1/Di sản văn hóa là yếu tố cốt lõi của văn hóa, truyền tải bản sắc văn hóa của một cộng đồng xã hội, làm cho việc dạy học đa dạng, sống động. Khai thác về di sản văn hóa sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về bản sắc và lịch sử của cộng đồng, đất nước, xác định nguồn cội và định hình tư duy quốc gia.
Nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển từng cho rằng: "Việc sử dụng di sản văn hóa để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hóa”.
Một địa phương tiêu biểu là Hà Nội. Theo số liệu thống kê, Thủ đô có hơn 5.300 di tích, nhiều nhất toàn quốc. Di tích Hà Nội đa dạng về chủng loại; chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử như khu di tích thành cổ, khu di tích Cổ Loa, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu Quốc Tử Giám…, Hoàng thành Thăng Long - đã được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. Cùng với đó là những lễ hội truyền thống với những quy mô, hình thức khác nhau của một làng, xã hay cả một vùng rộng lớn như lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức), lễ hội chùa Thầy (Quốc Oai)… Hà Nội cũng rất phong phú và đặc sắc về các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian.
Trên thực tế, các hoạt động gắn kết giữa di sản, bảo tàng với hoạt động giáo dục bấy lâu đã được triển khai thông qua các hoạt động ngoại khóa, tham quan, đặc biệt là qua phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Song công tác giáo dục di sản trong nhà trường còn nhỏ lẻ, chưa được tiến hành bài bản và thường xuyên. Nhiều học sinh chưa thật sự hứng thú quan tâm, tìm hiểu dẫn đến kiến thức về di sản rất ít. Cần phải có những giải pháp tích cực tăng cường việc vận dụng di sản văn hóa vào dạy và học.
2/Công nghệ thông tin đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trong dạy và học, mang lại nhiều ưu điểm cải thiện chất lượng giáo dục. Bên cạnh các bài dạy trực tuyến, cần tăng cường việc số hóa thực tế ảo, cho phép học sinh "đặt chân” vào các địa điểm lịch sử, khoa học, văn hóa. Một số di sản văn hóa đã được các kiến trúc sư số hóa 3D như dự án đình Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội) sẽ mở ra kho tư liệu quý giá trong giảng dạy và học tập.
Tuy nhiên, một tiết học muốn sinh động và hấp dẫn cần phải có các hoạt động đa dạng tạo không gian mở hướng tới phát huy tính chủ động tìm tòi kiến thức của học sinh. Để đáp ứng mục tiêu đó không phải là chuyện dễ dàng. Một số trường đã mạnh dạn thực hiện những biện pháp mới, như mô hình lớp học thông minh tại Trường TH-THCS Pascal (Hà Nội). Trong năm học 2023 - 2024, 100% học sinh của trường được trang bị máy tính bảng để hỗ trợ quá trình học và kiểm tra. Cách sử dụng các phần mềm hỗ trợ trực tuyến, kết hợp với cách dạy truyền thống - phấn trắng bảng xanh đã tạo môi trường học tập sinh động và hiệu quả. Nhờ đó trong các tiết Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật… học sinh có thể thoải mái sáng tạo cùng hình ảnh, thông tin về các di sản văn hóa.
Trong dự án Văn học sáng tạo năm 2023 của Trường Pascal, sau khi học tập thực tế tại khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), học sinh đã sử dụng công nghệ thông tin để làm bài thu hoạch ngay tại lớp bằng cách vẽ truyện tranh 3D, thiết kế lịch để bàn bằng nguồn tư liệu tranh, ảnh.
Đi đôi với cải tiến phương pháp dạy học thì trong chính các di sản văn hóa cũng cần phải tạo ra không gian mở, có tính sáng tạo, thu hút được sự quan tâm của học sinh. Điều này đã được chứng minh từ thành công ở một số di tích như các lớp học làm gốm tại làng gốm Bát Tràng, khu làm xôi, oản tại khu di tích Cổ Loa hay mới nhất có chương trình trải nghiệm đêm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám thu hút rất nhiều khán giả trong đó có các bạn trẻ.
Cần đẩy mạnh hơn nữa không gian kết nối, giao lưu, học hỏi với các di sản văn hóa. Khai thác di sản văn hóa vào dạy học là một quá trình lâu dài, phức tạp, gồm nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, đổi mới hình thức và phương pháp khai thác, vận dụng tri thức, hình ảnh về di sản văn hóa là khâu then chốt.
Tuy nhiên, để phổ biến việc sử dụng máy tính bảng trong trường học không phải là điều dễ dàng. Đối với các trường công lập, cần phải có nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, phụ huynh học sinh.
* Giáo viên Trường TH-THCS Pascal (Hà Nội).
Theo Thời Nay