Phát huy giá trị di sản văn hóa võ cổ truyền Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/8/2023 | 3:44:01 PM

Trong bối cảnh đương đại, võ cổ truyền đã và đang dần bị mai một, thất truyền, do đó cần sự chung sức đồng lòng của các võ sư (nghệ nhân), của cộng đồng người yêu võ thuật truyền thống, cũng như toàn xã hội để bảo tồn và phát triển loại hình di sản văn hóa này. Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam-Bình Định 2023 vừa diễn ra với chủ đề “Võ cổ truyền Việt Nam-Khát vọng vươn xa” đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này.

Một tiết mục trình diễn của môn phái Bình Định Gia.
Một tiết mục trình diễn của môn phái Bình Định Gia.

1/ Võ cổ truyền là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại trên khắp mọi miền Tổ quốc, đây vừa là nguồn tài nguyên, tài sản của cộng đồng, vừa góp phần làm giàu bản sắc dân tộc.

Từ xưa đến nay, võ cổ truyền đã gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của các dân tộc Việt Nam. Các môn phái võ là do cha ông ta sáng tạo hoặc được Việt hóa để phù hợp thể lực và triết lý nhân sinh quan của người Việt. Trải qua các thời kỳ lịch sử, dân tộc ta đã xây dựng được nền võ thuật cổ truyền đặc trưng với nhiều môn phái khác nhau. Theo các chuyên gia, võ cổ truyền Việt Nam gồm 5 môn phái: Tổ Hà Thanh (miền bắc); Tổ Bình Định (miền trung); Tổ phương Nam (Nam Bộ); các môn phái có nguồn gốc từ Trung Quốc và võ Việt kiều. Đặc trưng của võ cổ truyền là đấu trực diện, sử dụng trong chiến trận, chống ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên hoang dã, săn bắt, bảo vệ nhà cửa… với tính chất linh hoạt, mềm dẻo.

Bình Định vốn được coi là cái nôi của võ thuật miền trung, gắn liền với triều đại Tây Sơn (1778-1802). Trải qua thời gian dài phát triển, đến nay Bình Định có nhiều võ phái và các vùng lân cận như roi Thuận Truyền, An Thái, An Vinh, cùng các loại võ do gia đình hoặc các võ sư truyền dạy như Tây Sơn Nhạn, Thanh Long võ thuật, Bình Định Gia, Bình Định Sa Long Cương, Tân Sơn Bạch Long, Tây Sơn Thiếu Lâm, Tiên Long Quyền Đạo… Ngoài vùng đất Bình Định, các tỉnh miền trung-Tây Nguyên cũng có nhiều môn võ cổ truyền đặc sắc như Tân Khánh Bà Trà tại Khánh Hòa hay Tân Gia Quyền tại Quảng Ngãi… Có thể thấy, một hệ thống võ thuật phương Nam với sự phong phú, pha trộn từ các nhóm Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An, đồng bằng sông Hồng… đã tạo nên một nền Võ thuật cổ truyền Việt Nam uyên bác, đồ sộ mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Võ sư Ngô Xuân Bính, Trưởng môn phái Nhất Nam cho biết, tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học, lại may mắn được truyền thụ khá đầy đủ một trong những dòng võ, vùng võ cổ truyền của dân tộc. Với nhiều năm nghiên cứu làm khoa học về các vấn đề võ thuật với các giáo sư đầu ngành, tôi càng nhận rõ giá trị của nền võ thuật cổ truyền Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, gây dựng nguồn lực lao động có chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… Bởi thế, ngay từ thuở sơ khai, bất cứ dân tộc nào nếu muốn tồn tại cũng phải tìm được cho mình một hình thức tự vệ có hiệu quả cao nhất. Và võ thuật ra đời là để đánh thắng những âm mưu xâm lấn, chống đồng hóa của giặc ngoại bang, giữ vững lãnh thổ, quyền tự chủ và bản sắc dân tộc. Mặt khác, võ thuật không chỉ để chiến đấu trên chiến trường mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gây dựng thế trận sức dân, giúp tạo nên một dân tộc mạnh mẽ, duy trì sức sống trường tồn của giống nòi. Từ đó hun đúc nên thần khí, thần lực, trí lực và tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân, giúp dân tộc ta sẵn sàng đối mặt và vượt qua những thách thức tồn vong trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Phát huy giá trị di sản văn hóa võ cổ truyền Việt Nam ảnh 1

Môn sinh nước ngoài trình diễn giao lưu võ thuật tại Liên hoan.

