Chuyển đổi số: Việt Nam, Nhật Bản thúc đẩy hợp tác về giải pháp công nghệ tiên tiến

  • Cập nhật: Chủ nhật, 7/7/2024 | 9:03:18 PM

Chiều 7/7, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã diễn ra lễ ra mắt Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam-Nhật Bản (VADX JAPAN).

Đại sứ Phạm Quang Hiệu phát biểu chúc mừng Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu phát biểu chúc mừng Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản.

Hiệp hội được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy hợp tác và chia sẻ các sáng kiến, giải pháp công nghệ tiên tiến giữa hai nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tham dự buổi lễ ra mắt có ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; ông Takebe Tsutomu, Cố vấn Đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt; ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, cùng đại diện các tổ chức như Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng như đại diện một số doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, từ thời điểm năm 2005 mới có doanh nghiệp CNTT đầu tiên của Việt Nam mở chi nhánh tại Nhật Bản, đến nay đã có hơn 60 doanh nghiệp mở chi nhánh hoặc thành lập mới tại Nhật Bản. Sự ra đời của VADX JAPAN đã đánh dấu một bước trưởng thành mạnh mẽ của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản với sự phát triển cả về uy tín, chất lượng, quy mô nhân lực, doanh thu và cơ hội phát triển trong tương lai.

Trong thời gian tới, hiệp hội sẽ đóng vai trò cầu nối, gắn kết hơn nữa cộng đồng các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam tại Nhật Bản, cùng nhau đi xa hơn với quyết tâm đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số, thiết thực đóng góp vào quan hệ hợp tác phát triển của hai nước, vì lợi ích của cộng đồng và người dân hai nước.

Thay mặt Ban chấp hành VADX JAPAN, Chủ tịch Đỗ Văn Khắc khẳng định hiệp hội không chỉ là nơi kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, mà còn được định hướng trở thành cầu nối vững chắc đưa những sáng kiến, giải pháp công nghệ từ Việt Nam đến Nhật Bản và ngược lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNTT của hai nước sẽ có nhiều cơ hội để cùng nhau hợp tác, góp phần quan trọng vào việc củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT đang thiếu hụt tại Nhật Bản hiện nay.

Theo kế hoạch, VADX JAPAN sẽ tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ số tiên tiến cho các thành viên trong hiệp hội. Bằng việc hợp lực dưới một đầu mối, các thành viên trong VADX JAPAN nói riêng và các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản nói chung sẽ có lợi thế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, xúc tiến đầu tư, thiết lập hợp tác với các doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản. 

Đối với việc phát triển nguồn lực, VADX JAPAN đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ hàng chục nghìn kỹ sư chất lượng cao tại Nhật và hàng trăm nghìn kỹ sư thành thạo tiếng Nhật tại Việt Nam. Qua đó, góp phần bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản, ước tính vào khoảng gần 800.000 người vào năm 2030 (theo số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản). Đặc biệt, nhân sự trong các mảng công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain và VR/XR sẽ được ưu tiên chú trọng trong bối cảnh Nhật Bản đang tích cực phát triển các công nghệ tiên tiến để xây dựng mô hình "Xã hội 5.0”.

Hiện nay, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản đang phát triển rất mạnh về cả số lượng và chất lượng. Trong đó, có hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 nhân sự như FPT, Rikkeisoft, VTI, NTQ, CMC... Tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp Nhật Bản đã lên tới gần 500 doanh nghiệp. Từ vai trò làm thuê ở các công đoạn đơn giản như lập trình và kiểm thử, tới nay các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam đều đã có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế đến triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain và VR/XR. 

Theo đánh giá của VADX JAPAN, nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản ước tính hơn 30 tỷ USD/năm, trong khi hiện tại các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam mới chỉ chiếm 6-7% thị phần. Do đó, tiềm năng và cơ hội để các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam tại Nhật Bản trong trung và dài hạn là rất lớn.

Với sự hợp tác chặt chẽ và tinh thần đổi mới sáng tạo, VADX JAPAN hướng tới mục tiêu đưa tổng doanh thu của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản đạt 1.000 tỷ yen (gần 7 tỷ USD) vào năm 2033, trở thành một tổ chức uy tín và vững mạnh, đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của hai quốc gia, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp và chuyên gia CNTT, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành CNTT và truyền thông.

Theo TTXVN

Các tin khác
Đỉnh cao đổi mới của Trung Quốc thực sự ngoạn mục - một kỳ quan về năng lực nhà nước và sự huy động nguồn lực chưa từng thấy trước đây trên hành tinh này. Ảnh: DJI

Sự đổi mới của Trung Quốc đang "bay cao", từ xe điện phủ kín công nghệ, điện thoại thông minh gập đầu tiên trên thế giới, đến taxi bay cá nhân, máy xây nhà...

Ngày 3/3, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra giữa xe tải và xe buýt ở miền Nam Bolivia, khiến ít nhất 15 người tử vong.

Tàu đổ bộ thông minh SLIM của Nhật Bản hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, ngày 20/1/2024.

Năm 2025 hứa hẹn sẽ có bước tiến lớn trong lĩnh vực không gian vũ trụ, khi nhiều quốc gia và công ty tư nhân chuẩn bị cho hàng loạt sứ mệnh khám phá Mặt Trăng và xa hơn nữa.

Madam Pang đã trả viện phí cho Xuân Son.

Chi phí khám chấn thương của Nguyễn Xuân Son trước khi về Việt Nam do Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan Nualphan Lamsam (Madam Pang) chi trả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục