem qua sự tương tác, phản hồi tức thời", ông Trung nhận định.
Để có tác phẩm báo chí đa phương tiện chất lượng cao, nhà báo Lê Xuân Trung cho biết, các tác giả có thể dựa trên bài học từ các tác phẩm đa phương tiện được giải cao trong các loại Giải Báo chí Quốc gia gần đây như: Loạt bài 5 kỳ: Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau! của VietnamPlus; Dòng tên trên đá núi đã thành tên phố phường của nhóm tác giả báo Tuổi trẻ.
Một số báo địa phương cũng đã đạt giải cao trong Giải báo chí quốc gia 2023, xoá nhoà ranh giới giữa các cơ quan báo chí có tiếng và các tờ báo địa phương. Có thể kể đến Loạt bài 5 kỳ: Đại điền xây ruộng lớn của Báo Thái Bình và Loạt bài 3 kỳ: Gieo "Hạt giống đỏ” trong doanh nghiệp FDI của Báo Bình Dương.
Theo ông Lê Xuân Trung, điểm chung của các tác phẩm đa phương tiện chất lượng cao là có đề tài xứng tầm với những vấn đề thời sự quan trọng của địa phương, của vùng và cả nước; những sự kiện, nhân vật được nhiều người quan tâm; những phát hiện mới, riêng, độc đáo, hấp dẫn được trình bày ấn tượng với đa ngôn ngữ: text, ảnh, video, audio, đồ họa… Tác phẩm được dẫn dắt theo mạch logic, dễ theo dõi, tác động đến cảm xúc người xem và được đầu tư công phu, chăm chút kỹ lưỡng.
Đặc biệt, các tác phẩm phải mang đến hiệu ứng xã hội tích cực, nhận được nhiều sự tương tác và phản hồi từ người xem và các cơ quan, tổ chức liên quan dẫn đến những thay đổi tích cực sau khi tác phẩm xuất bản.
Trong đó nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh đến 'đề tài hướng tới giải pháp'. "Hiện nay, công chúng quan tâm hơn đối với những nội dung mang tính giải pháp, lối ra, hướng giải quyết có niềm tin dù đó là vấn đề cũ hay mới, dễ hay khó. Tránh tập trung quá nhiều vào thực trạng nhàm chán, bế tắc vì các vấn đề thực trạng thường lặp lại mà người ta hay gọi với cái tên là 'báo chí nhai lại'", nhà báo Lê Xuân Trung nói.
Về cách trình bày, ông Trung cho rằng các tác phẩm cần bắt đầu bằng những điều gần gũi đó là tiếp cận từ câu chuyện hoặc nhân vật đời thường sẽ cuốn hút người xem hơn là nêu vấn đề hoặc số liệu khô khan, vĩ mô. Đồng thời kèm "nhạc và lời” tung hứng cho nhau trong đó nội dung và trình bày phải tương thích, hỗ trợ lẫn nhau, có điểm nhấn, dẫn dắt theo mạch logic, tránh lắp ghép cơ học.
Trong đó, phát huy thế mạnh của ảnh, đồ họa thay cho những nội dung liệt kê, minh họa góp phần làm sống động và súc tích nội dung. Ví như phóng sự ảnh hiện nay không chỉ là đưa ảnh và những dòng chú thích thông thường nữa mà còn là phỏng vấn ngắn để đưa ra giải pháp, giải quyết được vấn đề.
Theo Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, nhà báo cần thường xuyên, liên tục tìm kiếm ý tưởng mới, góc tiếp cận mới, hình thức thể hiện mới vì những đòi hỏi khó tính hơn của công chúng trong thời đại số khi họ đã xem quá nhiều thứ trên không gian mạng.
Vượt qua ranh giới bằng sự đổi mới sáng tạo
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, chỉ 47% biên tập viên, người quản lý, nhà sáng lập tự tin về triển vọng của ngành báo chí trong năm 2024 do nhiều tác động trên thế giới, trong khi độc giả đang hướng tới đọc nhiều tin tức trên mạng xã hội, những nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đang mạnh hơn các cơ quan báo chí trong việc đưa thông tin lên các nền tảng mới.
Các nền tảng mạng xã hội như Tik Tok phát triển video cực kỳ nhanh chóng và tiếp cận ngày càng nhiều lượng khán giả trẻ. Dylan Page - một nhà sáng tạo nội dung video (Anh) - đưa những thông tin tương đối chính thống về thời tiết hay các vụ việc thu hút rất nhiều người theo dõi và xem video thường xuyên hơn BBC hoặc New York Times trên Tik Tok.
Nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân nhận định, trên nền tảng mạng xã hội, những nhà sáng tạo nội dung đơn lẻ đang mạnh hơn các cơ quan báo chí ở một khía cạnh nào đó, cho thấy cách thức tiếp cận và tư duy báo chí chưa thật sự thu hút những bạn trẻ trên môi trường mạng xã hội. Có một xu hướng báo chí đang có những kết quả khả quan đó là Podcast - hình thức báo nói rất phát triển đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid19, các cơ quan báo chí có thể lưu ý đến hướng đi này trong sự phát triển của toà soạn.
