Giúp thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phát triển lành mạnh
- Cập nhật: Thứ năm, 18/1/2024 | 10:47:22 AM
Định hướng năm 2024, với vai trò đầu mối quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về lĩnh vực dịch vụ phát thanh, truyền hình, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, kết hợp giám sát chặt chẽ hoạt động cung cấp dịch vụ đảm bảo thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình duy trì phát triển lành mạnh.
|
Cục sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để trực tiếp hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, thích ứng tốt với giai đoạn chuyển đổi số hiện nay và phát triển biền vững.
Năm 2023, ngành Phát thanh, Truyền hình không nằm ngoài bối cảnh khó khăn chung nhưng tổng doanh thu vẫn đạt xấp xỉ 23.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Riêng lĩnh vực dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền có doanh thu đạt gần 10.500 tỷ đồng (tăng trên 3% so với năm 2022), thuê bao là gần 22 triệu (tăng hơn 19% so với năm 2022), đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng.
2023 là năm đầu tiên các văn bản quy phạm pháp luật về điện ảnh và truyền hình điều chỉnh đến hoạt động quản lý nội dung trên dịch vụ trên dịch vụ phát thanh, truyền hình đi vào thực tiễn. Đối với nội dung về phim, Luật Điện ảnh 2022, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL ngày 5/4/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động phổ biến phim trên mạng, làm căn cứ để tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh phổ biến phim trên internet theo đúng quy định, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường phổ biến phim tại Việt Nam.
Năm 2023, ghi nhận những bước tiến trong công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, quản lý thông tin đặc biệt trong việc triển khai Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, nhất là các doanh nghiệp truyền hình OTT (nội dung phim và truyền hình được cung cấp qua đường truyền internet tốc độ cao) xuyên biên giới. Nghị định số 71/2022/NĐ-CP, Thông tư số 05 và 06 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung các quy định để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, loại hình cung cấp dịch vụ nội dung truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet. Các quy định tại những văn bản pháp luật nêu trên đã làm rõ các yêu cầu, điều kiện kinh doanh dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet, cho phép doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tham gia thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền để cung cấp nội dung truyền hình theo yêu cầu với cùng mặt bằng pháp lý, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Trước năm 2023, tại Việt Nam, 6 doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền bằng cách cung cấp dịch vụ nội dung truyền hình theo yêu cầu xuyên biên giới qua mạng internet. Đó là những doanh nghiệp quy mô khu vực và toàn cầu, đã và đang cung cấp dịch vụ ở nhiều nước với tiềm lực, kinh nghiệm phong phú. Điển hình là các doanh nghiệp đến từ Mỹ, như Netflix, Amazon Prime Video, AppleTV; Trung Quốc, như WeTV, iQIYI, MangoTV. Nội dung dịch vụ của các doanh nghiệp kể trên tập trung vào giải trí với các tuyến phim truyền hình, điện ảnh, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế, ký sự truyền hình,…khá phong phú về thể loại, hấp dẫn về nội dung, thu hút được một lượng thuê bao không nhỏ ở Việt Nam.
Để các doanh nghiệp nước ngoài thích ứng, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn, thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ các dịch vụ này nhằm đảm bảo dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài không vi phạm điều cấm của pháp luật Việt Nam, phải tuân thủ quy định mới ban hành giống như doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, Bộ cũng có nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải loại bỏ nội dung truyền hình vi phạm pháp luật Việt Nam và ban hành văn bản cho ý kiến đối với đề xuất đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của nước ta.
Tháng 12/2023, cả 6 doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu, như: Netflix, Amazon Prime Video, AppleTV, WeTV, iQIYI, MangoTV đều đã có văn bản báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông việc tạm thời chỉ duy trì phổ biến phim theo quy định của Luật Điện ảnh và sẽ tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị cần thiết để đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Hoạt động quản lý nhà nước trong năm 2023 đã đạt được một số kết quả khá tích cực, giúp thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền ổn định, phát triển lành mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài đã nhận thức rõ và bước đầu chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật Việt Nam.
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.