Nhật Bản: Phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới vào không gian
- Cập nhật: Thứ ba, 5/11/2024 | 3:01:16 PM
Nhật Bản ngày 5/11 đã tạo nên bước đột phá ngoạn mục khi phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên lên vũ trụ.
Vệ tinh bằng gỗ LignoSat là kết quả hợp tác giữa ại học Kyoto và Tập đoàn xây dựng Sumitomo Forestry. Ảnh: Kyodo/TTXVN
|
Vệ tinh mang tên "LignoSat” này sẽ được thử nghiệm trong không gian, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, nơi gỗ có thể trở thành vật liệu chủ chốt cho các nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng và Sao Hỏa trong tương lai.
LignoSat là kết quả hợp tác giữa ại học Kyoto và Tập đoàn xây dựng Sumitomo Forestry. Vệ tinh này được đưa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) qua một chuyến bay của SpaceX, trước khi được phóng vào quỹ đạo ở độ cao khoảng 400 km từ Trái Đất.
Tên gọi "LignoSat” được lấy từ từ "ligno" trong tiếng Latin - có nghĩa là "gỗ", và mục tiêu chính của vệ tinh là chứng minh khả năng ứng dụng của vật liệu tái tạo này trong các hoạt động lâu dài ngoài không gian.
Ông Takao Doi - phi hành gia từng bay trên tàu con thoi và hiện là nhà nghiên cứu về các hoạt động không gian tại Đại học Kyoto - chia sẻ: "Với gỗ – vật liệu mà chúng ta có thể sản xuất dễ dàng – con người sẽ có thể xây dựng nhà cửa, sinh sống và làm việc trong không gian lâu dài".
LignoSat là một phần trong kế hoạch dài hơi của ông Doi và nhóm nghiên cứu: trồng cây và xây dựng nhà gỗ trên Mặt Trăng và Sao Hỏa trong vòng 50 năm tới. Để chứng minh rằng gỗ có thể là vật liệu phù hợp cho không gian, nhóm nghiên cứu đã phát triển vệ tinh gỗ đạt chứng nhận của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Giáo sư Koji Murata – chuyên gia khoa học về rừng tại Đại học Kyoto - nhấn mạnh: "Vào đầu thế kỷ 20, máy bay cũng được làm từ gỗ. Vì vậy, vận hành một vệ tinh gỗ hoàn toàn cũng khả thi".
Vệ tinh gỗ có thể chịu đựng tốt hơn trong không gian so với trên Trái Đất, vì môi trường vũ trụ không có nước hay oxy để làm phân hủy hay gây cháy. Hơn nữa, khi hết tuổi thọ, vệ tinh gỗ có thể giảm thiểu tác động môi trường so với các vệ tinh kim loại truyền thống, vốn cần phải quay trở lại khí quyển để tránh trở thành rác thải vũ trụ. Khi đó, vệ tinh kim loại thường tạo ra các hạt ôxít nhôm, trong khi vệ tinh gỗ sẽ tự cháy hoàn toàn, với ít ô nhiễm hơn.
Sau thí nghiệm kéo dài 10 tháng trên ISS, nhóm nghiên cứu đã chọn honoki, một loại cây ngọc lan bản địa của Nhật Bản, làm vật liệu chính cho LignoSat. Honoki vốn được sử dụng trong thủ công mỹ nghệ truyền thống Nhật Bản, chẳng hạn như làm vỏ kiếm.
LignoSat được chế tạo từ gỗ honoki bằng phương pháp thủ công truyền thống của Nhật, không dùng ốc vít hay keo dán. Khi được phóng vào không gian, vệ tinh sẽ ở lại quỹ đạo trong 6 tháng. Trong suốt thời gian này, các thiết bị điện tử trên vệ tinh sẽ giám sát cách thức gỗ chịu đựng điều kiện cực đoan trong không gian, nơi mà nhiệt độ thay đổi từ -100 đến 100 độ C mỗi 45 phút khi vệ tinh di chuyển qua bóng tối và ánh sáng Mặt Trời.
Theo ông Kenji Kariya - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tsukuba thuộc Tập đoàn Sumitomo Forestry, LignoSat cũng sẽ được tận dụng để kiểm tra khả năng của gỗ trong việc giảm thiểu tác động của bức xạ vũ trụ lên các bán dẫn – điều này có thể hữu ích trong các ứng dụng xây dựng trung tâm dữ liệu trong tương lai.
Các tin khác
Cùng với sự phát triển không ngừng không gian mạng, những mối đe dọa về an toàn thông tin đối với cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng trở nên phức tạp hơn… Bảo vệ hệ thống thông tin đối với các cơ quan báo chí truyền thông, đặc biệt là trên báo điện tử là công việc khó khăn, nhiều thách thức và cần sự tổng lực sức mạnh từ nhà báo, cơ quan báo chí và cơ quan chức năng.
Chuyên gia máy tính kiêm tác giả sách Paul Graham cảnh báo sẽ không còn quá nhiều người còn khả năng viết trong 20 năm tới.
Mùa giải Khoảnh khắc Báo chí năm nay với rất nhiều bộ ảnh chất lượng không khỏi khiến Ban Giám khảo phải “cân não” lựa chọn. Những bức ảnh “hơn vạn lời nói”… kể về các câu chuyện thời sự, mang hơi thở cuộc sống đã chạm đến trái tim người xem. Trong mỗi khoảnh khắc đắt giá chứa đựng hành trình dấn thân, lăn xả vào đời sống để từng nhịp thở thời cuộc đều được thu vào ống kính của người phóng viên ảnh hôm nay.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và không gian mạng khiến nhu cầu mua - bán hàng trực tuyến (online) gia tăng, kéo theo tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, lừa đảo trực tuyến diễn ra khó lường, bủa vây người tiêu dùng (NTD). Làm thế nào để ngăn ngừa, bảo vệ khách hàng?