Yên Dũng: Những lá đơn tình nguyện lên Lục Ngạn công tác
- Cập nhật: Thứ bảy, 9/11/2024 | 3:57:10 PM
Thực hiện Nghị quyết số 1191 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại huyện Yên Dũng đã sớm viết đơn tình nguyện đến thị xã Chũ hoặc huyện Lục Ngạn (mới) công tác.
Chị Tạ Thị Thủy, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Tài chính - Kế hoạch.
|
"Đi xa thì cũng trong tỉnh mình thôi mà”
Một trong những người xung phong đi huyện Lục Ngạn (mới) sớm nhất là chị Tạ Thị Thủy (SN 1977), Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Yên Dũng. Trong tâm thế của một người tình nguyện, chị vui vẻ cho biết: "Khi có chủ trương sáp nhập huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang, một bộ phận cán bộ, công chức sẽ phải chuyển công tác đến nơi làm việc mới. Nhận thấy bản thân có điều kiện thuận lợi hơn các đồng nghiệp khác, khi tổ chức chưa triển khai bố trí, sắp xếp cán bộ, tôi đã chủ động báo cáo lãnh đạo, báo cáo tổ chức, viết đơn xung phong đi xa. Chia sẻ với người thân và các con về quyết định của mình, gia đình tôi ai cũng ủng hộ”.
Được biết, chị Thủy công tác tại huyện đã hơn 20 năm, nhà riêng ở thị trấn Nham Biền, hằng ngày chỉ đi "vài bước chân” là đến cơ quan. Chồng chị công tác tại Công an huyện Lục Nam, con lớn đã đi làm, con thứ hai học năm đầu Học viện Cảnh sát nhân dân. Bố mẹ hai bên còn khỏe mạnh.
Nghị quyết số 47/2024/NQ-HĐND ngày 12/7/2024 của HĐND tỉnh quy định: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP Bắc Giang được điều động hoặc biệt phái của cấp có thẩm quyền đến làm việc trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thuộc thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn (sau khi được thành lập), trừ đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được hỗ trợ tiền đi lại và nhà ở mức 7.000.000 đồng/tháng cho người đến công tác tại huyện Lục Ngạn; 5.000.000 đồng/tháng cho người đến công tác tại thị xã Chũ. Người điều động được hưởng hỗ trợ 5 năm (60 tháng) tính từ ngày quyết định điều động có hiệu lực. Người biệt phái được hưởng hỗ trợ theo thời gian biệt phái, tính từ ngày quyết định biệt phái có hiệu lực. |
Chị cho biết: "Trong số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan của huyện, rất nhiều người muốn đi huyện Lục Ngạn (mới) mà không đi được do hoàn cảnh gia đình (con nhỏ, bố mẹ già yếu…). Tôi xung phong đi xa cũng là muốn dành cơ hội cho anh em, đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn hơn có cơ hội được đi làm gần, có điều kiện chăm sóc gia đình”.
Mới đây, khi có kết luận đặt trụ sở huyện Lục Ngạn (mới) tại thị trấn Chũ, quãng đường từ nhà lên Lục Ngạn cũng chỉ hơn 50 km, đường sá giờ cũng thuận tiện nên chị thấy rất thoải mái. "Với lại đi xa thì cũng chỉ là trong tỉnh mình thôi mà” - chị Thủy bày tỏ.
Hai vợ chồng cùng xung phong
"Để công tác sắp xếp cán bộ được thuận tiện, qua tuyên truyền, vận động, với tinh thần của người đảng viên, người đứng đầu đơn vị, tôi tình nguyện viết đơn đến thị xã Chũ công tác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi tổ chức phân công” - đó là chia sẻ của anh Trần Văn Quang (SN 1979), Trưởng Phòng Y tế huyện Yên Dũng. Cùng viết đơn xin đi thị xã Chũ đợt này còn có vợ anh là chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1980), Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện. "Em muốn hai vợ chồng cùng làm một chỗ cho thuận lợi”- chị Xuân cho biết.
