Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/9/2023 | 11:06:23 AM

Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: TTXVN
Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: TTXVN

Chú thích ảnh

Phái đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 45 của Uỷ ban Di sản Thế giới. Ảnh : TTXVN phát

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Vào hồi 17 giờ 39 phút giờ địa phương (tức 21 giờ 39 phút ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam), tại Riyadh, Saudi Arabia, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Chú thích ảnh

Hòn Trống Mái - biểu tượng của du lịch Hạ Long, có tên gọi khác là hòn Gà Chọi. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận di sản thế giới, bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với những vách dựng đứng nhô lên trên biển. Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cá Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý; nước non trùng điệp, thanh bình; những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.

Chú thích ảnh

Vịnh Hạ Long được biết đến là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới với gần 2.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Với vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo, đây là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Đó là hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.

Chú thích ảnh

Vịnh Hạ Long. Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà còn là môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), 51 loài đặc hữu. Diện tích rừng nguyên sinh khoảng 1.045,2 ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản. Đặc biệt, Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này...

Chú thích ảnh

Hang Sửng Sốt (vịnh Hạ Long) với vẻ đẹp kỳ vĩ của địa chất vượt cả trí tưởng tượng của con người. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000 theo tiêu chí (vii) và tiêu chí (viii). Năm 2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái (tiêu chí ix và x) được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới. Sau quá trình thẩm định, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã dự thảo Quyết định số WHC-14/38.COM/INF.8B để Ủy ban Di sản Thế giới thông qua tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: "Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, theo các tiêu chí (vii) và (viii) và có thể là tiêu chí (x), để gộp cả Quần đảo Cát Bà". Kể từ đó tới nay, việc triển khai các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu lập hồ sơ đề cử di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được tiếp tục đẩy mạnh.

Chú thích ảnh

Một góc khu du lịch thị trấn Cát Bà. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt gửi tới UNESCO với sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo nội dung khuyến nghị của các cơ quan quốc tế.

Quá trình xây dựng và vận động hồ sơ kéo dài gần 10 năm với không ít khó khăn, thách thức, trong đó có việc khuyến nghị "trả lại hồ sơ” ngay trước kỳ họp. Tuy nhiên, xuất phát từ mong muốn bảo vệ và phát huy tốt hơn di sản thiên nhiên thế giới hiện có là Vịnh Hạ Long, đoàn Việt Nam tại kỳ họp đã tiến hành hơn 30 cuộc làm việc, tiếp xúc với 21 trưởng đoàn các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) để cập nhật, giải thích thông tin, làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu.

Chú thích ảnh

Biển Cát Bà trong xanh với những bãi cát trắng mịn màng để du khách có thể tắm, chơi đùa trên cát hay phơi mình đón bình minh và ngắm mặt trời lặn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có thư gửi Tổng Giám đốc UNESCO và lãnh đạo 21 nước thành viên Ủy ban Di sản Thế giới đề nghị ủng hộ hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác quản lý, bảo vệ di sản, được các thành viên đánh giá rất cao. Trên cơ sở đó, kỳ họp đã đạt được sự nhất trí tuyệt đối, 21/21 thành viên đều ủng hộ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà xứng đáng để ghi danh với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, có giá trị nổi bật toàn cầu, điểm cuối trong quá trình tiến hóa karst, đại diện cho 7 hệ sinh thái liền kề, môi trường sống của nhiều loại động vật quý hiếm.

Với sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được ghi danh sẽ là tiền đề quan trọng, đóng góp kinh nghiệm, thực tiễn, hướng tới xây dựng mô hình quản lý di sản liên tỉnh, liên biên giới. Việt Nam đang tích cực hợp tác với Lào hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Hin Nam No mở rộng từ Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Điều này thể hiện cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ các di sản thế giới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á, gìn giữ cho hiện tại và trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Chú thích ảnh

 Quần đảo Cát Bà bao gồm 367 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Cát Bà có diện tích lớn nhất (khoảng 100km2) và là một thị trấn thuộc huyện Cát Hải. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh: "Việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng, người dân Hải Phòng và Quảng Ninh, mà đây còn là niềm vui chung của nhân dân Việt Nam. Danh hiệu này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với vẻ đẹp của di sản và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản. Đồng thời, đây cũng là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy. Niềm vinh dự, tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, triển khai đồng bộ các biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước 1972 gắn với phát triển bền vững".

Chú thích ảnh

Biển Cát Bà trong xanh với những bãi cát trắng mịn màng để du khách có thể tắm, chơi đùa trên cát hay phơi mình đón bình minh và ngắm mặt trời lặn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Các di sản thế giới được UNESCO ghi danh tại Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bền vững, đồng thời qua đó quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Trên tinh thần đó, Việt Nam đang ứng cử là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023- 2027 để có cơ hội đóng góp tích cực hơn nữa cho việc thực thi Công ước năm 1972 về bảo vệ các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

Chú thích ảnh

Vẻ đẹp vịnh Lan Hạ nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban Di sản Thế giới là kỳ họp trực tiếp đầu tiên sau đại dịch COVID-19 và bị hoãn từ năm 2022 với nhiều chương trình nghị sự quan trọng. Kỳ họp đánh giá tình hình bảo tồn và phát huy giá trị 260 di sản thế giới, trong đó có 3 di sản của Việt Nam là Vịnh Hạ Long (trước khi mở rộng sang Cát Bà), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể Danh thắng Tràng An; xem xét 53 hồ sơ đề cử di sản thế giới mới/điều chỉnh ranh giới; sửa đổi hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới; các nội dung về tài chính, quỹ bảo tồn di sản… Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp đông đảo với sự hiện diện của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân; Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cùng đại diện Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam/Bộ Ngoại giao và lãnh đạo các tỉnh và thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và Hải Phòng.

Công ước Di sản thế giới ra đời năm 1972, là công ước quan trọng có sự tham gia đông đảo của 195 quốc gia, với mục tiêu bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hoá và thiên nhiên cho hiện tại và tương lai, là cơ sở pháp lý, công cụ giúp các quốc gia thành viên bảo tồn các di sản văn hoá, thiên nhiên, phục vụ phát triển bền vững. Sau 36 năm là thành viên công ước, Việt Nam đã có 8 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới được ghi danh.

Ủy ban Di sản Thế giới gồm 21 thành viên, là cơ chế chịu trách nhiệm quản lý việc thực hiện Công ước Di sản thế giới và hỗ trợ các quốc gia thành viên công ước trong việc bảo tồn các di sản thế giới. Ủy ban được đánh giá là một trong những cơ chế quan trọng nhất của UNESCO, khuyến nghị định hướng, chính sách, biện pháp quản lý, bảo tồn các di sản thế giới, xem xét ghi danh các di sản thế giới mới, các di sản thế giới đang bị đe doạ cần hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp cho các quốc gia thành viên.




Theo Báo Tin tức (NQ)

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục