Thắp “lửa” cho nghệ thuật truyền thống (kỳ 2) Kỳ 2: Băn khoăn hướng đi trong thời đại số
- Cập nhật: Thứ ba, 22/8/2023 | 3:42:57 PM
Trong kỷ nguyên truyền thông phát triển hiện nay, các môn nghệ thuật truyền thống không thiếu “kênh” tiếp cận và phổ biến tới đông đảo công chúng. Tuy nhiên, khi thị hiếu thay đổi nhanh chóng tới từng ngày, thì việc đổi mới hình thức nhưng vẫn giữ cốt lõi văn hóa truyền thống đang là bài toán nan giải. Cuộc sống của các nghệ sĩ cũng vì thế vẫn khó khăn theo…
Dàn nhạc tre nứa Việt Nam kết hợp với nghệ sĩ piano. Ảnh: SSM
|
Nỗi lo thích nghi để tồn tại
Không gian sân khấu nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh người xem "bội thực” các hình thức giải trí ngày càng bị thu hẹp, mờ nhạt trong tâm thức nhiều người. Âm nhạc hiện đại thịnh hành, người xem ngày một ít, thiếu người đam mê… sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu trên. Nhìn chung, đây là một xu thế không thể tránh khỏi đối với các nét văn hóa truyền thống nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng, khi xã hội hiện đại phát triển, cởi mở và giao thoa với các nền văn hóa khác trên thế giới.
Một nguyên nhân có thể nhận thấy là do tính đặc trưng của không gian diễn xướng. Không còn đơn thuần là hát, múa với những đạo cụ mộc mạc như trước mà giờ còn có sự hỗ trợ của nhiều thiết bị như nhạc đệm điện tử, đàn organ hiện đại... Sự pha trộn đó khiến nhiều thể loại không còn giữ được bản chất nguyên vẹn, ngay cả những người từng thể hiện đến bây giờ nghe còn khó phân biệt thì việc người trẻ không nhận ra đó là âm nhạc truyền thống là điều không thể tránh khỏi. Nghệ sĩ Trương Ngọc Băng, diễn viên Đoàn Cải lương Chuông Vàng nhận xét: "Vừa trải qua được một thời vàng son vừa nhìn thấy sự chuyển mình của cải lương trong xã hội hiện đại, thế kỷ 20 và 21, các bài diễn bây giờ pha tạp lẫn nhau, nếu xét về chuyên môn thật sự không thấy hay, nhưng mình phải chấp nhận để phù hợp với đại chúng”.
Nữ nghệ sĩ chia sẻ thêm, đã có một thời gian diễn ra tình trạng "khi cho ăn món chính phải có thêm món phụ” để chiều lòng người xem. Muốn diễn được cải lương thì phải kết hợp các tiết mục nhạc mới để thu hút công chúng mua vé, sau đó mới diễn cải lương. Hiện tại, hình thức này vẫn thường xuyên phải diễn ra, mỗi tối cuối tuần tại ngã tư Hàng Bạc - Lương Ngọc Quyến (Hà Nội), đoàn cải lương vẫn diễn trích đoạn từ các vở, nhưng thời gian không nhiều, phân nửa dành cho những bài hát nhạc mới.
Trước sự tinh giản bộ máy, nhiều đoàn nghệ thuật ở địa phương phải gộp chung vào một đoàn của tỉnh, gián tiếp khiến cho cơ hội việc làm của các bạn sinh viên mới ra trường bị thu hẹp. Theo Phó Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc truyền thống Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Trung tá, NSƯT Lê Thị Vân Mai, có những người ra trường tìm được việc làm đúng ngành, đúng nghề. Một số môn như múa rối nước, nhạc cụ dân tộc… thậm chí còn "đắt hàng”, sinh viên ra trường sẽ được các đoàn nghệ thuật chào đón. Nhưng đó chỉ là số ít trong số sinh viên ra trường hằng năm. Khi âm nhạc bị gán mác "cổ”, tức là chỉ dành cho người lớn tuổi thì nhiều người trẻ đã rụt rè trong việc đưa những câu hát này đến với công chúng.
Chính vì vậy, việc kết hợp giữa âm nhạc dân gian và nhạc hiện đại là điều tất yếu phải làm trong thời đại hiện nay nếu muốn tồn tại. Tất nhiên, hòa trộn chứ không hòa tan là căn bản khi kết hợp giữa xưa và nay, phải làm sao vẫn giữ được nét truyền thống mà vẫn bắt tai, bắt mắt người nghe thì mới phù hợp thị hiếu.
Sự hấp dẫn của công nghệ số và tính tiện lợi của các hình thức giải trí hiện đại khiến cho nhiều giá trị và nghệ thuật truyền thống trở nên nhạt nhòa và ít hấp dẫn trong mắt công chúng trẻ tuổi. Các nhạc cụ truyền thống, ca múa dân gian và các hình thức biểu diễn truyền thống đã không phải là những điểm đến quen thuộc của giới trẻ. Đồng thời, các loại hình này tuy mang đậm bản sắc dân tộc nhưng chỉ được đầu tư bài bản, trình diễn ở các chương trình đặc biệt, hay sự kiện giao lưu văn hóa… chứ ít được đầu tư thương mại, quy mô hướng tới công chúng. Do đó, mức độ nhận biết cũng giảm nhiều với đa số người xem.
