Khởi sắc văn xuôi cho trẻ em

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/1/2024 | 11:18:01 AM

Nhận thức rõ tầm quan trọng của dòng văn học dành cho thế hệ tương lai, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành sự quan tâm tích cực tới văn học thiếu nhi trong những năm gần đây. Các giải thưởng văn học thiếu nhi được tổ chức thường niên ở tầm quốc gia đã có tác dụng phát hiện, bồi dưỡng và khích lệ người viết cho trẻ em tích cực sáng tác phát triển tài năng.

Có nhiều lựa chọn tác phẩm văn xuôi Việt Nam cho trẻ em hôm nay. Ảnh: MINH KHIẾU
Có nhiều lựa chọn tác phẩm văn xuôi Việt Nam cho trẻ em hôm nay. Ảnh: MINH KHIẾU

1/Trong thế kỷ XX, có những nhà văn băn khoăn tự hỏi: "Văn học cho trẻ em Việt Nam thế kỷ XXI sẽ ra sao?”. Từ cuối thế kỷ XX qua những năm đầu của thế kỷ XXI đã hơn 30 năm, văn hóa đọc của trẻ em Việt Nam có biến chuyển rất lớn. Khởi đầu là "Cơn sốt Đô-rê-mon” với bộ tranh truyện "Doraemon” (tác giả Nhật Bản Fujiko.F.Fujio) (NXB Kim Đồng từ 1992-1995 đến nay). Tiếp theo đó là "Cơn sốt Harry Potter” với bộ tiểu thuyết huyền bí "Harry Potter” (tác giả người Anh J.K.Rowling) (NXB Trẻ từ 1997 đến nay). Những bộ sách này đã đưa đến cho trẻ em Việt Nam một luồng gió mới. Tâm hồn trí tuệ của bạn đọc trẻ em được mở rộng biên độ tưởng tượng cả về không gian và thời gian. Người đọc được làm quen với những trang sách vừa có tính khoa học viễn tưởng lại vừa có chiều sâu lịch sử văn hóa nhân loại. Các vấn đề lớn của đời sống toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ động vật hoang dã, giữ gìn môi trường thiên nhiên đa dạng sinh học, v.v. đã được thể hiện trong những câu chuyện hóm hỉnh đời thường ở nhà, ở trường của các nhân vật trẻ em có tính cách hay, dở, đẹp xấu rất điển hình không xa lạ với trẻ em Việt Nam. Hàng triệu người đọc đã say mê đọc những bộ sách này, điều đó đã làm thay đổi nhận thức về đọc và viết cho trẻ em ở Việt Nam.

Khi văn hóa nước ngoài ồ ạt du nhập thì xu hướng "trở về cội nguồn” như sức đề kháng tự nhiên của nền văn hóa bản địa đã trỗi dậy mạnh mẽ. Sách về lịch sử chiến tranh Việt Nam xuất hiện các cuốn nhật ký di cảo đã bùng nổ một "cơn sốt sách” mới lan tỏa tình yêu Tổ quốc và lý tưởng sống của một thế hệ thanh niên trong thế kỷ XX tới hàng triệu người đọc Việt Nam hiện đại. Sách truyền bá truyền thuyết, cổ tích Việt Nam xuất hiện ở nhiều dạng từ nghiên cứu chuyên sâu tới tranh truyện và các hình thức nghệ thuật dân gian như múa rối nước, lễ hội làng quê… Phong trào tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam từ âm nhạc, hội họa mỹ thuật, dân vũ, dân ca, trò chơi dân gian đến trang phục cổ truyền của các dân tộc Việt Nam… đã được nghiên cứu phục dựng phổ biến trong đời sống gắn liền sự phát triển du lịch đang lan tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ tới văn hóa trẻ em.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, từ khi đất nước hòa bình thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới, sách và văn hóa đọc của Việt Nam đã được mở rộng. Những "nhịp cầu” từ trang sách đã đưa bạn đọc đi sâu vào bên trong ký ức văn hóa dân tộc. Đồng thời những "nhịp cầu” mới được bắc thêm hướng ra các nền văn hóa đa dạng và phong phú của toàn nhân loại. Thời Việt Nam hội nhập, trẻ em đọc sách đã vừa thấm thía cội rễ của dân tộc và vừa có đôi cánh để vươn tầm nhìn ra ngoài thế giới. Chính trên nền tảng văn hóa đọc mới đó, những dấu hiệu hình thành một sắc diện mới của văn học thiếu nhi Việt Nam thế kỷ XXI đã dần dần hiển hiện.

Khởi sắc văn xuôi cho trẻ em ảnh 1

Nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi đã được đề cử và giành giải thưởng Sách Quốc gia.

2/Trong 5 năm gần đây, Giải thưởng Sách Quốc gia (tiền thân là Giải thưởng Sách Việt Nam) mảng Sách thiếu nhi (trong đó có văn học thiếu nhi) đã có đóng góp nổi bật. Năm 2020, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã quyết định tái thành lập Hội đồng văn học thiếu nhi và trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho Văn học thiếu nhi hằng năm.

