Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn thị sát tình hình khắc phục hậu quả bão số 3 tại Lạng Sơn
- Cập nhật: Thứ tư, 11/9/2024 | 10:04:32 PM
Chiều 11/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với tỉnh Lạng Sơn và đi thị sát tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại các huyện Văn Lãng, Tràng Định.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn thăm hỏi, động viên nhân dân thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN
|
Đánh giá cao Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Phó Thủ tướng ghi nhận Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”, nhờ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt là việc các lực lượng trong tỉnh đã kiên quyết di dời gần 4.500 hộ dân với xấp xỉ 2 vạn nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Chia sẻ với tỉnh và bà con nói riêng, 26 địa phương có thiệt hại về người do bão số 3 nói chung, Phó Thủ tướng thông tin, tình hình mưa lũ ở một số tỉnh hiện nay rất đáng lo ngại. Bão, lũ đã gây thiệt hại rất lớn về người và của. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn gửi lời chia buồn tới 3 gia đình ở Lạng Sơn có người tử vong, chia sẻ với những thiệt hại cơn bão gây ra cho tỉnh, mong tỉnh cố gắng sớm khắc phục.
Lưu ý những giải pháp trước mắt, Phó Thủ tướng nhắc nhở Lạng Sơn theo sát diễn biến thời tiết, mưa lũ ở thượng nguồn, nâng cao cảnh giác, có giải pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản. Khu vực nào có nguy cơ ngập lụt, lũ, sạt lở, cần tiếp tục di chuyển người dân để đảm bảo an toàn tính mạng. Cùng với đó, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão, lũ, nhanh chóng ổn định đời sống và sinh hoạt.
Nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân là trên hết, trước hết, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp cận ngay những nơi bà con bị ảnh hưởng để hỗ trợ kịp thời, những địa bàn còn bị chia cắt phải lên phương án hỗ trợ về đồ ăn, thuốc men, nước uống. Chỉ những nơi nào thực sự an toàn mới đưa người dân quay trở lại, các khu vực còn nguy cơ ngập lụt, sạt lở, kiên quyết không cho người dân trở lại.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng chỉ đạo tỉnh đảm bảo thông suốt về giao thông, thông tin liên lạc, những điểm ách tắc giao thông cần tập trung lực lượng, máy móc phương tiện để khai thông. Vận hành hệ thống thủy lợi tập trung cao độ bơm tiêu nước ở những điểm ngập lụt, hạn chế thấp nhất ngập úng, nhất là những vùng lúa, màu. Đảm bảo cho học sinh nhanh chóng được đến trường đầy đủ.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn thị sát công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu vực nước ngập vừa rút ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN
Theo Phó Thủ tướng, bão mới lại tiếp tục hình thành ngoài Biển Đông, bão chồng bão, lũ chồng lũ, rất đáng lo ngại, do vậy, tỉnh không được chủ quan, tổng kết, rút kinh nghiệm từ các bài học phòng, chống bão số 3 để có phương án ứng phó với các trường hợp xảy ra trong thời gian tới.
Thăm và tặng quà các hộ dân ở Khu 1, thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng), người già neo đơn, tàn tật ở thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định), Phó Thủ tướng thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân khi nước sông dâng cao gây ngập nhà và hư hỏng tài sản, mong bà con sớm ổn định lại đời sống và sản xuất.
Thăm hỏi, tặng quà động viên lực lượng Quân sự, Công an huyện Văn Lãng, Tràng Định, Phó Thủ tướng nhắc nhở lực lượng vũ trang các cấp nắm tình hình thời tiết, kịp thời sơ tán người dân khi có diễn biến bất thường, huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả bão, lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, tính đến 11 giờ ngày 11/9, trên địa bàn tỉnh có 3 người chết, 10 người bị thương. Bão lũ, lụt làm hơn 9.600 ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng; trên 7.400 ha sản xuất nông nghiệp và trên 4.500 ha cây công nghiệp bị ảnh hưởng. Hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến đường.
Với sự chủ động tích cực của cấp ủy, chính quyền quan tâm ngay từ ban đầu, xác định hoàn lưu bão là rất nguy hiểm, tỉnh đã tổ chức di chuyển gần 4.500 hộ dân với khoảng 2 vạn nhân khẩu ra khỏi vùng ngập lụt, lũ, sạt lở, các khu vực nguy hiểm đến vị trí đảm bảo an toàn nên thiệt hại về người rất ít.
Việc đưa vào vận hành hồ chứa nước Bản Lải (huyện Lộc Bình), dung tích 160 triệu m3 đã giúp điều tiết nước hợp lý, cắt lũ cho vùng hạ du, nhờ đó, sông Kỳ Cùng vẫn chưa đến báo động 3, hạn chế nhiều thiệt hại.
Tỉnh đang tập trung chỉ đạo hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình thiệt hại về người và của theo quy định; khôi phục sản xuất nông nghiệp; quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đến nay, Lạng Sơn đảm bảo được việc cứu trợ cho người dân, không để người dân thiếu ăn, không có chỗ ở, thiếu nước uống. Tình hình ứng phó với mưa lũ trên địa bàn vẫn trong tầm kiểm soát.
Các tin khác
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.
Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.
Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.