Trong 54 dân tộc anh em, có 14 dân tộc có số người dưới 10 nghìn người được coi là dân tộc rất ít người bao gồm các dân tộc Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái. Các dân tộc này chủ yếu sinh sống tại 11 tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, và Kon Tum.
Tín hiệu vui từ những điển hình
Tuy có dân số ít, nhưng một số dân tộc vẫn duy trì và giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống. Điển hình như dân tộc Cống ở Lai Châu. Chúng tôi gặp già làng uy tín Chang Văn Sang người dân tộc Cống, bản Lăng Phiếu, xã Nậm Khao (Mường Tè, Lai Châu) tại ngày hội. Ông kể, ở xã Nậm Khao có hai bản người Cống là nơi sinh sống của 286 hộ với 972 nhân khẩu. Ngày xưa còn lạc hậu nhiều hủ tục, đến nay được Đảng và Nhà nước quan tâm, đời sống dân tộc chúng tôi được cải thiện, cùng với đó là nếp sống văn hóa mới. Chúng tôi quan niệm tất cả dân tộc trên đất nước Việt Nam đều là con cháu Bác Hồ. Nên ngay chuyện trai, gái tìm tiểu, kết hôn cũng không còn bó buộc trong dân tộc mình nữa. Nhiều con em dân tộc Cống đã lấy vợ, chồng người Kinh và có cuộc sống rất hòa hợp, hạnh phúc.
Mắt ông sáng lên nhớ lại thời thanh xuân của mình, hồi đó ông tham gia đội văn nghệ xã, biểu diễn khắp nơi trong tỉnh. Và bài dân ca của dân tộc mình mà ông yêu thích và tự hào nhất đó là "Tăng A Tim”. Ông già người Cống nhỏ nhắn, lanh lợi bỗng cất lên giai điệu của núi rừng Tây Bắc quê hương, giai điệu bài hát vốn đã được nhạc sĩ Doãn Nho lấy cảm hứng và trở thành tác phẩm âm nhạc nổi tiếng "Chiếc khăn Piêu”.
Thật bất ngờ, ở hai bản người dân tộc Cống tại Nậm Khao với số dân chỉ gần 1.000 người nhưng lại có tới 163 đảng viên, đây là tỷ lệ khá cao. Ông cười hiền, "Tôi năm nay 80 tuổi và cũng chuẩn bị nhận huy hiệu 60 năm tuổi đảng rồi”. Được kết nạp Đảng năm 1963, lúc đang công tác tại UBND xã. Là một đảng viên, già làng trong bản ông nỗ lực vận động các gia đình cho con cháu đến trường học, thực hiện nếp sống mới, cũng như thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước như vận động thanh niên đủ tuổi tòng quân bảo vệ Tổ quốc, hay thực hiện hôn nhân đúng pháp luật… "Có nhiều cháu dân tộc Cống được đi học tại các trường dân tộc nội trú của tỉnh, từ nền tảng đó có cháu đã học lên đại học, ra trường về phục vụ, xây dựng quê hương”, ông nói. Điều trăn trở của già làng đảng viên là mong sao cho lớp trẻ ý thức hơn về truyền thống dân tộc, chịu khó học các giai điệu, các bài dân ca, dân vũ, nghi lễ cầu cúng… Đặc biệt là lễ ăn Tết ngô là nghi lễ quan trọng nhất để giữ gìn, tiếp nối và phát huy bản sắc dân tộc Cống mình.
PGS, TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của ngày hội cũng đánh giá, qua các tiết mục trình diễn về tín ngưỡng của các dân tộc ít người tôi cảm giác hơi bất ngờ bởi vì không nghĩ rằng các dân tộc ít người này như Ơ Đu (Nghệ An) khoảng 400 người, Cống (Nghệ An) gần 1.000 người hay Brâu (Kon Tum) hơn 500 người lại có sức sống mãnh liệt như vậy. Bởi vì, các dân tộc có dân số ít là những cộng đồng dễ bị tổn thương, mất bản sắc văn hóa dẫn đến bị đồng hóa tự nhiên. Những thực hành văn hóa tại ngày hội đã thể hiện một điều gì đó rất bền chặt, tín ngưỡng dân gian là thứ rất quý để người ta giữ gìn và đi theo họ qua nhiều thế kỷ.
Tái hiện Tết ngô của người dân tộc Cống (Lai Châu). |
Nhiều bài toán cần lời giải…
Có một điều mà nghệ nhân Hù Cố Xuân đau đáu, đó là người Si La giờ đây không tự làm được trang phục của mình. Các đồ trang trí, hoa văn trên trang phục đều phải mua hoặc trao đổi. Bà nói, chúng tôi trao đổi hàng với vải chàm, các hoa văn trên váy áo chúng tôi cũng mua sẵn ở chợ. Điều khác biệt về trang phục với các dân tộc khác chỉ là cách phối kết hợp các hoa văn, đồ trang trí, đồng bạc, đặc biệt là khăn đội đầu được quấn tạo hình như chiếc sừng đen của phụ nữ đã có gia đình. Cũng tâm tư như thế, bà Nạ Thị Mai (60 tuổi) dân tộc Cống, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) buồn bã nói, cái trang phục đang mặc vẫn phải mua thôi. Ngày xưa mẹ mình còn sống thì tự làm cho cả nhà được, giờ đây mai một hết rồi. Bản thân mình chỉ còn nhớ một chút nhưng mắt kém lắm nên không làm được nữa. Trang phục dân tộc Cống ở địa phương không còn ai làm cả, muốn mặc ngày lễ phải đi mua từ Lào về. Hồi trước tôi cũng muốn dạy cho bọn trẻ nhưng các cháu không chịu học.
Còn ông Lo Văn Cường (59 tuổi) người Ơ Đu ở Tương Dương, Nghệ An chia sẻ, người Ơ Đu còn biết và nói được tiếng Ơ Đu như tôi chỉ còn khoảng 3-4%. Cả bản hơn 100 hộ chỉ vài người nói được tiếng dân tộc mình, rất khó để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Tiếng nói bị mai một rồi, con cháu đi học về giờ không nói được tiếng Ơ Đu nữa. Tôi cũng như người dân tại địa phương chỉ mong được hỗ trợ mở lớp dạy ngôn ngữ dân tộc Ơ Đu để con cháu nắm được chứ không là mất gốc. Chia sẻ về việc này, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho biết, dân tộc Ơ Đu khoảng 400 người, thì hầu như bị lai với các văn hóa khác như các bạn nhìn thấy các dụng cụ sinh hoạt lẫn cả dân tộc Khơ Mú, Thái… bởi sống xen kẽ nhau. Rồi ngôn ngữ cũng bị mai một, bởi vậy, các lễ hội này rất quan trọng để chúng ta tìm ra được những tồn tại hạn chế và đề xuất những giải pháp khắc phục. Bởi xác định là một dân tộc thì điều đầu tiên là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ mất thì không còn là dân tộc nữa.
Nghệ nhân Ưu tú Hù Cố Xuân, dân tộc Si La (gần 1.000 người) tại xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu) vốn là giáo viên dạy tiểu học, sau khi về hưu, bà đã cố gắng truyền dạy ngôn ngữ Si La cho thế hệ trẻ bằng cách phiên âm thành tiếng Việt cho các cháu dễ học. Bên cạnh đó, bà còn đi tìm những nghệ nhân, người cao tuổi của dân tộc mình để thu thập những làn điệu, bài hát cổ về phục dựng và lan tỏa bằng cách mở lớp truyền dạy tại địa phương.
Anh Thào A Dơ, cán bộ nghiên cứu sưu tầm Bảo tàng tỉnh Điện Biên cho biết, ở tỉnh chúng tôi có hai dân tộc ít người đó là Cống (hơn 1.000) và Si La (200). Theo chủ trương của tỉnh, ưu tiên phát triển các dân tộc ít người, trong những năm qua chúng tôi đã tiến hành phục dựng và bảo tồn nhiều di sản văn hóa của hai dân tộc như lễ cúng tổ tiên, kết hoa mào gà (dân tộc Cống), cơm mới, cầu mùa của dân tộc Si La. Vấn đề nan giải hiện nay, do thế hệ trẻ ít quan tâm đến văn hóa dân tộc mình nên việc duy trì và phát huy bản sắc rất khó khăn. Với số dân quá ít như vậy, hôn nhân cận huyết ở dân tộc Si La cũng đang là vấn đề cần khắc phục tại địa phương mà chưa có hướng giải quyết. Còn nghề truyền thống thì không có ai theo nữa, các nghi lễ, trình diễn dân ca dân vũ chỉ có người già còn nhớ và thực hành, đây thật sự là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Trước mắt, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thì việc phục dựng bảo tồn và hỗ trợ kinh phí để các nghệ nhân duy trì, truyền dạy bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ là rất quan trọng. Chúng tôi đã mở một số lớp truyền dạy về trang phục của dân tộc Cống tiến tới mở thêm một số lớp về nghề đan lát truyền thống.
Ngày hội của 14 dân tộc ít người đã tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa. Mong các nhà lãnh đạo, quản lý ý thức được cách làm văn hóa, cách triển khai chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.