Cục Di sản văn hóa “tuýt còi” việc làm sai lệch di sản: “Lằn ranh” nào cho việc nghiên cứu, quảng bá di sản?
- Cập nhật: Thứ năm, 10/8/2023 | 4:24:25 PM
Cục Di sản văn hóa vừa có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trình diễn trang phục của giá đồng tại không gian trường Đại học Nghệ thuật - ĐH Huế, tối ngày 2/8.
|
Thế nhưng trên thực tế, việc trình diễn di sản để nghiên cứu, bảo tồn hoặc vinh danh, quảng bá… là điều không thể thiếu. Vậy, có cần những quy định riêng về thực hành di sản trong những trường hợp này?
Câu chuyện từ Huế
Tối ngày 2/8, tại một sự kiện ở TP. Huế đã diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ngay sau đó đã có nhiều ý kiến đánh giá, màn trình diễn này đã vi phạm tới "tính thiêng”, gây nên những bức xúc cho các nghệ nhân, người thực hành di sản...
Chỉ một ngày sau, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có công văn gửi Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu làm rõ sự việc và có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.
Báo cáo về việc này, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sự kiện biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng nói trên nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế Kết nối Việt Nam lần thứ 14 "Sống cùng di sản, tái tạo/tạo di sản: Việt Nam và thế giới” do Engaging With Vietnam phối hợp với Sở VHTT, Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế cùng một số đơn vị trong nước và quốc tế tổ chức.
"Đây là một hình thức giới thiệu, trình diễn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước biết, là cách tiếp cận nhìn về di sản chứ không phải là hầu đồng ở đó. Đối tượng tham dự buổi trình diễn là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, không đưa ra cộng đồng” - TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế trần tình.
"Sân khấu hóa” di sản - chuyện thường ngày
Sự việc trình diễn hầu đồng tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, mong muốn quảng bá di sản thông qua nghệ thuật là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, quảng bá mà làm sai lệch di sản, suy giảm giá trị di sản, ảnh hưởng công tác quản lý nhà nước về di sản thì cần phải chấn chỉnh kịp thời. Bởi lẽ, khác với việc sử dụng các trang phục truyền thống như áo dài khăn đóng, áo tứ thân…, trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, trang phục được sử dụng trong các giá hầu có giá trị đại diện cho các vị thánh, mang "tính thiêng” và phải làm lễ trước khi mặc. Vì "áo Thánh đại diện cho Thánh, chỉ mặc khi hầu Thánh”, nên việc biểu diễn này bị coi là việc "đưa” Thánh lên sân khấu…
Phía Cục Di sản văn hóa cũng cho rằng, hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Huế vừa qua, dù không cố ý nhưng đã làm sai lệch di sản. Ở đây là việc đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản. Ngoài ra, vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ "tính thiêng”, những tập tục kiêng kỵ của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản.
Ở một góc độ khác, một số ý kiến lại cho rằng, di sản luôn luôn phải sống, phải thích ứng trong đời sống hiện đại. Trên thực tế, trong những năm qua, nhiều di sản gắn với tín ngưỡng đã chứng kiến việc "giải thiêng”, cùng với đó là việc "sân khấu hóa” di sản diễn ra mạnh mẽ. Chúng ta đã được chứng kiến hát Then ở các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên... được biểu diễn ở nhiều không gian khác nhau. Nhiều CLB hát Then được thành lập với mục đích quảng bá di sản, biểu diễn phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phát triển du lịch hoặc tham gia các Liên hoan, hội diễn từ cấp tỉnh tới toàn quốc. Hoặc như Mo Mường vốn là nghi lễ dân gian có "tính thiêng”, chỉ dùng khi tiễn biệt người đã khuất hoặc các dịp thanh minh, mát nhà, làm vía… thì nay cũng đã có hàng chục CLB với những hoạt động trình diễn, giao lưu ở nhiều không gian khác nhau. Hay như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan ở Phú Thọ ngày nay không còn chỉ bó hẹp trong việc trình diễn tại các đình đền mà có khi còn được xây dựng thành hẳn một chương trình hoành tráng...