2/Trong những năm qua, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi hội thảo khoa học, thành lập các nhóm nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khôi phục và bảo tồn võ thuật cổ truyền Việt Nam, đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu với những triển vọng khả quan. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, cùng nhiều yếu tố tác động khách quan, nền võ thuật nước nhà đã và đang đối mặt nguy cơ mai một, lai tạp, mất gốc và là một tổn thất rất đau lòng đối với những người yêu võ thuật.

Vì thế, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung, trong đó có việc bảo tồn, khôi phục các bài võ cổ, lò võ cổ, võ miếu đã được coi là nhiệm vụ then chốt của Đề án "Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”. Với tinh thần đó, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam đã tích cực triển khai công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của võ cổ truyền và đã khôi phục được một số bài quyền cổ. Ngoài các bài quyền tự chọn, tinh hoa của từng môn phái, qua các kỳ hội nghị chuyên môn, hội thảo tập huấn, các võ sư đã cùng nhau thảo luận để thống nhất tuyển chọn được 18 bài quyền, binh khí. Trong đó, có 10 bài quyền được quy định thi đấu trong các giải võ thuật cổ truyền cấp quốc gia, quốc tế là hùng kê quyền; ngọc trản quyền; lão mai quyền; thanh long độc kiếm; siêu xung thiên; phong hoa đao; thái sơn côn; độc lư thương; lão hổ thượng sơn và song tuyết kiếm. Hiện nay, tại Bình Định cũng đã tập trung đầu tư, nâng cấp các lò võ tiêu biểu ở các huyện Tây Sơn, An Nhơn và Tuy Phước để phục vụ các kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam. Các lò võ này đều được nâng cấp theo tiêu chí có lối đi thông thoáng; có bãi đậu xe; môi trường xanh, sạch, đẹp; có nhà vệ sinh; nơi tập luyện, biểu diễn thích hợp để có thể đáp ứng nhu cầu của các đoàn võ thuật đến từ nhiều nơi cả trong và ngoài nước.

TS Vũ Diệu Trung, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, đối mặt sự phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những vấn đề xã hội như đời sống kinh tế được nâng cao nhưng thể chất con người suy giảm, bệnh tật, nạn bạo lực học đường diễn ra triền miên… đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp mang tính chiến lược lâu dài để xây dựng con người Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, trau dồi tinh thần yêu nước. Do đó, trách nhiệm của những người làm quản lý di sản văn hóa là cần phải đưa ra định hướng lâu dài mang tính khả thi. Thí dụ như hằng năm cần xây dựng chương trình định kỳ tuyên dương những người tham gia tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền tại địa phương và coi đây là một trong những tiêu chí xét tấm gương điển hình tiên tiến tại địa phương. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xuất bản những ấn phẩm về võ cổ truyền chuyên sâu một cách dễ học, dễ hiểu, có thể truyền thụ rộng rãi trong cộng đồng để quảng bá, phổ biến các bài bản, chiêu thức trong nhân dân, tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn xã hội…

Võ cổ truyền Việt Nam phát triển cho đến ngày nay, ngoài vai trò là di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, còn là bộ môn thể thao mang tính đối kháng có những quy định chặt chẽ trong chiêu thức, luật lệ thi đấu. Qua quá trình phát triển, võ cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là rèn luyện kỹ năng, khả năng tự vệ, nâng cao thể lực con người mà còn khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và nhân văn của con người Việt Nam.

Theo Báo NDĐT (NQ)

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục