Bắc Giang nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Cập nhật: Thứ bảy, 26/10/2024 | 2:15:20 PM
Với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lễ phát động ủng hộ kinh phí quyết tâm xóa 100% số nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình người có công bằng nguồn xã hội hóa trong năm 2024. Đến nay, chương trình đã thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả được phát triển và nhân rộng.
Phát huy truyền thống tương thân, tương ái
Qua rà soát, thống kê và thẩm định, tính đến tháng 10/2024, Ban Chỉ đạo hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt hỗ trợ xây dựng 1.393 căn nhà.
Lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang hỗ trợ, xây nhà tặng hộ nghèo tại xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế. Ảnh: Danh Lam |
Trong đó, nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, cận nghèo là 968 nhà; 232 hộ người có công cần sửa chữa, xây mới; 193 nhà tạm, nhà dột nát trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Toàn tỉnh đã khởi công, hoàn thành và bàn giao được 1.351 nhà (đạt 96,98%). Dự kiến trong tháng 10, các hộ còn lại sẽ được khởi công xây mới, sửa chữa nhà bảo đảm hoàn thành kế hoạch trong năm 2024.
Để đạt được kết quả ấn tượng này, ngay từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã phát động phong trào sâu rộng trong toàn xã hội với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng hành các đơn vị kinh tế, nhân dân trên địa bàn cũng như con em Bắc Giang trên mọi miền Tổ quốc.
Với tinh thần "Triệu tấm lòng yêu thương, xây nghìn căn nhà Đại đoàn kết", quan điểm và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang xác định rõ: "Phải làm cho mỗi ngôi nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công được xây dựng không chỉ bằng gạch đá, xi-măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết, bằng truyền thống tương thân tương ái, bằng tình cảm và tấm lòng của toàn xã hội".
Nội dung huy động, vận động các nguồn lực được xác định cụ thể là sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tổ chức xây dựng nhà ở, kinh phí huy động 100% từ nguồn xã hội hóa.
Với tinh thần xuyên suốt đó, hàng trăm căn nhà của các đối tượng thụ hưởng đã được khởi công xây dựng và sửa chữa. Anh Trần Văn Cấp, thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang có hoàn cảnh rất khó khăn. Anh Cấp thường xuyên đau ốm, không có việc làm ổn định, anh đang nuôi mẹ già 95 tuổi và người con trai sức khỏe yếu, mắt kém, đi lại khó khăn. Ngôi nhà gia đình đang ở xuống cấp nghiêm trọng, song anh Cấp không có điều kiện để sửa chữa, xây mới.
Ước mơ của anh Cấp đã thành hiện thực khi được Cục Chính trị Quân khu 1 và Ban Dân vận Tỉnh ủy 6 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn) hỗ trợ 150 triệu đồng cùng với sự đóng góp, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang và người dân về ngày công, vật liệu đã giúp gia đình anh xây dựng ngôi nhà rộng rãi, khang trang.
Anh Cấp chia sẻ: "Nếu không có sự hỗ trợ của bộ đội Quân khu 1 về cả vật chất, ngày công thì không biết bao giờ tôi mới có nhà mới. Tôi rất vui mừng vì những hộ nghèo như tôi ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội, để cuộc sống bớt khó khăn, vất vả hơn".
Sáng tạo, chung sức, đồng lòng
Trường hợp của anh Cấp chỉ là một trong số hàng trăm hộ đặc biệt khó khăn không có khả năng đối ứng tiền xây dựng nhà nhưng đã được các đơn vị khác nhau cùng hỗ trợ 100% kinh phí xây nhà theo hình thức "chìa khóa trao tay".
Tiêu biểu như lực lượng công an tỉnh đã triển khai hỗ trợ 27 căn nhà với tổng kinh phí hơn 6,1 tỷ đồng; trong đó, số tiền đóng góp của cán bộ, chiến sĩ là hơn hai tỷ đồng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vận động hỗ trợ 15 nhà Đại đoàn kết, nhà Đồng đội, nhà nghĩa tình, nhà đoàn kết quân-dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai hỗ trợ xây mới 49 nhà với trị giá hỗ trợ hơn hai tỷ đồng; hỗ trợ hơn 20.000 ngày công.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ ba hộ dân xây mới nhà, thẩm định, xét hỗ trợ cho 41 đoàn viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn xây mới, sửa chữa nhà với số tiền hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng. Các cấp Hội Nông dân ủng hộ hơn 1,4 tỷ đồng và gần 8.000 ngày công..., đến nay toàn tỉnh đã huy động kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu, đồ dùng sinh hoạt trị giá gần 78 tỷ đồng để xóa nhà tạm cho các đối tượng được thụ hưởng.
Hội Doanh nghiệp huyện Lục Ngạn trao tặng 50 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh Vi Văn Nam, tổ dân phố Hồ Sen, thị trấn Chũ xây nhà mới. |
Ở các địa phương, qua công tác rà soát, phân loại, các đối tượng thụ hưởng được giao trách nhiệm cho từng ngành, đoàn thể kết nối giữa nhà tài trợ để hỗ trợ các hộ xây, sửa nhà. Huyện Lạng Giang triển khai xây dựng mô hình nhà lắp ghép với ưu điểm chi phí xây dựng thấp, thời gian thi công nhanh so với nhà truyền thống.
Một số địa phương có điều kiện huy động xã hội hóa thuận lợi hơn đã chủ động tăng mức hỗ trợ cho đối tượng được thụ hưởng để những ngôi nhà được khang trang, chắc chắn hơn. Ngoài ra, thành phố Bắc Giang không chỉ thực hiện tốt việc xóa nhà tạm mà còn vận động và hỗ trợ 1,75 tỷ đồng cho các huyện có kinh tế khó khăn hơn để thực hiện chương trình. Qua rà soát, tại một số địa phương, thấy các hộ có điều kiện khá hơn hoặc gia đình dòng họ có điều kiện nên đã chủ động, động viên tự xóa nhà tạm, nhà dột nát mà không nhận hỗ trợ từ chương trình.
Ông Đinh Đức Cảnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang cho biết: Chương trình xóa nhà tạm đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc và các tầng lớp nhân dân tham gia. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động, sáng tạo trong triển khai; phong phú, đa dạng trong vận động; cách thức hỗ trợ chi tiết, cụ thể, công khai, minh bạch đến từng đối tượng, từ đó niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên.
Còn những băn khoăn
Theo số liệu thống kê của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 900 hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng trong những năm tới cần được hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà ở. Đây là các hộ không thể đưa vào danh sách hỗ trợ trong năm 2024 bởi nhiều lý do như chưa đủ điều kiện về đất ở (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), các hộ không có khả năng đối ứng kinh phí, các hộ còn vướng mắc việc riêng gia đình và nhiều hộ chưa nhận hỗ trợ vì còn tâm lý mong chờ vào mức hỗ trợ cao hơn.
Đơn cử như hộ bà Bàn Thị Ninh, tại thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động. Gia đình bà ở trên mảnh đất của ông cha đã để lại lâu đời nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn cho nên chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà Ninh cho biết: "Cán bộ Mặt trận của huyện đã đến hỏi thăm tình hình. Gia đình tôi chưa đủ điều kiện để được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở; tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm giúp gia đình tôi và những hoàn cảnh tương tự giải quyết những vướng mắc để chúng tôi được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước".
Hiện nay tỉnh Bắc Giang có hàng trăm trường hợp hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách xóa nhà tạm nhưng không đủ điều kiện về sử dụng đất. Nhiều hộ đang sinh sống trên đất rừng, đất nông nghiệp cho nên việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân gặp vướng mắc theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang cho biết: Thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã kịp thời giải quyết hàng chục trường hợp chưa đủ điều kiện về sử dụng đất để các đối tượng kịp thời được thụ hưởng chính sách; tuy nhiên qua thống kê, rà soát ở một số địa phương vẫn còn nhiều đối tượng được thụ hưởng chính sách xóa nhà tạm nhưng chưa bảo đảm điều kiện về quyền sử dụng đất. Đối với các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất ở, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã chủ trì cùng ngành tài nguyên và môi trường khẩn trương rà soát thống kê đầy đủ các trường hợp có nhu cầu nhưng vướng mắc về đất đai hoặc thiếu đất ở; xem xét cụ thể từng trường hợp để có phương hướng, chủ trương biện pháp tháo gỡ với lộ trình sớm nhất. Nghiên cứu, đề xuất biện pháp tạo quỹ đất ở cho các hộ gia đình đang ở trên đất rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, nằm trong hành lang an toàn giao thông.
Ngoài ra, công tác vận động, huy động kinh phí để hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm so với đăng ký còn chưa đạt tiến độ; việc vận động, triển khai hỗ trợ các hộ dân còn chậm. Việc phối hợp giữa các cấp, ngành trong rà soát đối tượng thụ hưởng một số nơi chưa chặt chẽ, còn lúng túng, còn chồng chéo giữa các chương trình.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình; các ngành, đoàn thể cần chủ động xác định mục tiêu và có các hoạt động thiết thực, cụ thể, hiệu quả giúp các đối tượng sớm được thụ hưởng chính sách.
Các tin khác
Song hành với các nhiệm vụ phát triển KT-XH, những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang tập trung cao cho công tác quy hoạch, mở rộng không gian và đầu tư xây dựng kết cấu, hạ tầng đô thị. Nhờ vậy, tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh, tạo kiến trúc, cảnh quan đồng bộ, hiện đại, là cơ sở cho sự phát triển trong tương lai.
Theo thông tin từ UBND tỉnh, năm 2024, tình hình phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh của tỉnh giữ ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực so với năm 2023. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 13,85%, đứng vị trí thứ 12 cả nước, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tối 1/1, chương trình "Chào năm mới 2025" diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 đã mang đến không gian âm nhạc rực rỡ, với điểm nhấn là Lễ trao giải VTV Awards 2024 tôn vinh những thành tựu, cá nhân và tập thể có những đóng góp đột phá trong năm.
Tối 30/12, Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã long trọng tổ chức Lễ trao Giải thưởng báo chí Tài nguyên và Môi trường lần thứ VII.