Về hạng mục giải thưởng Báo chí sáng tạo được bổ sung trong Giải báo chí Quốc gia năm nay, ông Ngô Việt Anh cho rằng đó là hướng đi hợp xu hướng bởi bản chất làm báo là sáng tạo và các giải thưởng quốc tế đều hướng tới đổi mới, sáng tạo. Giải thưởng Truyền thông Kỹ thuật số toàn cầu thường niên uy tín của WAN-IFRA ghi nhận sự xuất sắc và đổi mới kỹ thuật số mang tính đột phá. Các sản phẩm, chương trình đoạt giải có xu hướng truyền cảm hứng cho ngành báo chí truyền thông để vượt qua ranh giới của sự đổi mới sáng tạo. Đặc biệt ghi nhận cách mọi người tiếp nhận và tương tác với tin tức đang thay đổi, xoá nhoà yếu tố về thể loại báo chí.
Dẫn chứng về các tác phẩm báo chí sáng tạo tại Việt Nam, nhà báo Ngô Việt Anh nhắc đến tác phẩm "Con hẻm nhỏ" của VOV đã đoạt Giải xuất sắc hạng mục Truyền thông số (Digital Content) của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) 2022.
Tác phẩm kể về con hẻm tập trung nhiều lao động tự do trên địa bàn Quận 7, TP HCM. Khi đại dịch Covid19 bùng phát lần thứ 4 người dân khu vực này đã liên tiếp đưa tiễn 7 đám tang chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng. "Đó là sự sáng tạo rất lớn trong lĩnh vực phát thanh, ứng dụng nhiều phương thức hiện đại. Tác phẩm có 3 phỏng vấn về chồng mất vợ, chị mất em và con mất cha với hình ảnh trực quan ấn tượng, công chúng có thể tích vào từng nhân vật nghe câu chuyện và có thể dừng rồi nghe lại, tác phẩm này phát hành trên cả nền tảng số", ông Việt Anh cho hay.
Hay như tác phẩm của Báo điện tử Vnexpress - một sản phẩm interactive về dòng tiền hối lộ vụ chuyến bay giải cứu với những hình ảnh chuyển động cho phép độc giả nhìn thấy và cảm nhận rõ nét toàn cảnh của vụ việc chấn động này, dòng tiền đi tới đâu?; ở những nhân vật nào?
Về sản phẩm báo chí sáng tạo,nhà báo Ngô Việt Anh dẫn chứng phụ san của báo nhân dân Bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” ở mặt trước là sự kết hợp hai công nghệ: Quét mã QR và thực tế ảo tương cường (AR). Mặt sau là diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ, song ngữ Việt - Anh.
Phụ san này nằm trong Chiến dịch tuyên truyền 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Báo Nhân Dân và mới đây nhất vào ngày 6/11 đã được Hiệp hội Báo chí và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA) trao giải Vàng, hạng mục Truyền thông Báo in xuất sắc (Best Marketing Strategy).
Để triển khai các tác phẩm, sản phẩm báo chí sáng tạo theo ông Ngô Việt Anh về nhân sự cần tổ chức nhóm dự án kết hợp nhiều đơn vị, có thể là đối tác nước ngoài. Chia nhỏ các dự án thành phần, ưu tiên nhân sự có tư duy đa phương tiện, đa nền tảng.
Về công nghệ, ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới, tiến hành hợp tác với các công ty công nghệ trong bối cảnh tuyển dụng nhân sự giỏi công nghệ rất khó khăn.
"Đặc biệt, tài chính truyền thông là vấn đề vô cùng quan trọng, làm sao sử dụng hiệu quả ngân sách bên cạnh đó đẩy mạnh xã hội hóa, chú trọng quảng bá trên mạng xã hội. Nếu không làm tốt vấn đề này sẽ rất khó có sự lan toả, một tác phẩm hay sản phẩm sáng tạo mà không được mọi người biết đến thì không còn ý nghĩa", nhà báo Ngô Việt Anh cho biết.
Mới đây tại Hội nghị "Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên”, nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, để đáp ứng yêu cầu tạo nguồn tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia với cơ cấu mới, các cơ quan báo chí có thể phối hợp hiệu quả với Hội Nhà báo địa phương trong việc bổ sung, phát triển Chương trình, từ khâu chọn đề tài, thẩm định đề cương, hỗ trợ triển khai và thẩm định chất lượng tác phẩm, từ đó định hướng, dẫn dắt và cho ra đời những tác phẩm báo chí với phương thức làm báo hiện đại như Infographic, Long-form, E-magazine, Podcast…; ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm báo chí dữ liệu, gói tin tức, dự án báo chí – truyền thông đa nền tảng...
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.