Mở cửa nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực phòng, chống dịch

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/1/2022 | 8:33:11 AM

Chiều 28/1, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Trần Văn Sơn.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: VGP)
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: VGP)

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời câu hỏi mà dư luận xã hội đang quan tâm.

Mở cửa nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực phòng, chống dịch

Về gói hỗ trợ phục hồi, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350 nghìn tỷ đồng là gói hỗ trợ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt coi trọng với nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế sau 2 năm dịch Covid-19. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan. Ngay cuộc họp sáng nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ một nghị quyết gồm 2 nội dung về chương trình phục hồi và triển khai Nghị quyết 43 Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ:

Nhóm 1: Mở cửa nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực kinh tế, phòng, chống dịch bệnh. Vừa qua số lượng người nhiễm bệnh Covid-19 rất nhiều, gây áp lực cho nền kinh tế và y tế, đặc biệt là y tế dự phòng. Đây là nhiệm vụ cần tiếp tục được triển khai.

Nhóm 2: Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ cho người lao động làm việc.

Nhóm 3: Hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong đó có nhiều giải pháp cần tiếp tục tiển khai như: hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ phí trước bạ, cho vay không lãi suất…

Nhóm 4: Phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nguồn lực đầu tư công để hoàn thành dứt điểm tuyến cao tốc bắc-nam phía đông.

Nhóm 5: Tiếp tục cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng trong lúc chúng ta mở cửa phục hồi đón các nhà đầu tư quay trở lại.

Trong Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu Chính phủ: Cơ bản với tính cấp bách như vậy, cần triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân ngay trong 2 năm 2022-2023. Với những nhiệm vụ đưa ra cho các bộ, ngành phải triển khai ngay, chậm nhất trong quý I/2022. Hiện nay một số nhiệm vụ các bộ, ngành đã chủ động thực hiện như chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.

Dự thảo Nghị quyết dài 20 trang, trong đó có 10 trang giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp chặt chẽ với nhau. Đồng thời, có các cơ chế giám sát như: Mặt trận Tổ quốc, Kiểm toán Nhà nước… để bảo đảm chương trình triển khai minh bạch.

Trong Nghị quyết cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối đôn đốc các bộ, ngành triển khai các giải pháp, kịp thời báo cáo Quốc hội năm 2022, 2023 và tổng kết vào cuối năm 2024.

Chính phủ rất tích cực triển khai sau khi có Nghị quyết 43. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị quyết này để cố gắng ban hành trước Tết.

Nỗ lực mở cửa trở lại các chuyến bay

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: hiện tại đã mở lại 10 đường bay quốc tế trong những ngày qua, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt với đồng bào xa quê. Về việc mở lại đường bay quốc tế, điều kiện quan trọng nhất không phải máy bay, không phải vận tải mà là tình hình kiểm soát dịch của đất nước. Đồng thời, chúng ta phải tôn trọng quy định của những nước mà ta kết nối đến. Việc này cần thời gian trao đổi giữa các nhà chức trách hàng không để có sự thống nhất về quy trình kiểm soát các chuyến bay, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị phương án mở lại tất cả chuyến bay quốc tế từ 1/5. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc tiến trình tiêm phủ vaccine sắp tới. Nếu độ bao phủ tốt, dịch bệnh được kiểm soát thì việc mở lại đường bay quốc tế có thể sớm hơn. Bộ sẽ rà soát lại sau Tết, nếu đủ điều kiện mở lại toàn bộ các đường bay và sẽ kiến nghị mở sớm hơn với những phương án cụ thể trên cơ sở thống nhất với các quốc gia chúng ta khôi phục đường bay. Về tổ chức vận tải, đi lại dịp Tết: trước Tết 1 tháng, Bộ đã ban hành kế hoạch cho tất cả các đơn vị liên quan, vận tải đường bộ, đường thủy, các hãng hàng không để bảo đảm đi lại trước trong và sau Tết. Vừa vận tải nhưng phải bảo đảm kiểm soát dịch bệnh, hạn chế ùn tắc giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt. Tăng cường kiểm tra kiểm soát ở bến xe, bến tàu, cảng hàng không. Kiểm soát dịch bệnh trong vận tải. Những điểm này phải tuân theo quy định của Bộ Y tế. Việc kết nối quốc tế cũng phải xem xét, điều chỉnh các thủ tục, hạn chế ùn tắc ở các cảng hàng không. Từ đó, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước phải vào cuộc.

Sớm cho các cháu học sinh trở lại trường

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: việc đưa học sinh trở lại trường là mối quan tâm của toàn xã hội, Chính phủ trong thời gian qua cũng chỉ đạo rất quyết liệt. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 19/1, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội thảo với các địa phương, mời các chuyên gia để tham khảo ý kiến, đồng thời thống nhất việc mở cửa trường học, là yêu cầu cấp thiết tại thời điểm hiện tại, sớm nhất là sau Tết Nguyên đán.

Theo kinh nghiệm của thế giới, WHO, UNESCO và UNICEF đưa ra 8 khuyến nghị về việc đưa học sinh trở lại trường, trong đó có khuyến nghị số 1 trường học phải là một trong những cơ sở cuối cùng đóng cửa và một trong những cơ sở đầu tiên mở cửa. Trên tinh thần như vậy, Bộ đã ban hành công văn để hướng dẫn các địa phương, đề nghị các địa phương kiên quyết, quyết liệt có các biện pháp nhanh chóng, có kế hoạch, lộ trình, trước hết trang bị, xem lại điều kiện cơ sở vật chất an toàn tại trường học, sớm đưa học sinh trở lại trường trước ngày 14/2, tức sau Tết 1 tuần.

Bộ cũng đề nghị các địa phương hoàn trả những cơ sở vật chất đã trưng dụng để các cơ sở giáo dục cho sinh viên trở lại trường cũng như các địa phương chỉ đạo các cơ sở trực thuộc, phối hợp hỗ trợ các trường học trên địa bàn đưa sinh viên trở lại trường.

Đến nay, theo thông tin Bộ cập nhật mới nhất, khối Trung học phổ thông với tỷ lệ 63/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường (đạt 100%); khối đại học, cao đẳng có khoảng 91% trường đã có kế hoạch đưa sinh viên trở lại trường, dự kiến vào ngày 7/2; khối Trung học cơ sở có 57/63 tỉnh, thành phố; khối tiểu học có 53/63 tỉnh, thành phố và khối mầm non có 51/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường ngày 7/2.

Về phương án mở cửa cho các cháu chưa tiêm vaccine: theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì cấp độ 1, 2 đã được Bộ Y tế ban hành văn bản các tiêu chí. Theo đó, cấp độ 1 đưa học sinh học trực tiếp tại trường; cấp độ 2 học trực tiếp tại trường và có một phần hạn chế, nhưng Nghị quyết không nói về việc tiêm vaccine cho học sinh là điều kiện.

Với sinh viên và học sinh từ 12 tuổi trở lên, chúng ta đã tiêm vaccine với số lượng cao; còn học sinh dưới 12 tuổi thì Bộ Y tế cũng rất khẩn trương và có tham khảo ý kiến chuyên gia, thế giới để có kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa học sinh trở lại trường không nên phụ thuộc vào việc tiêm cho học sinh ở tuổi nhỏ, bởi có thể việc tiêm này sẽ có những rủi ro.

Do đó, Bộ cho rằng các địa phương nên có lộ trình từng bước cho học sinh nhỏ tuổi tới trường và phải căn cứ thực tiễn, đưa học sinh tới trường làm thế nào an toàn. Chúng ta cần thấy lợi ích lâu dài, giáo dục ở trẻ nhỏ cần được toàn diện nhưng ở nhà thì không thể được như vậy. Bộ cũng cho rằng, một số địa phương đã có kinh nghiệm và mạnh dạn có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường và tin tưởng rằng sau Tết (khi Bộ Y tế đã có thông tin tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi đó có nguy cơ rất thấp so với các độ tuổi khác) thì các địa phương trên cơ sở kinh nghiệm của mình, từng bước đưa các cháu trở lại trường; từ đó sẽ có kinh nghiệm rút ra để sớm đưa tất cả các cháu trở lại trường. Nếu chúng ta không thực hiện, không làm gì và cứ để các cháu ở nhà thì rõ ràng không thể có bước tiến, không thể có căn cứ để quyết định.

Vì vậy, việc sớm cho các cháu trở lại trường là cần thiết. Các cháu đã tiêm chủng nên đưa trở lại trường còn các cháu chưa tiêm chủng nên có kế hoạch kết hợp học trực tiếp và trực tuyến; có thể có phương án chia lớp để giảm mật độ ở trường, những việc này chúng tôi cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo. Giáo dục là trách nhiệm của toàn dân; chúng ta cùng có trách nhiệm đưa các cháu trở lại trường.

Về vụ kit test nhanh Covid-19 của Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đang rất tích cực triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Kết quả hiện đang từng bước làm rõ bản chất của vụ việc và đã có chi tiết mới. Cụ thể, hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra đang phối hợp, trao đổi thông tin với 3 đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Cục Kiểm tra hình sự Bộ Quốc phòng để xử lý các vấn đề liên quan. Trong đó có thu thập hồ sơ, tài liệu và xác định các sai phạm… Vụ việc này liên quan đến rất nhiều cá nhân.

Về kết quả thu hồi tài sản, ngoài thông tin trước đó đã nêu, tại họp báo hôm nay Trung tướng Tô Ân Xô thông tin cụ thể thêm: Cơ quan điều tra đã thu giữ kê biên phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản và tài khoản giá trị là 1.220 tỷ đồng. Trong đó có 380 tỷ đồng tiền mặt và giá trị bất động sản vào khoảng 840 tỷ đồng và đang rất tích cực điều tra. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an đang tích cực tiến hành các công tác nghiệp vụ để làm rõ một số hành vi trục lợi liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Các cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ làm xuyên Tết và sẽ thông tin sớm đến báo chí.

BD- Theo Báo ND ĐT

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi làm việc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.

Các đồng chí: Mai Sơn, Lâm Thị Hương Thành tặng hoa chúc mừng cán bộ, công chức Sở GD&ĐT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.

Các đại biểu dự Ngày hội.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự