Truyền hình trả tiền nỗ lực hút khán giả

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/10/2023 | 1:52:26 PM

Truyền hình trả tiền và các nền tảng thu phí Việt từng bước xây dựng kho phim, chương trình thực tế được đầu tư đa dạng để phục vụ khán giả một cách tốt nhất

Cảnh trong phim “Tết ở làng Địa Ngục”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Cảnh trong phim “Tết ở làng Địa Ngục”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Truyền hình trả tiền K+, FPT Play, nền tảng thu phí VieON, Galaxy Play… liên tục giới thiệu những chương trình truyền hình thực tế, phim dài tập tự sản xuất để nâng cấp chất lượng cũng như sức hấp dẫn nhằm giữ chân khán giả.

Đầu tư vào chất lượng

Mới đây, K+ ra mắt loạt phim kinh dị "Tết ở làng Địa Ngục" dài 12 tập, phát sóng từ ngày 23-10. Phim do Trần Hữu Tấn đạo diễn, chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn Thảo Trang. Tác phẩm có nội dung xoay quanh làng Địa Ngục, nơi nương náu của hậu duệ băng cướp khét tiếng thời xưa. Những cái chết kinh dị, ghê rợn bất ngờ xuất hiện trong làng khiến cho trưởng làng Thập (Quang Tuấn đóng) sợ hãi, hoang mang đi tìm nguyên nhân. Phim quy tụ dàn diễn viên nhiều thế hệ đến từ hai miền Bắc - Nam: Quang Tuấn, Nguyên Thảo, Võ Tấn Phát, Lan Phương, NSND Ngọc Thư, NSƯT Phú Đôn, NSƯT Văn Báu…

Đây không phải dự án đầu tiên được K+ đổ vốn. Trước "Tết ở làng Địa Ngục", K+ từng giới thiệu bộ phim "Mẹ ác ma, cha thiên sứ" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng; "Trại hoa đỏ" của đạo diễn Victor Vũ; "Bếp trưởng tới!" của đạo diễn Văn Công Viễn và "Nhà mình lạ lắm!" do đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thực hiện. Việc sản xuất liên tục các nội dung độc quyền đang là hướng đi được K+ hướng đến, nhằm thu hút khán giả trong nước.

Bên cạnh K+, nền tảng thu phí VieON cũng sản xuất hàng loạt chương trình và phim dài tập. Trong đó, khán giả có hàng loạt chương trình thực tế để lựa chọn thưởng thức: "2 ngày 1 đêm", "Hành trình rực rỡ", "Chiến binh tí hon", "La cà hát ca", "The masked singer - Ca sĩ mặt nạ", "Rap Việt", "Người ấy là ai"… Những chương trình hài như: "Chuyện ăn vạn năng", "Lần đầu Xuân kể", "Gala hài", "Ai cũng bật cười", "Siêu bất ngờ",… hay những chương trình ca nhạc độc quyền như "Sống cùng âm nhạc", "Mua hàng xuyên Tết"…

Mới đây, VieON công bố sắp ra mắt bộ phim "Yêu trước ngày cưới" do đạo diễn kiêm biên kịch Thạch Thảo thực hiện, quy tụ dàn diễn viên: Nhã Phương, Song Luân, Quốc Anh, Minh Trang... Phim được làm tại từ bộ phim của Đài Loan (Trung Quốc) "Before we get married", đề cập đời sống hôn nhân của người trẻ. Đạo diễn Thạch Thảo từng có kinh nghiệm Việt hóa phim, do đó, ở dự án mới được kỳ vọng nội dung sẽ được Việt hóa mượt mà, phù hợp với khán giả trong nước.

Với khoảng 35 doanh nghiệp được cấp giấy phép tham gia thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, có thể thấy thị phần này đang ăn nên làm ra. Minh chứng là doanh thu thuê bao truyền hình trả tiền, được thống kê 9 tháng đầu năm, ước lượng đạt được 7.500 tỉ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt 18,6 triệu thuê bao, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Phấn đấu đường dài

Vào tháng 4-2023, Netflix nộp đơn xin chính thức hoạt động tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Động thái của Netflix tiếp tục tạo thử thách, buộc các đơn vị trong nước phải nhanh chân và quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến giành thị phần. So với Netflix, truyền hình truyền thống được miễn phí như trên các kênh HTV, VTV…, truyền hình trả tiền và các nền tảng thu phí Việt không có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh chinh phục khán giả. Bởi khán giả không phải ai cũng có thói quen xem truyền hình trả tiền khi mở truyền hình truyền thống vẫn được thưởng thức miễn phí nhiều tác phẩm được đầu tư về nội dung, hình thức.

