Thắp “lửa” cho nghệ thuật truyền thống (kỳ 1)

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/8/2023 | 3:16:50 PM

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Việt Nam có lịch sử lâu đời và kết tinh những giá trị độc đáo, phản ánh sức sáng tạo dân gian cũng như tính đa dạng văn hóa vùng miền trên khắp đất nước. Thế nhưng hiện nay, có lẽ nỗi niềm chung đau đáu nhất của tất cả các thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi, đó là dấu hiệu mai một của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trong tâm trí thế hệ trẻ.

Rối nước, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc cũng đứng trước thực trạng chưa thu hút được khán giả. Ảnh: TVNPT
Rối nước, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc cũng đứng trước thực trạng chưa thu hút được khán giả. Ảnh: TVNPT

Kỳ 1: Những người yêu vốn cũ, tìm ở đâu bây giờ?

Những "món ăn tinh thần” truyền thống này là một phần quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam và đã được bảo tồn và truyền lại qua nhiều thế hệ. Chúng không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là một cách để thể hiện và duy trì nhận thức về văn hóa và lịch sử dân tộc của các thế hệ đi sau.

Một thời vàng son đáng nhớ

Vào một ngày tháng 7 dịu trời, chúng tôi có dịp được trò chuyện với những ngôi sao một thời thuộc Đoàn Cải lương Chuông Vàng (nay là Nhà hát Cải lương Hà Nội), nghe các cô kể về một thời "chinh chiến” trong nam, ngoài bắc, ẵm về nhiều giải thưởng danh giá lúc bấy giờ.

"Những năm 1978, từ Vinh vào miền nam, Đoàn Chuông Vàng không ai là không biết, có tháng chạy sân khấu liên tục, khán giả đón chờ, ngồi chật cả khán phòng, người dân lúc ấy còn phe vé để bán lại kiếm lời, được khán giả ái mộ và đón chào không khác gì các ngôi sao bây giờ”, nghệ sĩ Phí Thị Vinh hoài niệm về một thời làm ngôi sao trên sân khấu.

Giống như cải lương, nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống khác cũng đã đi cùng những thăng trầm thời gian, có lúc hưng thịnh có lúc chậm lại. Song, các câu hát nghệ thuật ấy, dù ở thể thức nào vẫn là một phần lịch sử, một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những câu hát dân ca, câu hò đã ra đời từ rất lâu đời, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của biết bao thế hệ đi trước. Những giai điệu đã góp phần tạo nên cái nôi nuôi dưỡng những phẩm chất đáng quý của người Việt: hiền hậu, ôn nhu và sâu lắng, tình cảm. Trong lúc chiến tranh, đó là lời hò reo cổ vũ tinh thần khiến mỗi người dân bản lĩnh hơn trong vai trò người lính. Trong thời bình, đó là lời động viên, rủ nhau sản xuất, tăng gia để giữ cho đời sống ấm no hạnh phúc, là ngợi ca tình làng, nghĩa xóm tắt lửa tối đèn có nhau.

Ông Phan Hữu Sào (80 tuổi) chia sẻ, từ những năm 1966, khi còn làm việc tại đài phát thanh huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), ông đã được nghe rất nhiều những bài dân ca ví, giặm qua chiếc loa treo trên cái cây cao nhất đầu làng. Điệu ví, giặm à ơi đi cùng với những ngày lao động hăng say, với tinh thần chiến đấu bất khuất. Không chỉ là câu hát, ví, giặm là tất cả những gì đẹp nhất về đời sống tinh thần của người dân lam lũ và nhờ đem lòng yêu câu hát ví, giặm, ông đã thành đôi với một người con gái Nghi Xuân dịu dàng trong câu giao duyên tình tứ, cũng là người vợ cùng ông ra bắc sinh sống cho đến bây giờ.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, tuồng, chèo, ca trù… không chỉ đơn thuần là những môn biểu diễn mà còn gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân Việt Nam. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ và dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại lần lượt vào các năm 2009, 2013 và 2014. Nhã nhạc cung đình Huế đã được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003. Hát Ca trù của người Việt, hát xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào năm 2009 và 2011.

Bên cạnh đó còn có nhiều những loại hình nghệ thuật truyền thống khác gắn bó lâu đời như chèo, tuồng, múa rối nước…, là những môn nghệ thuật không thể thiếu của văn hóa và tâm hồn của người Việt xưa.