Lý giải cho việc "sân khấu hóa” di sản, các chuyên gia văn hóa cho rằng, các di sản đều có rất nhiều giá trị văn hóa nổi bật, đặc sắc, có sức cuốn hút rất khó cưỡng, nên việc khai thác và đưa những giá trị đó vào biểu diễn là điều dễ hiểu. Nói "giải thiêng” là xét về văn hóa tín ngưỡng nói chung, nhưng ở góc độ khác, có thể coi sân khấu hóa là sự tôn vinh di sản.
Đâu là "ranh giới an toàn”?
Rõ ràng, trong công tác bảo tồn thì hoạt động trình diễn để nghiên cứu, tôn vinh hoặc quảng bá di sản là không thể thiếu. Vậy, việc thực hành di sản trong những trường hợp này như thế nào là hợp lý? Cố GS. Ngô Ðức Thịnh lúc sinh thời đã đưa ra nhận xét, sân khấu hóa các di sản văn hóa đó là cách "truyền thống tìm cách bước chân vào xã hội hiện đại”; việc giữ di sản ở dạng sân khấu hiện đại nhằm mục đích giúp cho sự hồi tưởng của người xem. Tuy nhiên, việc biến sân khấu thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng thì lại trở thành lố bịch, không phù hợp; vì vậy, không nên lạm dụng các hình thức sân khấu hóa di sản.
Trở lại với sự việc mới xảy ra tại Huế, trao đổi với NB&CL, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá Quốc gia cho rằng, đây là sự việc không hay và đã gây dư luận không tốt. Ở đây, lẽ ra cơ quan quản lý Nhà nước địa phương phải có vai trò quan trọng hơn, vừa tạo điều kiện cho các thành phần tham gia hoạt động nghiên cứu, quảng bá di sản, vừa hướng dẫn họ tuân thủ các quy định. "Cơ quan quản lý Nhà nước phải là "bà đỡ”, đồng hành, không can thiệp, không làm thay nhưng đừng "chiều” họ và phải đảm bảo đúng pháp luật” - ông Bài nói.
PGS.TS Đặng Văn Bài cũng nhấn mạnh, việc quảng bá, giới thiệu di sản là cần thiết nhưng phải đúng không gian, thời gian, đặc biệt đối với hầu đồng thờ Mẫu phải có không gian riêng. Đối với các loại hình di sản khác, việc quảng bá cũng cần tôn trọng không gian thực hành của di sản đó, bởi trình diễn di sản phải gắn chặt với cộng đồng - nơi sản sinh ra di sản.
"Bảo tồn di sản văn hóa phải diễn ra ngay tại cộng đồng, trong cộng đồng và vì cộng đồng, đó là phương châm mà UNESCO khuyến khích. Trong sự việc vừa qua, cả hai phía cần phải rút kinh nghiệm. Đặc biệt là phải thực hiện các quy định pháp luật cho nghiêm, bởi lẽ cơ quan quản lý không cho phép thì nhóm nghệ nhân thanh đồng sẽ không thể trình diễn được. Còn phía cộng đồng cũng đừng kiến nghị những điều trái với quy định. Vì làm vậy sẽ chỉ làm giảm giá trị của di sản mà thôi” - PGS.TS Đặng Văn Bài nêu ý kiến.
Bộ VHTTDL đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Dự thảo Nghị định nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm quyền thực hành di sản của chủ thể; giữ gìn các giá trị, biểu đạt, hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật, vật thể và không gian liên quan của di sản; bảo đảm tính chỉnh thể và liên tục thực hành của di sản; bảo đảm thể hiện, truyền tải đúng bản chất, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Điều chỉnh hoặc loại bỏ các thực hành di sản văn hóa phi vật thể tạo ra xung đột, mâu thuẫn trong chính cộng đồng đó hoặc với cộng đồng lân cận; thực hành sai lệch hoặc truyền tải không đúng giá trị, bản chất của di sản... |
Theo Báo NB&CL (NQ)
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.