Anh Trần Văn Quang, Trưởng Phòng Y tế. |
Ban đầu, để đi đến quyết định như vậy, vợ chồng anh chị không phải không có tâm tư. Đang công tác gần nhà, gần người thân, quen với môi trường làm việc, sinh hoạt theo nếp cũ, anh chị có thời gian dạy dỗ con học hành. Năm nay, người con út đang học lớp 12, đứng trước ngưỡng cửa vào đại học rất cần sự quan tâm, chỉ bảo thường xuyên của bố mẹ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các quy định, được các đồng chí lãnh đạo huyện tuyên truyền, động viên, cả hai quyết định cùng viết đơn xung phong đi thị xã Chũ công tác.
"Đường trở về nhà của chúng tôi sẽ dài hơn 5 chục cây số. Dù địa bàn mới ban đầu sẽ có nhiều bỡ ngỡ nhưng tôi tin rằng ở môi trường mới, vợ chồng tôi sẽ phát huy được trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, sở trường, cùng nỗ lực động viên nhau vượt qua những trở ngại ban đầu, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- anh Quang chia sẻ.
Thêm khoản thu nhập đáng kể
Tốt nghiệp trung cấp văn hóa nghệ thuật, anh Trần Minh Pháp (SN 1980) từng có thời gian dài làm giáo viên mỹ thuật ở huyện Lục Nam. Sau này, anh chuyển công tác về quê, làm tuyên truyền viên ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng.
Anh Trần Minh Pháp, tuyên truyền viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao. |
Anh tâm sự: "Tôi muốn có những trải nghiệm ở môi trường mới nên đã làm đơn xin đi huyện Lục Ngạn (mới) công tác với tinh thần tự nguyện, xung kích”. Sống chung với bố mẹ đã cao tuổi ở xã Đồng Việt, khi anh hỏi ý kiến bố, ông chỉ nói ngắn gọn rằng "con cứ trải nghiệm”. Vì vậy anh cảm thấy vững tin vào quyết định của mình.
Do đặc thù công việc của một tuyên truyền viên, anh Pháp có suy nghĩ lên Lục Ngạn cũng là dịp phát huy năng lực, sở trường sáng tác mỹ thuật, khám phá những điều mới mẻ. Anh kể, vợ anh là giáo viên tiểu học, thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí cho hai con đang học đại học chỉ còn vẻn vẹn… vài triệu đồng. Với sự quan tâm của tỉnh, lên huyện Lục Ngạn (mới) công tác, anh được hỗ trợ thêm 7 triệu đồng mỗi tháng, đây cũng là khoản thu nhập khá để trang trải cuộc sống.
Hiện nay, biên chế hành chính khối Đảng, đoàn thể của huyện Yên Dũng là 57 người; khối Nhà nước 69 người. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 321-KL/TU ngày 31/10/2024 về việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động đối với đơn vị hành chính huyện Lục Ngạn, huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang khi thực hiện chia tách, sáp nhập, Huyện ủy, UBND huyện Yên Dũng một lần nữa quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư, nhiều đồng chí đã chủ động báo cáo và đề xuất nguyện vọng được tình nguyện đến Lục Ngạn (mới) và thị xã Chũ công tác. Qua nắm bắt, các đồng chí mong muốn được bố trí ở vị trí phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; ưu tiên bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn.
Các tin khác
Từ 9 giờ sáng nay (12/11), tại Nhà Thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang, các vận động viên (VĐV) chính thức bước vào tranh tài Giải Cầu lông quốc tế Li-Ning VietNam International Series 2024.
Tối 11/11, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) diễn ra Lễ bế mạc và trao giải thưởng Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) năm 2024. Sự kiện thu hút đông đảo đại biểu và các nghệ sỹ là các đạo diễn, diễn viên trong nước và quốc tế tham dự. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và trao giải.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp đầy rủi ro, cụm từ “đánh bạc với trời” đã trở thành biểu tượng cho những bất trắc mà người nông dân phải gánh chịu. Khi thời tiết ngày càng khó lường, mùa màng thất thu và thị trường nông sản biến động không ngừng, nhiều địa phương vẫn loay hoay tìm cách đối phó. Nhưng Bắc Giang đã biến thách thức thành cơ hội, tạo nên bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh mạnh mẽ thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và gắn kết nông nghiệp với du lịch, mang lại những lợi ích bền vững cho người dân và doanh nghiệp địa phương.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 66 về việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch và khai hội Xuân Tây Yên Tử năm 2025.