Các tác phẩm và tác giả được Giải thưởng quốc gia và Giải thưởng Hội Nhà văn chính là hình ảnh tiêu biểu của văn xuôi cho thiếu nhi Việt Nam hiện nay. Trong đó, từ "Xóm Bờ Giậu” (2019) của Trần Đức Tiến, "Cà nóng chu du Trường Sa” của Bùi Tiểu Quyên, "Cá voi Eren đến Hòn Mun” (2022) của Lê Đức Dương, "Chuồn chuồn ớt tìm mẹ” của Nguyễn Hồng Chiến, tới "Cá Linh đi học” của Lê Quang Trạng… là một dòng chảy truyện đồng thoại. Thế giới trong những trang viết này là thế giới loài vật đã được nhân cách hóa, sống trong một thế giới tưởng tượng sinh động và hấp dẫn: Một "xóm làng” với các cư dân là các loài lưỡng cư, côn trùng, thú nhỏ (Xóm Bờ Giậu). Quần đảo Trưởng Sa tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam được hiện ra sinh động trong câu chuyện của một chiếc máy ảnh. (Cà nóng chu du Trường Sa). Một vùng đại dương và một vùng biển của Việt Nam với loài cá voi - khách quốc tế (Cá voi Eren đến Hòn Mun). Rồi, thế giới của các loài côn trùng từ ao hồ bay lên bầu trời bao la (Chuồn chuồn ớt tìm mẹ). Và, trang sách trẻ em được mở ra rộng lớn thế giới sông nước từ Biển Hồ (Campuchia) tới các nhánh sông Cửu Long cùng nhân vật cá linh và các loài cá tiêu biểu Nam Bộ (Cá Linh đi học). Lối viết này có thể nói là sự tiếp nối dòng chảy từ "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. Các tác giả hiện nay với vốn sống thực tế phong phú mới mẻ cập nhật với đời sống hiện đại, đã đem lại cho người đọc những trang văn thú vị thấm đẫm tinh thần nhân văn.

Một cách viết khác phản ánh trực tiếp đời sống của trẻ em trong gia đình và xã hội hiện nay. Đó là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều - "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya”, nhà văn Trung Sĩ - "Thung lũng Đồng Vang, tác giả Dương Đình Lộc với "Mùa hè đáng nhớ của Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lủ”... Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều phản ánh thực tế có những gia đình Việt Nam đã thành tổ ấm "đa văn hóa”. Câu chuyện của người ông nói chuyện với cháu về mối quan hệ của mọi người trong gia đình theo truyền thống Việt Nam bỗng trở nên đặc biệt với thế hệ mới. Cuốn sách không có thế giới ảo mà chỉ có thế giới thật mà vẫn mang "vẻ cổ tích” bởi chuyện người ông nói với cháu là văn hóa nghìn năm của người Việt. Nhà văn Trung Sĩ viết về đời sống của trẻ em ở "Thung lũng Đồng Vang”, vùng đất tưởng tượng của tác giả. Ở đấy tác giả đã tạo dựng các nhân vật trẻ em, mái trường, làng quê, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh… theo tình cảm thẩm mỹ hướng thiện của tác giả. Những câu chuyện xảy ra trong "Mùa hè đáng nhớ của Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lủ” phản ánh những chuyện đã xảy ra ở những năm gần đây ở nơi vùng cao biên giới phía Bắc. Những chuyện đó đã được tác giả thuật lại trong tình yêu thương các em nhỏ người dân tộc thiểu số vùng cao. Cách viết của các tác giả vẫn trung thành với văn phong hiện thực truyền thống phản ánh những vấn đề của xã hội hôm nay là những trang sách gần gụi với bạn đọc.

"Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch” của Nguyễn Khắc Cường lại có cách viết về đời thực khác. Cuốn sách có thế giới tưởng tượng song hành với đời sống thực của các nhân vật trẻ em. Cuộc sống của trẻ em gắn liền với thế giới của thú cưng đã được tác giả hư cấu sinh động nhuần nhuyễn. Câu chuyện trở nên hấp dẫn phong phú, phù hợp với tâm hồn giàu tưởng tượng của trẻ nhỏ.

Có thể nói rằng, thế giới tưởng tượng trong những trang sách dành cho trẻ em Việt Nam thế kỷ XXI đều bắt nguồn từ hiện thực mang hơi thở đời sống nóng hổi trên đất nước Việt Nam hiện nay. Sẽ thật thiếu sót nếu không nói về sáng tác khoa học viễn tưởng của cây bút trẻ 14 tuổi Cao Việt Quỳnh với bộ "Người Sao Chổi” (3 tập). Trên thế giới, thể loại khoa học viễn tưởng đã có từ lâu. Có các tác giả lớn nổi danh từ thế kỷ XX viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng về robot. Ở Việt Nam tác giả viết khoa học viễn tưởng về robot hầu như chưa có. Sáng tác của Cao Việt Quỳnh đúng là một sự dấn thân táo bạo. Viết về trí tuệ nhân tạo tức là những sản phẩm của trí tuệ không chịu sự chi phối của tình cảm. Ở bộ sách "Người Sao Chổi”, tác giả đã tạo ra nhân vật robot có cảm xúc, có trái tim, có tính người. Robot cũng là một nhân vật văn học!

Xin có đôi nét phác họa sắc diện văn xuôi cho trẻ em hiện tại. Mùa xuân mới đang đến! Chúng ta không thể không có một cái nhìn lạc quan vào dòng chảy văn xuôi cho thiếu nhi Việt Nam hiện nay để có thể nói rằng: Văn xuôi cho thiếu nhi Việt Nam đang khởi sắc!

Sự xuất hiện của các tác giả viết cho thanh, thiếu nhi thành công như Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Thuần chưa thể thỏa mãn sự đòi hỏi cần phải có cả một đội ngũ đông đảo người viết cho trẻ em chiếm lĩnh thị trường sách cân bằng với số lượng sách dịch vẫn đang áp đảo trên "sân nhà” (thị trường sách nội địa).

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục