Ðộng lực mới cho công nghiệp văn hóa
- Cập nhật: Thứ hai, 25/12/2023 | 2:07:47 PM
Ngày 22/12, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được tổ chức. Ðây là hội nghị cấp toàn quốc đầu tiên về lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế. Ảnh: TTXVN
|
Chúng ta có những cơ sở chính trị rất quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ðó là hai nghị quyết Ðại hội XII và XIII của Ðảng, hai nghị quyết chuyên đề của Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát là: Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam...; khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh...
Chiến lược phát triển văn hóa đất nước đến năm 2030 cũng đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP. Ðặc biệt, từ năm 2018 đến nay, các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hóa được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.
12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước (năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp văn hóa đóng góp 3,92% GDP; năm 2022, con số này là 4,04% GDP - tương đương 44 tỷ USD). Các sản phẩm công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực ngày càng đa dạng, phong phú; nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Giai đoạn 2018-2022, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa gia tăng với tốc độ 7,2%/năm. Hiện cả nước có hơn 70.000 cơ sở kinh tế làm công nghiệp văn hóa, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động (chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động cả nền kinh tế) với tốc độ gia tăng lao động bình quân 7,4%/năm.
Tuy nhiên, so với một số lĩnh vực khác, công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng to lớn về sự khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của đất nước. Một nguyên nhân lớn là cơ chế, chính sách, thể chế hiện tại còn khá bó hẹp. Bởi thế, cần sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư duy và hành động, đột phá trong cách làm, xây dựng công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo-Bản sắc-Ðộc đáo-Chuyên nghiệp-Cạnh tranh", trên nền tảng văn hóa "Dân tộc-Khoa học-Ðại chúng" của Ðề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943; từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực có nội hàm rộng, phạm vi lớn, đa ngành đa lĩnh vực, cần phải huy động các cấp, ngành, địa phương cùng vào cuộc với sự đồng lòng tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Ðể phát triển công nghiệp văn hóa, phải phát huy tối đa nội lực và tranh thủ ngoại lực (trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá), lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu. Ðặc biệt, cần phát huy tinh thần tự hào dân tộc, chủ động thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo; gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa văn hóa với các lĩnh vực khác của đời sống.
Là nước đi sau về công nghiệp văn hóa, các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa mang đến cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng, phát triển văn hóa. Phát triển công nghiệp liên quan đến yếu tố sáng tạo, đến nhân tố con người, nhưng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp văn hóa còn hạn chế; đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng gặp nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài...
Xác định rõ những hạn chế, khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Trong tương lai gần, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh các ngành công nghiệp văn hóa; và ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.
Các ngành công nghiệp văn hóa có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại. Tinh thần quyết tâm từ hội nghị sẽ lan tỏa tạo ra khí thế và động lực mới cho phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.