Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Google đào tạo nâng cao kỹ năng số cho phóng viên
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/11/2024 | 10:13:16 PM
Chương trình đã thu hút hơn 100 nhà báo là các biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại phía Nam tham dự.
![]() |
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo VietnamPlus chia sẻ về các bước thực hiện báo chí dữ liệu
|
Ngày 29/11, Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Google News Initiative tổ chức chương trình đào tạo: "Nâng cao kỹ năng số cho phóng viên”.
Phát biểu khai mạc chương trình, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam khẳng định, trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị "đào thải”.
"Việc chuyển đổi này không chỉ giúp báo chí trở nên chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn hơn, mà còn nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước và định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, chuyển đổi số giúp gia tăng trải nghiệm độc giả, cá nhân hóa nội dung, tạo nguồn thu mới, và giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng”, ông Dũng nêu.
Lớp tập huấn giúp cung cấp thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, giúp cho các nhà báo có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác các công cụ kỹ thuật số. Cụ thể, khóa bồi dưỡng sẽ đưa ra các công cụ để giúp lên ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ tìm kiếm và xác minh thông tin một cách nhanh chóng, chính xác.
Ngoài ra, còn có các công cụ được ứng dụng để xây dựng câu chuyện đa phương tiện sinh động và hấp dẫn hơn. Bên cạnh lý thuyết, mỗi buổi học còn bao gồm phần thảo luận và thực hành, tạo cơ hội để học viên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ góc nhìn và áp dụng ngay những kiến thức đã tiếp thu.
Chương trình đào tạo có sự góp mặt của các giảng viên: Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo VietnamPlus; Nhà báo Vũ Thế Cường, Giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền và bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Quản lý Hợp tác chiến lược ngành Tin tức & Xuất bản, khu vực Đông Nam Á, Google.
Tuy vậy, cơ quan báo chí vẫn là nguồn tin chính thống và đáng tin cậy, ngay khi công nghệ số được sử dụng ngày càng nhiều. Nếu phóng viên biết cách vận dụng công nghệ số vào phát triển công việc chuyên ngành sẽ đem đến cơ hội để "làm mới mình” trong kỷ nguyên số.
Cùng với đó, ông Nhật cũng chia sẻ, để thực hiện báo chí dữ liệu cần trải qua các bước từ thu thập dữ liệu, lọc dữ liệu, phân tích dữ liệu đến trực quan hoá dữ liệu. Trong đó, vị chuyên gia cho rằng, phân tích dữ liệu rất quan trọng và là bước phức tạp nhất của báo chí dữ liệu.
Trong khi đó, nhà báo Vũ Thế Cường, Giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành báo chí đánh giá, Google đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà báo Việt Nam tiếp cận các công cụ tìm kiếm thông tin và thẩm định dữ liệu.
"Ngay từ khi Google ra đời, chúng ta đã bắt đầu nhận thấy sức mạnh của các công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng để phục vụ báo chí không chỉ dừng lại ở khả năng tìm kiếm mà còn phải đảm bảo tính minh bạch, đạo đức nghề nghiệp và chất lượng thông tin", ông Cường nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông đề cập đến Google Search và các công cụ khác, giúp các nhà báo xác minh thông tin nhanh chóng, đảm bảo tính chính xác của nội dung trước khi xuất bản. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ uy tín và đạo đức nghề nghiệp trong bối cảnh tin giả ngày càng phổ biến.
Nhà báo Vũ Thế Cường nhấn mạnh, công nghệ không thay thế nhà báo mà chính là công cụ giúp làm việc hiệu quả hơn. Việc tận dụng công nghệ một cách đúng đắn sẽ quyết định chất lượng và sức ảnh hưởng của báo chí trong tương lai.
Với nội dung hữu ích và phong phú, buổi tập huấn đã thu hút nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của các nhà báo cùng các giảng viên và chuyên gia công nghệ đến từ Google. Các nhà báo cũng mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình tập huấn có chất lượng cao nhằm cập nhật và nâng cao các kỹ năng số cho phóng viên trong thời đại số.
Các tin khác

Không chỉ tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật về môi trường, các cơ quan báo chí còn phản ánh trực diện vấn đề môi trường nhìn từ thực tế đời sống. Qua đó nắm bắt các ý kiến của người dân, chính quyền địa phương phản hồi cho cơ quan quản lý để thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật.

Tiếng lóng và tiếng mạng, hai luồng ngôn ngữ đang len lỏi vào đời sống thường nhật, đặt ra câu hỏi về sự biến đổi của tiếng Việt. Tiếng lóng, 'kí sinh' trong các nhóm nhỏ, nhanh chóng thay đổi. Tiếng mạng, 'đứa con' của thời đại số, lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt trong giới trẻ. Liệu chúng đang làm giàu hay làm suy giảm sự trong sáng của ngôn ngữ quốc gia?

Đó là “thông điệp” mà những người trong cuộc chia sẻ trước cơn bão AI. Tất nhiên, không thể phủ nhận, AI đang làm thay đổi cách chúng ta tạo ra và sử dụng hình ảnh. Nhưng ảnh báo chí vẫn là câu chuyện của con người, của những trải nghiệm thật, của sự dấn thân, của những khoảnh khắc không thể lập trình. Quan trọng là phải vận dụng khéo léo AI cùng với việc đào tạo kỹ năng và nâng cao trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên ảnh.
.jpg)
Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam hiện nay - Lý luận và thực tiễn” đã làm rõ nội dung: Giáo dục liêm chính là giải pháp then chốt để phòng chống tham nhũng, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, củng cố lòng tin của nhân dân.