Những nhà báo tay trái bị thương, tay phải ghi bài, vừa viết vừa tránh đạn
- Cập nhật: Thứ năm, 2/11/2023 | 4:33:56 PM
Tròn 60 năm ngày ra mắt số đầu tiên của 'Báo Quân Giải Phóng', các cựu nhà báo, biên tập viên cùng nhau ôn lại những ký ức về một thời viết báo trên chiến trường ác liệt.
Tác giả Hồ Sơn Đài cùng các nhân chứng lịch sử giao lưu với khán giả - Ảnh: THÁI THÁI
Ngày 1-11, tác giả Hồ Sơn Đài và các cựu nhà báo, biên tập viên của Báo Quân Giải Phóng có buổi giao lưu về sách Báo Quân Giải Phóng miền Nam Việt Nam 1963-1975 tại TP.HCM.
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra mắt số báo đầu tiên.
12 năm, 338 số và rất nhiều nỗ lực
Báo Quân Giải Phóng được thành lập tại chiến trường Tây Ninh, số đầu tiên ra ngày 1-11-1963. Đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, vào ngày 15-10-1975, báo dừng sản xuất ở số 338.
12 năm tồn tại của Báo Quân Giải Phóng được xem là kỳ tích. Bởi trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, việc viết báo, in ấn lẫn phát hành đến từng trung đội trên toàn miền Nam là rất khó.
Bên cạnh đó, tờ báo có nhiều chuyên mục như xã luận, bình luận, thông cáo báo chí, tin tức thời sự, phóng sự, ghi chép, tường thuật, gương người tốt việc tốt, tùy bút, thơ, tranh, biếm họa...
Có mặt tại sự kiện, cựu phóng viên Nguyễn Đình Thịnh nhớ lại khoảng thời gian viết báo giữa chiến trường nguy hiểm.
Từ trái qua: cựu phóng viên Nguyễn Đình Thịnh và cựu biên tập viên, phóng viên Trần Thị Vinh - Ảnh: THÁI THÁI
Ông Thịnh nói: "Để viết bài, chúng tôi phải đi cùng bộ đội ra chiến trường, tham gia chiến đấu nếu đơn vị bị giặc tấn công. Cũng giống như thế hệ phóng viên đầu tiên của Báo Quân Giải Phóng, tôi từ vị trí giáo viên phải chuyển sang làm báo vì tình hình chiến sự thay đổi.
Dù có khó khăn, dù có hy sinh hoặc bị thương, chúng tôi cũng phải cố gắng viết được bài và hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, có nhiều đồng chí tay trái bị thương, tay phải vẫn viết bài.
Càng viết nhanh sẽ đáp ứng được tính thời sự và thúc đẩy tinh thần chiến đấu của bộ đội".
Ông Thịnh còn kể trong chiến khu, phương tiện làm việc của các phóng viên chỉ có cây bút bi và tập giấy học sinh được cắt đôi.
Địa điểm làm việc của họ là bất kỳ nơi nào có thể ghi chép, lúc thì trên chiến hào, lúc dưới hầm trú ẩn. Trong lúc tác nghiệp, các nhà báo luôn phải cảnh giác với địch, vừa viết vừa sẵn sàng tránh bom.
Nhìn lại hành trình 60 năm trước, cựu phóng viên Đỗ Đình Nghiệp cảm thấy phấn khởi khi tác giả Hồ Sơn Đài đã dụng công nghiên cứu, tôn vinh một thế hệ nhà báo dần bị lãng quên.
"Đại tá Hồ Sơn Đài chính là người đã đánh thức sự kiện 60 năm trước chỉ tồn tại trong ký ức của ít người", ông Nghiệp nhận định.
Báo Quân Giải Phóng miền Nam Việt Nam
Cuốn sách Báo Quân Giải Phóng miền Nam Việt Nam 1963-1975 được đại tá, PGS.TS Hồ Sơn Đài lên ý tưởng thực hiện khi đọc được hồi ký của nguyên tổng biên tập Báo Quân Giải Phóng Nguyễn Viết Tá.
"Lý do tôi viết cuốn sách này một phần vì tò mò với tờ báo chưa nghe tên bao giờ, phần còn lại là góp tư liệu để phục dựng lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
Từ đó tri ân các cựu cán bộ, phóng viên, nhân viên, những người giờ đây dù tuổi đã trên dưới tám mươi, vẫn vẹn nguyên niềm lung linh một thời làm Báo Quân Giải Phóng", tác giả nói.
Sau hơn 2 năm tìm hiểu, ông Đài cho ra đời quyển sách dày 400 trang, đầy ắp tư liệu liên quan đến các giai đoạn lịch sử thuộc chiến trường miền Nam. Đồng thời tác phẩm cũng chứa đựng một số hồi ức của phóng viên Báo Quân Giải Phóng từ khi thành lập cho đến ngày kết thúc nhiệm vụ.
Quyển sách "Báo Quân Giải Phóng miền Nam Việt Nam 1963-1975" - Ảnh: NXB TỔNG HỢP
Theo ông Đài, quá trình thai nghén tác phẩm chính là một cuộc tranh đấu với thời gian bởi những người từng làm ở báo đã qua đời hơn một nửa. Số phóng viên, biên tập viên còn sống cũng đã ngoài 70 tuổi.
Vì tuổi cao sức yếu, việc nhớ lại thông tin của các nhân chứng lịch sử rất khó khăn, một số nhân vật phải nhờ người thân diễn đạt lại. Có người vừa nói chuyện với ông Đài hôm nay, qua hôm sau con cái họ gọi điện báo tin "Cha đã qua đời".
Cuốn sách chỉ có 108 số báo vì ông Đài gặp hạn chế trong việc thu thập tư liệu, chưa thể phản ánh đầy đủ và toàn diện về Báo Quân Giải Phóng như dự định ban đầu của tác giả.
Một trong những tư liệu mà ông Đài thu thập được - Ảnh: THÁI THÁI
Tuy nhiên, tác phẩm đã cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng, sơ lược được quá trình hình thành và phát triển của tờ báo. Từ đó, phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu lịch sử, có thêm góc nhìn về thời kỳ chống Mỹ trên chiến trường miền Nam.
Đại tá Hồ Sơn Đài là nhà sử học, tác giả, chủ biên và đồng soạn giả của hàng trăm công trình nghiên cứu nổi tiếng về đề tài lịch sử quân sự ở Nam Bộ. Mỗi tác phẩm của ông được ví như một công trình nghiên cứu khoa học.
Những tựa sách khác của ông là Cuộc kháng chiến 1945-1975 nhìn từ Nam Bộ, Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền, Lịch sử Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Chiến tranh nhân dân ở Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, Dinh Độc Lập lịch sử và biến động… |
Theo BGTV
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.