Không phải tất cả giới trẻ đều thiếu quan tâm đối với nghệ thuật truyền thống. Vẫn có những cá nhân và nhóm người trẻ đang nỗ lực để tìm hiểu, bảo tồn và truyền bá các loại hình nghệ thuật này. Sự quan tâm và kế thừa của giới trẻ đối với nghệ thuật dân gian phụ thuộc vào việc xây dựng môi trường thích hợp, giáo dục và truyền bá cho họ về giá trị và ý nghĩa của nghệ thuật dân gian. Cần có sự hỗ trợ và khuyến khích từ các tổ chức văn hóa, trường học và cộng đồng để tạo ra cơ hội và không gian cho giới trẻ thể hiện, khám phá nghệ thuật dân gian.

"Nốt trầm” của nghệ thuật truyền thống

Những loại hình nghệ thuật này dẫu có một thời vàng son là vậy, thế nhưng qua sự phát triển của văn hóa nghệ thuật hiện đại đang dẫn đến thực tại vô hình bị mai một. Theo ông Phạm Hữu Dực (Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), "nghệ thuật truyền thống chắc chắn không bao giờ mất đi được vì nó đã trở thành văn hóa của cả một dân tộc, chỉ là lúc thịnh lúc suy, lúc nồng nhiệt lúc lại quá trầm xuống tưởng như biến mất”.

Giữa thời kỳ của kỹ thuật số và công nghệ phát triển như vũ bão và đa mầu sắc, nhiều di sản văn hóa truyền thống đang dần chìm trong sự hỗn độn. Sắc thái hoài cổ và xưa cũ của các loại hình nghệ thuật dân gian từ nhạc cụ truyền thống, ca múa đến múa rối, câu hát, câu hò trong nhiều thời điểm, có nguy cơ dần trở thành những dấu ấn kỷ niệm tồn tại trong quá khứ thay vì song hành cùng thời gian, thể hiện sức sống và ý nghĩa sâu sắc mà chúng vốn là đại diện.

Theo một khảo sát nhỏ nhóm phóng viên Thời Nay thực hiện, 100 bạn trẻ trong độ tuổi từ 16-30 được hỏi, có đến 80% các bạn trẻ không biết đến các loại hình nghệ thuật như chèo, cải lương, đờn ca tài tử... hầu hết câu trả lời là "loại nhạc xưa của ông bà”. Gần 90% đều không chọn các ngành nghề liên quan vì cho rằng, giờ thị hiếu của người xem đã thay đổi không ai còn quan tâm, chính vì vậy, cơ hội làm kinh tế từ nghề cũng khó đi.

Bạn Nguyễn Mai Vy (sinh viên năm 2 Trường đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ, em hầu như không biết gì về những loại hình nghệ thuật này, bình thường em thường nghe nhạc trẻ, đôi lúc có nghe giao hưởng. Một chia sẻ khác của bạn Bùi Quang Huy (sinh năm 1996), lần cuối cùng mình được xem cải lương chắc từ hồi 3 tuổi rồi, đến hiện tại hầu như không có ý niệm gì về những loại hình này, phải chăng có mấy lần đi ăn được xem qua quan họ và múa rối nước.

Trong các gia đình hiện nay, nghệ thuật dân gian thường ít được cha, mẹ chú trọng trong chương trình học của con em. Giới trẻ ít được tiếp cận và được giáo dục về tầm quan trọng của di sản văn hóa và giá trị của các loại hình này trong tương lai. Tình trạng thiếu hệ thống chương trình giáo dục và nguồn tài liệu cấu trúc về nghệ thuật dân gian khiến cho giới trẻ thiếu hiểu biết và khả năng đánh giá đúng giá trị của các loại hình nghệ thuật vốn giàu giá trị này. Thay vì được khuyến khích và truyền cảm hứng để tìm hiểu và tham gia vào nghệ thuật dân gian, giới trẻ thường được định hình và khuyến khích theo các mô hình giáo dục truyền thống, tập trung vào kiến thức học thuật và kỹ năng công việc.

Thêm vào đó, sự phổ biến của các phương tiện truyền thông hiện đại cũng góp phần làm giảm đi sự quan tâm của giới trẻ đối với nghệ thuật dân gian. Các phương tiện truyền thông, bao gồm truyền hình, phim ảnh và mạng xã hội, thường tạo ra một cảm giác khác biệt về giá trị và thẩm mỹ. Các hình thức nghệ thuật dân gian truyền thống thường không được tái hiện và quảng bá rộng rãi trên các phương tiện này, trong khi các hình thức giải trí hiện đại như nhạc pop và phim Hollywood, Kpop… lại chiếm ưu thế. Điều này dẫn đến sự thiếu cân nhắc và khả năng đánh giá đúng giá trị của nghệ thuật dân gian trong mắt giới trẻ. Lâu dần, những âm thanh của tuồng, chèo, những tiếng đàn dân tộc dần mờ nhạt, đôi khi còn biến mất trong hành trình trưởng thành của nhiều người.

(Còn nữa)

Theo Thời Nay (NQ)

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục