Một "kỷ lục” không nên có
Trong Lễ hội Thác Bản Giốc 2023, sáng 7/10, những người tổ chức đã "hồn nhiên khoe” xác lập "kỷ lục Việt Nam” với màn trình diễn hát then - đàn tính do 1.000 người trong những bộ trang phục truyền thống cùng biểu diễn chương trình "Cội nguồn và bản sắc then tính Cao Bằng” bên thác Bản Giốc. Các bài then có lời mới được trình diễn với "dàn đồng ca” theo sự chỉ huy của một "nhạc trưởng” mặc lễ phục then cổ đứng trên bục cao.
"Màn biểu diễn này là dịp để Cao Bằng giới thiệu thêm những nét đặc sắc của văn hóa bản địa, đồng thời một lần nữa tôn vinh giá trị của then, một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận” - theo lời của ban tổ chức. Nhưng những gì diễn ra đã làm sai lạc bản chất tự nhiên, giá trị của di sản và những bài hát then "tân nhạc” được đồng ca không thể nói lên "đúng sự thật, tìm hiểu đúng góc cạnh, đúng bản sắc cội nguồn của then” như ông tổng đạo diễn mong muốn khi tổ chức show diễn này (!).
Theo hồ sơ trình UNESCO để xét ghi danh di sản (2019): Then là một sinh hoạt văn hóa gắn với các nghi lễ tâm linh, được thực hiện để cúng thần linh cầu an, giải hạn, chúc phúc, chúc năm mới, chữa bệnh... hoặc dùng trong các lễ: cầu mùa, vào nhà mới, xuống đồng, cấp sắc... Nghi lễ then thể hiện ước vọng của cá nhân và cộng đồng đối với cuộc sống; giúp họ vượt qua những khó khăn, vướng mắc. Nó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân văn và bảo lưu các phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp, góp phần bảo vệ môi trường, thậm chí là một liệu pháp chữa bệnh… Khi làm lễ, thầy then mặc lễ phục, vừa diễn xướng (hát) bài cúng vừa gảy đàn tính, xóc chùm xóc nhạc và phất quạt, đôi khi có tốp phụ nữ múa cùng. Học và hát, múa những bài then, cả những bài then được đặt lời mới trong mấy chục năm gần đây để biểu diễn trên sân khấu, cũng là cách để cộng đồng nuôi dưỡng, phát triển truyền thống và biểu đạt phương thức truyền khẩu để truyền tải di sản và nghệ thuật biểu diễn của mình.
Di sản văn hóa phi vật thể vốn hồn nhiên như cuộc sống của cộng đồng mang nó mà không sinh ra để "lập kỷ lục”. Thực hành then chưa và không bao giờ (nên) tổ chức hát đồng ca để lập một "kỷ lục hoành tráng”. Ra khỏi không gian văn hóa của/mà nó tồn tại, di sản văn hóa phi vật thể không còn là di sản nữa. Việc đưa một thành tố quan trọng của di sản then ra ngoài không gian thực hành di sản then để "lập kỷ lục” đang làm trái với những khuyến cáo của Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. "Kỷ lục” đó không nằm trong các yếu tố sẵn có của di sản then và cũng không thể coi việc làm sai đó là "niềm tự hào” của cộng đồng thực hành di sản.
Bài học còn gần đó
Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời có công văn gửi UBND tỉnh Yên Bái về ý định "Lập kỷ lục thế giới với vòng xòe đông người tham gia nhất”. Theo tinh thần Công ước 2003 và những hướng dẫn thực hiện của UNESCO, những điểm cơ bản được khuyến cáo là: "Thận trọng trong các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản bởi có thể vô tình gây nên sự ganh đua giữa các cộng đồng hoặc giữa các quốc gia…; Cộng đồng phải đảm nhận vai trò trung tâm trong việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp bảo vệ được đề xuất với sự đồng thuận trước và tự nguyện, trên cơ sở đầy đủ thông tin…; Giới thiệu di sản trong bối cảnh của chúng và chú trọng vào giá trị và ý nghĩa của chúng đối với cộng đồng có liên quan hơn là chỉ tập trung vào sức hấp dẫn về thẩm mỹ hoặc giá trị giải trí của di sản…; Sự tác động của hoạt động du lịch đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phải bảo đảm cộng đồng, nhóm và cá nhân có liên quan là những người hưởng lợi, đồng thời phát huy vai trò dẫn dắt của họ trong quản lý hoạt động du lịch đó; sức sống, các chức năng xã hội và ý nghĩa văn hóa của di sản không bị giảm bớt hoặc đe dọa bằng bất kỳ hình thức nào từ hoạt động du lịch…”.
Sau đó "kỷ lục” đã không được ghi và UNESCO đã ghi danh Xòe Thái trong Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (2021). Sau khi được ghi danh, việc thực hành di sản được UNESCO theo dõi và đánh giá, hỗ trợ khi cần thiết để bảo vệ di sản không bị đe dọa biến mất hoặc biến đổi bản chất tự nhiên. Với những nơi không thực hiện đúng và đủ những cam kết, UNESCO có thể loại di sản khỏi danh sách đã ghi danh.
Cảnh giác với "bệnh chạy đua kỷ lục”
Cuộc chạy/ganh đua danh hiệu, phẩm cấp cho di sản "của” địa phương mình để "hoành tráng hóa” di sản như một niềm tự hào là một "căn bệnh” kéo theo những hệ lụy tiêu cực khác. Việc quảng bá theo cách sân khấu hóa (theo kiểu) "lập kỷ lục” là những sự can thiệp có chủ ý vào di sản. Người ta cố tạo ra những "kỷ lục” (nhiều nhất, to nhất, rộng nhất...) một cách vô nghĩa, vô lý, phản cảm và tốn kém. Chỉ cần nêu vài thí dụ: Bánh chưng, bánh dày, tô phở, bánh ram, bánh tét… khổng lồ để đạt "kỷ lục” (!), số người tham gia trình diễn trang phục quan họ đông nhất (?), hay "kỷ lục Việt Nam” có số người biểu diễn hát then đông nhất gần đây… đã làm sai lệch, làm thay đổi bản chất giá trị của di sản cả từ nội dung, ý nghĩa đến phương thức thực hành. "Lập kỷ lục” là ý tưởng sai lạc của những người tổ chức, không thể nói lên bản chất giá trị của di sản, dù có khoác những ngôn từ màu mè.
"Rằng hay thì thật là hay
Giá đừng như thế còn hay hơn nhiều” (!).
Theo Thời Nay