Đề xuất làm rõ 350.000 tỷ đồng đầu tư chấn hưng, phát triển văn hóa
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/10/2023 | 3:15:06 PM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035; trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định số tiền 350.000 tỷ đồng đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa.
Thí sinh dùng ngón tay viết những tâm nguyện của mình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
|
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chưa thể hiện khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý để đảm bảo tập trung, có hiệu quả theo Luật Đầu tư công. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần bổ sung khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, tổng mức đầu tư cho chương trình được đưa ra là 350.000 tỷ đồng.
Trong công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở, phương pháp xác định số tiền 350.000 tỷ đồng đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa.
Dự thảo mới nêu một số căn cứ xác định nhu cầu vốn ngân sách trung ương mà chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư của chương trình là 350.000 tỷ đồng trong 11 năm (2025 - 2035). Tổng vốn đầu tư của chương trình cũng chưa được tính toán dựa trên mục tiêu, quy mô chương trình.
Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn lực thực hiện chương trình như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất chưa thể hiện rõ cơ cấu từng nguồn vốn, chưa thống nhất giữa các tài liệu. Cơ quan soạn thảo cần rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư chương trình theo hướng chia từng nguồn và phân kỳ đầu tư theo giai đoạn.
Cơ quan soạn thảo ước tính đến năm 2030 sẽ cần 182.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương 110.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 82.500 tỷ, vốn sự nghiệp 27.500 tỷ đồng), vốn địa phương 36.000 tỷ đồng, nguồn khác 36.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại dành cho giai đoạn sau.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến thời điểm này chưa có cơ sở đề xuất nguồn lực cụ thể cả hai giai đoạn của chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Luật Đầu tư công, trước ngày 30/6 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước (tương đương ngày 30/6/2024), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Thủ tướng phê duyệt định hướng, tiêu chí phân bổ mức vốn đầu tư công trung hạn dự kiến cho các bộ ngành, địa phương. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu phương án cụ thể nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho chương trình để đảm bảo khả thi.
Nguồn vốn địa phương cũng mới chỉ dự kiến việc huy động, chưa nêu tỷ lệ vốn đối ứng và chưa thể hiện rõ nhu cầu của các địa phương. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần làm rõ cơ sở huy động vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đồng thời, đề xuất cho các cơ quan chỉ đạo địa phương được trích 1,5% nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp chương trình và áp dụng mức khoán chung 3% vốn đầu tư xây dựng cơ bản, làm kinh phí hoạt động, cũng phải làm rõ cơ sở.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình dù đã lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan nhưng giải trình và thuyết minh còn sơ sài. Tên chương trình chưa bám sát các văn bản của Đảng, Quốc hội.
Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng Chương trình dành phần lớn kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng..., tuy nhiên đây là việc cần đánh giá một cách thận trọng. Đơn vị này cũng cho rằng, đầu tư hạ tầng là việc làm cần thiết nhưng thiếu cân đối vì việc tập trung quá nhiều kinh phí để xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa chưa đi đôi với việc làm thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa tương ứng.
Thực tế cho thấy, các công trình văn hóa "hiện đại" như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thư viện ở vùng nông thôn được đầu tư rất lớn từ các chương trình phát triển như chương trình nông thôn mới nhưng chưa được sử dụng đúng công năng và chưa thu hút được các hoạt động văn hóa của người dân địa phương. Các bảo tàng, nhà hát cũng không hoạt động thường xuyên do chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.