Thầy Quỳnh cũng thừa nhận học sinh học các ngành văn hóa nghệ thuật ra trường có ít cơ hội tìm kiếm việc làm so các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, hoạt động giữa cơ sở giảng dạy và đơn vị sử dụng trên địa bàn chưa gắn kết. Trong khi đó các đơn vị giảng dạy ngoài công lập đào tạo âm nhạc lại có xu hướng phát triển theo kiểu nâng cao dân trí.
Còn nan giải vấn đề đào tạo
Thời gian đào tạo chính quy cho các môn nghệ thuật truyền thống kéo dài hơn các môn nghệ thuật hiện đại vì đòi hỏi người học phải có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, các môn nghệ thuật truyền thống thường có những quy tắc và nghi thức phức tạp mà người học cần phải nắm vững sao cho hài hòa với thuần phong mỹ tục. Người học nếu không phải đi theo con đường "nối nghiệp” thì đều phải chuẩn bị cho mình một tinh thần kiên trì và sự đam mê trước rất nhiều khó khăn.
Theo thầy Phạm Hữu Dực, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, số sinh viên theo ngành Kịch hát dân tộc trước đây nằm trong những ngành mũi nhọn của trường khi có rất nhiều, lên đến hàng trăm sinh viên tham gia đăng ký học. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, con số đó suy giảm một cách đáng báo động. Khóa 40 chỉ có 15 sinh viên chia vào hai lớp chèo và cải lương, khóa 41 chỉ có 27 sinh viên chia vào hai lớp nhạc công và chèo. Còn khóa 42 gần đây nhất có 20 sinh viên chia vào ba lớp nhạc công, chèo và múa rối. Mặc dù đối với ngành học này, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ 70% học phí.
Lý giải cho vấn đề này, thầy Dực cho biết, có thể nhiều bạn đi học theo con đường cha truyền con nối, sau khi học trung cấp khoảng 6 năm đã có thể làm nghề và kiếm sống bằng nghề, nên chỉ một số người cần bằng đại học hoặc muốn học lên cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ... hay làm tại đơn vị sân khấu thuộc Nhà nước mới tiếp tục học cao hơn.
Bên cạnh thời gian, chương trình giảng dạy cũng là một yếu tố khiến cho nhiều người học cảm thấy giảm sự hứng thú trong quá trình học. Các giảng viên trong các cơ sở đào tạo đều là những người có bề dày kinh nghiệm trong công tác đào tạo, có đủ kiến thức và kỹ năng sư phạm để truyền đạt cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, về giáo trình cơ bản lại không có sự đổi mới phù hợp với tâm lý người học và người nghe.
Bạn Lê Hồng Phong (cựu sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), suốt những năm tháng theo học, chỉ có một số bài như "Tứ quý”, "Chung một niềm tin”, "Những cánh hoa ban”… được đưa vào bài diễn dàn nhạc dân tộc, bài kiểm tra, bài tốt nghiệp, diễn đi diễn lại. Bản thân những bài nhạc này rất hay, tuy nhiên nếu không có những tác phẩm mới thì cả người học lẫn người thưởng thức đều cảm thấy nhàm chán, không có cơ hội làm mới mình. Bên cạnh đó, nhạc sĩ sáng tác nhạc dân tộc khá ít, các tác phẩm để có thể đem lên sân khấu không quá đồ sộ. Mọi sự thay đổi lúc này lại trông chờ vào người học, sáng tạo làm sao để âm nhạc dân tộc có những bài hát nổi thật sự, đến mức đem được chất liệu âm nhạc ghi sâu vào lòng người nghe.
So sánh quy mô của các dàn nhạc công - một phần không thể thiếu trong bất cứ phần trình diễn âm nhạc dân tộc nào thì cả nước chỉ có khoảng 2, 3 dàn nhạc thuần nhạc cụ truyền thống, chưa là gì so với các nước trên thế giới. Chị Bùi Phú An (thành viên dàn nhạc Suc Song Moi Bamboo Ensemble - nhóm nhạc công chuyên nghiệp về nhạc cụ dân tộc) là người có cơ hội tham gia trình diễn giao lưu văn hóa cả trong và ngoài nước nhận thấy rằng, Việt Nam rất ít những ban nhạc chỉ nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp, so nước ngoài thì nước họ rất trội và làm mạnh, từ đường phố đến thính phòng. Đây có thể là một yếu tố kìm hãm sự phát triển của âm nhạc truyền thống trên con đường tiếp cận đến nhiều người nghe hơn.
Theo thầy Lê Mạnh Quỳnh (Trưởng khoa Nghệ thuật biểu diễn dân ca quan họ, Trường trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh), hiện tại đang là khó khăn chung của các trường đào tạo nghệ thuật về tuyển sinh đầu vào. Nguyên nhân trước hết là các em chưa mặn mà, yêu thích với các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Các hoạt động hướng nghiệp của các trường từ THCS đến THPT đều tập trung vào các trường đại học, cao đẳng chính quy, hạn chế trong việc định hướng học năng khiếu văn hóa nghệ thuật, lựa chọn học các ngành học âm nhạc là một lựa chọn cuối cùng khi không thể có con đường khác.
(Còn nữa)
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.