Truyền thông - Hãy “trợ lực” hiệu quả cho di sản

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/9/2023 | 8:13:34 AM

Truyền thông di sản là nguồn lực hỗ trợ mạnh mẽ giúp phát huy những giá trị đồng thời bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng như với các di sản văn hóa nói chung.

Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt là di sản được UNESCO ghi danh, chỉ được cộng đồng thực hành trong không gian thiêng.
Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt là di sản được UNESCO ghi danh, chỉ được cộng đồng thực hành trong không gian thiêng.

Nguồn lực hỗ trợ quan trọng

Trong truyền thống, cộng đồng sở hữu thực hành và tự lan tỏa các giá trị di sản của mình theo cách "hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy vậy trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, vai trò của truyền thông trở nên quan trọng khi hỗ trợ di sản văn hóa phi vật thể lan tỏa cho nhiều người biết, nhiều người thích, nhiều người yêu, rồi nhiều người sưu tầm, nhiều người đến, nhiều người mua…

Qua truyền thông, hình ảnh của di sản được quảng bá rộng rãi, những nét văn hóa đặc sắc được giới thiệu với các vùng khác và quốc tế để hiện dần lên vẻ đẹp Việt Nam lâu nay vẫn còn tiềm ẩn. Cũng qua đó, sản phẩm (cả hữu hình và vô hình) của/về di sản và cả vùng di sản được tiêu thụ, được phát triển… Đó là cách truyền thông gián tiếp thúc đẩy, cùng với cộng đồng sở hữu di sản, phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa ở vùng có di sản nói riêng và thúc đẩy phát triển sức mạnh mềm của quốc gia nói chung.

Những người truyền thông di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là các cơ quan báo chí, các trang tin điện tử mà rộng hơn còn gồm cả các cán bộ văn hóa, các cơ quan văn hóa, những người tạo ra các sản phẩm văn hóa, những người tổ chức các sự kiện văn hóa, cả các hướng dẫn viên thuyết minh về các loại hình di sản cho du khách... Đây là nguồn lực hỗ trợ mạnh mẽ cho di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục "sống” và phát triển trong xã hội đương đại, hướng tới tương lai.

Làm gì để vừa phát huy và bảo vệ tốt hơn?

"Thực hành di sản” là hoạt động quan trọng nhất đối với di sản văn hóa phi vật thể. Chỉ qua "Thực hành”, di sản mới (tự) chứng minh được sức sống, được trao truyền và biến đổi, phát triển.

Việc tổ chức quảng bá di sản, trình diễn, biểu diễn để giới thiệu tinh thần và hình ảnh của di sản luôn là điều cần thiết. Đây là công việc cốt yếu của truyền thông để lan tỏa các giá trị của di sản, cũng là việc phù hợp xu thế phát triển công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, trong khi xúc tiến tích cực công việc này cần đặc biệt chú ý tới không gian văn hóa của/mà di sản văn hóa phi vật thể đó tồn tại, tôn trọng cộng đồng và nhấn mạnh sự đồng thuận của cộng đồng. Ra khỏi không gian văn hóa của/mà nó tồn tại thì di sản văn hóa phi vật thể không còn là di sản nữa. Trong giới truyền thông, thậm chí cả một số nhà nghiên cứu, vẫn còn nhầm lẫn giữa Trình diễn và Thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt ở loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian. Những hoạt động trình diễn, giới thiệu văn hóa cần định danh chính xác là "mô phỏng”, "chuyển tải hình ảnh của di sản” chứ không phải là "thực hành di sản” để không gây những hiểu lầm cho công chúng và cả những mâu thuẫn trong chính cộng đồng thực hành di sản.

Khi tiếp cận và sử dụng các thành tố của di sản gắn với tín ngưỡng, có tính thiêng để truyền thông, trình diễn, biểu diễn hay để phục vụ sáng tạo văn hóa, cần hiểu và tuân thủ Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tinh thần Công ước 2003 Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cũng như phải tôn trọng cộng đồng nắm giữ di sản, tôn trọng tài sản, bản sắc văn hóa của họ. Có những thành tố/bộ phận của di sản không được phép mang ra biểu diễn hay trình diễn dù vì bất cứ lý do nào như tục hèm, vật cấm kỵ, vật thiêng, nghi lễ mật… nhưng lại "được” truyền thông làm nổi bật như "một nét đặc sắc” của lễ hội, của di sản, thậm chí còn được livestream như một sự "giật gân” (!) không ngoài mục đích tăng view, tăng tương tác cho bài báo, trang báo... Lỗi đó có thể chưa phải do cố ý hoặc chỉ đơn giản là làm cho người đưa thông tin thấy "oai” hơn (!) nhưng "lợi (đã) bất cập hại”. Truyền thông di sản phải đáp ứng được "tiêu chuẩn kép”: Vừa theo đúng tôn chỉ mục đích tuyên truyền, phát triển văn hóa, vừa tôn trọng và hợp tác, hỗ trợ với cộng đồng thực hành di sản.

Trong khi quảng bá, lan tỏa giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, điều đầu tiên cần những người làm truyền thông Hiểu đúng để tránh Làm sai. Có hiểu đúng mới truyền thông đúng. Trên cơ sở Hiểu đúng, những người làm công tác truyền thông còn có thể đối chiếu, phát hiện những điều sai lạc, những biểu hiện lợi dụng "thực hành di sản” (thương mại hóa di sản dưới danh nghĩa phát triển sản phẩm văn hóa cho du lịch, "buôn thần bán thánh”, mê tín dị đoan để trục lợi…) và góp phần sửa chữa. Đây cũng là cách bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tích cực nhất.

PGS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật Việt Nam: Vai trò quan trọng của truyền thông (cho) di sản văn hóa phi vật thể là nâng cao nhận thức về di sản. Trên cơ sở nhận thức được nâng cao, truyền thông cũng góp phần tạo sự đồng thuận trong cộng đồng sở hữu di sản và trong cả xã hội nói chung. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng để UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể.

NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thờ Mẫu và hát văn Hà Nội: Di sản tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt cần thực hiện các nghi lễ trong đền, điện, phủ. Cộng đồng thực hành di sản không "trình diễn” niềm tin thiêng liêng, truyền thống, bản sắc họ được truyền lại. Họ cũng không thể giao tiếp với thần linh ở nơi "không có thần linh” như sân vận động, nhà hát, sân khấu hay trường đại học… - các không gian đó không linh thiêng với cộng đồng sở hữu di sản.

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục