Cao Bằng chăm lo người có công, hàn gắn “vết thương” chiến tranh
- Cập nhật: Thứ năm, 17/2/2022 | 8:18:15 AM
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 diễn ra 43 năm trước đã có người ngã xuống, nhiều người bị thương vì sự nghiệp bảo vệ biên giới. Thời gian qua, bằng những nỗ lực chăm lo gia đình chính sách, người có công, tỉnh Cao Bằng đã góp phần tích cực làm tỏa sáng đạo lý “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc và hàn gắn lại những “vết thương” do chiến tranh gây ra.
Thương binh Hoàng Văn Tứ, ở tổ 5, phường Hòa Chung, TP Cao Bằng bên căn nhà “Tình nghĩa” được hỗ trợ xây dựng.
|
Trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, quân và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã kiên cường, anh dũng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương; lớp lớp thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu đấy, có người đã ngã xuống, nhiều người bị thương vì sự nghiệp bảo vệ biên giới. Thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng và toàn xã hội tích cực vào cuộc, chăm lo đầy đủ cho công tác "Đền ơn, đáp nghĩa”, "Nghĩa tình đồng đội”.
Khẳng định kết quả công tác chăm lo người có công, gia đình chính sách tại địa phương, đồng chí Nguyễn Thắng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cao Bằng cho biết, cả hệ thống chính trị địa phương đã tích cực vào cuộc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, gia đình chính sách, ít nhất đạt mức trung bình trong khu dân cư. Đối với tổ chức Hội Cựu chiến binh, đã quán triệt, giao nhiệm vụ đến từng chi hội xóm, tổ dân phố chủ động theo dõi, chăm lo, hỗ trợ, báo cáo trường hợp hội viên, gia đình chính sách cần hỗ trợ, giúp đỡ.
Trong năm 2021, Hội Cựu chiến binh Cao Bằng đã kêu gọi, phối hợp hỗ trợ xây dựng 66 căn nhà cho hội viên. Đến nay, tại địa phương, về căn bản, người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ, hội viên Cựu chiến binh đã có nhà ở khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách được các cấp, các ngành, đoàn thể huy động nguồn lực, chăm lo đầy đủ.
Trong căn nhà cấp 4 được hỗ trợ xây dựng, thương binh hạng 2/4 Hoàng Văn Tứ, ở tổ 5, phường Hòa Chung, TP Cao Bằng kể, gia đình ông Tứ có 4 anh em, thì có 3 người nhập ngũ, cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Năm 1985, khi đang tham gia trực chốt bảo vệ biên giới ở Lũng Lầu, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, trong quá trình làm nhiệm vụ ông Tứ vướng phải mìn, tỷ lệ thương tật 71%. Trở về địa phương, mang theo thương tật, ông Tứ vẫn tích cực lao động, sản xuất, bảo đảm cuộc sống. Hiện tại, với chế độ thương binh 4,1 triệu đồng/tháng, vợ có lương hưu, kết hợp gia đình tăng gia, sản xuất, đời sống ổn định.
Ông Tứ cho biết thêm, định kỳ vào dịp lễ, Tết Nguyên đán, ngày 27/7, địa phương và C20 (Đại đội Trinh sát thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng) đều đến thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình. Cán bộ, chiến sĩ C20 còn giúp gia đình chỉnh trang nhà cửa và tăng gia sản xuất.
Nhớ lại những năm tháng lớp lớp thanh niên tình nguyện, nô nức nhập ngũ, hướng ra biên giới, bệnh binh Hoàng Văn Ga, ở tổ 1, phường Hòa Chung, TP Cao Bằng cho biết, tháng 4/1979 (khi quân ta đã đẩy lùi quân địch), mới 18 tuổi ông Ga đã tình nguyện nhập ngũ, đóng quân tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hà Quảng, tình hình biên giới vẫn căng thẳng. Mỗi quân nhân đều nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được quân đội giao, giữ vững, bảo vệ biên giới.
Năm 2010, biết gia đình ông Ga chuẩn bị xây mới nhà ở, Hội Cựu chiến binh phường đã đến động viên, trao đổi, đề nghị làm thủ tục hỗ trợ. "Nhưng xét thấy điều kiện gia đình còn nỗ lực, cố gắng tự lực được, tôi đã đề nghị cán bộ Hội khảo sát, hỗ trợ trường hợp khác, khó khăn hơn”, ông Ga cho biết.
Với sự hỗ trợ 10 triệu đồng từ Quỹ "Mái ấm Công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng (chế độ của vợ ông), vợ chồng ông Ga đã hoàn thành xây dựng căn nhà 2 tầng khang trang, sạch đẹp.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Cao Bằng cho biết, tại địa phương có gần 36 nghìn người có công và thân nhân người có công. Thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa” được đẩy mạnh trên địa bàn. Qua đó, chăm lo đầy đủ các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở, trợ cấp thường kỳ hằng tháng, trợ cấp một lần và trợ cấp mai táng phí; chế độ điều dưỡng, bảo hiểm y tế...
Trong năm 2021, các địa phương trong tỉnh chi trả trợ cấp thường xuyên cho 4.300 đối tượng chính sách, tổng số tiền chi trả hơn 105 tỷ đồng. Trong năm, ngân sách địa phương đã chi hơn 11,5 tỷ đồng thăm, chúc Tết, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7.
Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các gia đình chính sách, người có công được hỗ trợ, động viên, tặng quà. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng thường xuyên tuyên truyền, tập huấn triển khai các chế độ, chính sách đối với người có công tại các địa phương, qua đó, bảo đảm các chế độ, chính sách được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng và thuận tiện. Hiện tại, điều kiện nhà ở; đời sống của các gia đình chính sách, người có công đều đạt mức trung bình trở lên trong các khu dân cư.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 đã diễn ra 43 năm, nhưng những ký ức và lịch sử về cuộc chiến đấu vẫn đậm nét trong tâm trí của nhiều thế hệ. Và còn có cả những vết thương trên thân thể các thương binh; vết thương trong tâm trí thân nhân các liệt sĩ; những hoài niệm về đồng chí, đồng đội, kỷ niệm chiến đấu của các cựu chiến binh. Bằng những nỗ lực chăm lo gia đình chính sách, người có công, tỉnh Cao Bằng đã góp phần tích cực làm tỏa sáng đạo lý "Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc và hàn gắn lại những "vết thương” do chiến tranh gây ra.
Các tin khác
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.
Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.
Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.