Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông
- Cập nhật: Thứ bảy, 11/12/2021 | 5:27:58 PM
Sáng 10/12, tiếp tục Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Toàn cảnh phiên họp
|
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, sáng 10/12. (Ảnh: DUY LINH)
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần, phương án thiết kế sơ bộ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng lớn đến môi trường và hệ sinh thái.
Bộ Giao thông vận tải quản lý đầu tư toàn bộ dự án
Nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp bất thường tới đây của Quốc hội.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu, thuyết minh rõ hơn phương án đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75m so với quy mô 4 làn xe 17m, để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ, Cà Mau, nơi không có sẵn nguyên vật liệu tại chỗ.
Tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần, phương án thiết kế sơ bộ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng lớn đến môi trường và hệ sinh thái. Đồng thời bổ sung, làm rõ phương án lựa chọn công nghệ của dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ Giao thông vận tải quản lý đầu tư toàn bộ dự án, không giao địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương.
Cần tập trung vào việc có cơ chế để giải phóng mặt bằng và cam kết trách nhiệm của các địa phương để tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Đây cũng là cơ chế hiện nay đang thực hiện và không có vướng mắc.
Nếu giao địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần sẽ không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, khó bảo đảm chất lượng, tiến độ và tính thống nhất trong quá trình thực hiện dự án.
Đặc biệt, đây là dự án quan trọng quốc gia, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cao, đòi hỏi thi công đồng bộ, thống nhất nên cần quản lý tập trung, thống nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần rà soát, điều hoàn nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để ưu tiên vốn của Chương trình cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong 2 năm 2022-2023.
Ủy ban Thường vụ thống nhất trình Quốc hội quyết định việc Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung, làm rõ thẩm quyền đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532 ha để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu hướng tuyến và các điều kiện khác để bảo đảm chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc hợp lý, tiết kiệm trên cơ sở chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa tối ưu nhất.
Đồng thời cho rằng, diện tích đất phải thu hồi cho Dự án rất lớn, số hộ bị ảnh hưởng nhiều nên việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải công khai minh bạch, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có phương án thu hồi vốn khả thi khi đưa dự án vào khai thác sử dụng để tạo nguồn trả nợ, nguồn duy tu, sửa chữa lớn và nguồn đầu tư các công trình khác; có các giải pháp để xử lý những khó khăn, vướng mắc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV.
Tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội
Phát biểu tại phiên họp, đồng tình với sự cần thiết của dự án đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, để góp phần giải quyết được những hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội thì việc tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các vùng là cần thiết.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Cơ bản thống nhất 9 nội dung Ủy ban Kinh tế thẩm tra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ việc dự án này sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục được trong thời gian qua vì trong Tờ trình hiện nay chưa rõ điểm này.
Nội dung khác được đưa ra là, dự án hiện đã bổ sung, điều chỉnh 10 tuyến, chiều dài mạng tăng từ 6.411 km lên 9.014 km, cơ quan chủ trì cần khẳng định được việc đã bao quát tính tổng thể dự án, đã bảo đảm sự hợp lý, khoa học, đồng bộ, hiệu quả của các hướng tuyến đã chọn, sự kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ, đường bộ cao tốc khác trong mạng lưới chưa?
Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn phương án về phạm vi, quy mô đầu tư, giải phòng mặt bằng, tái định cư, hình thức đầu tư, thời gian thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Chính phủ nên quan tâm song song mở rộng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy cần được phát triển đồng bộ, để kết nối đan xen trong vùng, liên vùng trong nước và quốc tế…
BD- Theo Báo NDĐT
Các tin khác
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.
Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.
Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.