Đặc biệt, những phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) thời gian qua cũng tạo được dấu ấn tốt với khán giả đại chúng. Phía HTV lại vừa ra mắt "khung phim Việt đặc sắc" trên HTV7 trình chiếu những phim truyền hình được đầu tư sản xuất chất lượng, nội dung đa dạng. Nền tảng xuyên biên giới Netflix vốn được nhiều khán giả Việt chọn lựa bởi quy tụ các loạt phim truyền hình Hàn Quốc, Thái Lan hấp dẫn. Các loạt phim Mỹ trên nền tảng này cũng tạo được sức hút riêng. Tất cả các yếu tố đó khiến K+, Galaxy Play, FPT Play… phải nỗ lực hơn nữa trong hành trình sản xuất nội dung độc quyền, hấp dẫn khán giả nội địa, "mạnh tay" đầu tư những loạt phim truyền hình với chi phí cao, chăm chút tiệm cận tác phẩm điện ảnh.

Không chỉ đầu tư phim truyền hình, các chương trình truyền hình thực tế cũng được chú trọng. Đồng thời, mỗi truyền hình thu phí, nền tảng thu phí cũng có sự chọn lựa hướng riêng để phát triển nội dung độc quyền, tránh "giẫm chân vào nhau" dẫn đến thu hẹp phân khúc khán giả. Trong đó, các phim trên VieON đa phần là Việt hóa từ phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Phim trên K+ đa phần theo hướng loạt phim gốc, đa dạng thể loại, đầu tư về ê-kíp thực hiện. Trước đó, K+ cũng từng công bố sẽ đầu tư sản xuất những tác phẩm chất lượng tiệm cận điện ảnh với nhiều thể loại từ phim truyền hình, sit-com (hài tình huống), phim tài liệu và thậm chí nội dung hướng đến thiếu nhi.

"Từ năm 2021 đến nay, chúng tôi đã mang đến cho khán giả 4 bộ phim và "Tết ở làng Địa Ngục" là phim thứ 5. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tạo ra những bộ phim, tác phẩm phù hợp với khán giả, theo đuổi chiến lược nội dung đỉnh cao thiết lập 3 năm nay. Chúng tôi cũng đầu tư mang về các loạt phim châu Á nổi tiếng, chiếu song song thời điểm với nước ngoài" - bà Phan Hà Diệp, Giám đốc Marketing Truyền thông & Kinh doanh Quảng cáo của K+, bày tỏ.

Nhiều người trong giới cho rằng việc truyền hình trả tiền và các nền tảng thu phí Việt không ngừng tăng cường tạo ra các tác phẩm chất lượng, mang đến lợi ích cho khán giả cũng như thị trường. Khán giả có nhiều sự chọn lựa với những nội dung khác biệt. Trong khi đó, các nhà sản xuất phim cũng có thêm nguồn phát hành, kêu gọi đầu tư cho tác phẩm của mình.

Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Điền cho biết truyền hình trả tiền và các nền tảng thu phí đầu tư kinh phí cho các phim thường cao hơn nhiều lần so với mức kinh phí lâu nay của các phim phát sóng trên truyền hình truyền thống. Nếu có kịch bản hay, thời điểm phù hợp, ông cũng sẽ hợp tác thực hiện tác phẩm với những công ty này.

Sự tăng tốc nhằm nỗ lực chinh phục khán giả nội địa của truyền hình trả tiền và nền tảng thu phí Việt hứa hẹn tiếp tục mang đến sản phẩm chất lượng cho cả thị trường nói chung. Những nguồn phát hành đa dạng sẽ giúp tăng cạnh tranh giữa truyền hình trả tiền và truyền hình truyền thống với thuận lợi cùng bất lợi khác nhau mang đến lợi chung cho khán giả.
Theo BGTV

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục