Tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống văn học, nghệ thuật - Bài 1: Khơi nguồn cảm xúc lớn cho văn, nghệ sỹ
- Cập nhật: Thứ hai, 5/2/2024 | 3:40:53 PM
Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ là tài sản vô giá của Đảng, của nhân dân Việt Nam; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Với lực lượng văn nghệ sỹ là những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, việc học tập này càng có ý nghĩa quan trọng vì mục đích xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức tinh thần vững chắc cho xã hội, nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa III, ngày 7/4/1965. Ảnh tư liệu: TTXVN
|
Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết "Tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống văn học, nghệ thuật”, phản ánh trong quá trình triển khai thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đội ngũ văn nghệ sỹ luôn dành nhiều thời gian, tâm huyết để sáng tác những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật bám sát cuộc sống, lấy cảm hứng từ tấm gương đạo đức, lối sống giản dị, giàu lòng nhân ái, đức hy sinh vì nước, vì dân của Bác Hồ. Bên cạnh đó, nhiều văn nghệ sỹ còn tiên phong tham gia các hoạt động tình nguyện, có nhiều đóng góp cho cộng đồng theo đúng lời dạy của Bác, làm tấm gương tốt cho thanh thiếu niên và xã hội.
Bài 1: Khơi nguồn cảm xúc lớn cho văn, nghệ sỹ
Trong hàng chục năm qua, tác phẩm nghệ thuật được Nhà nước Việt Nam sử dụng phổ biến trong tuyên truyền, từ kêu gọi nhân dân tham gia kháng chiến đến tuyên truyền các chủ trương, chính sách. Tiếp nối những thành quả ấy, thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang vận dụng có hiệu quả các loại hình nghệ thuật trong công tác lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tấm gương của Người dần đi vào ý thức, thói quen của người dân Thành phố. Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao đã ra đời và được giới chuyên môn cùng người dân đón nhận.
Mang lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lời hát
Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng vô tận để văn nghệ sỹ cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị. Nhiều kịch bản sân khấu nổi tiếng được các soạn giả, nghệ sỹ, nhà văn tại Thành phố Hồ Chí Minh viết về Bác Hồ như "Bến đợi”, "Dấu xưa”, "Khoảng lặng”, "Khát vọng Nà Nưa” …, hay như các nhạc phẩm đã đi vào đời sống nhân dân như "Nguồn sáng dẫn đường”, "Lời Bác sáng mãi muôn đời”, "Di chúc người còn đó”,…
Trong số "gia tài” hơn 100 ca khúc viết về Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương và đất nước của nhạc sỹ Trần Công Nghị, hơn hết, những ca khúc của ông viết về Bác Hồ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu âm nhạc, tiêu biểu như bài "Thành phố - khúc hát thi đua”. Đây là ca khúc giúp ông giành giải Nhất Cuộc vận động sáng tác và quảng bá ca khúc đề tài thi đua yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.
Ca khúc "Thành phố - khúc hát thi đua” có tiết tấu sôi nổi, mang tính chất kêu gọi, cổ vũ động viên người dân cùng hưởng ứng, đồng thuận, đồng lòng, ra sức thi đua vì một Thành phố mang tên Bác với niềm tin ngời sáng. Những ca từ vui tươi cùng giai điệu tràn đầy sức sống như khái quát nên một bức tranh cuộc sống mới của nhân dân với bao mơ ước đong đầy trên Thành phố Hồ Chí Minh tươi đẹp và thơ mộng.
Bên cạnh ca khúc "Thành phố - khúc hát thi đua”, 2 ca khúc "Vì Người là Hồ Chí Minh” và "Hát về Người - Đảng kính yêu” cũng được nhạc sỹ Trần Công Nghị hết sức tâm huyết. Nếu như ca khúc "Vì Người là Hồ Chí Minh” nói về những hy sinh của Bác trong những năm tháng bôn ba xứ người tìm đường cứu nước, thì ca khúc "Hát về Người - Đảng kính yêu” lại là lời tự sự từ trái tim, với âm điệu dạt dào, xúc cảm.
Để tiếp cận khán giả, nhạc sỹ Trần Công Nghị đã lấy cảm hứng từ những lời hay ý đẹp, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua xây dựng đất nước hay những lời căn dặn của Bác với các tầng lớp nhân dân, thế hệ mai sau để viết nên những ca từ. Theo Nhạc sỹ Trần Công Nghị, mỗi người dân Việt Nam luôn có sự tôn kính và lòng biết ơn đối với Bác. Hầu hết người dân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đều thuộc lòng "Năm điều Bác Hồ dạy”, được học các tác phẩm văn chương do Bác sáng tác nên những ca khúc lấy chất liệu sáng tác từ tấm gương đạo đức, tư tưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ "chạm” được đến trái tim của người dân và được đông đảo người dân đón nhận.
"Thành phố - Khúc hát thi đua” là một trong số nhiều các tác phẩm có chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được đánh giá cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là chủ đề không dễ, nhưng bằng tấm lòng của các nhạc sỹ đối với Bác cùng với tinh thần trách nhiệm cao của người nghệ sỹ, các tác giả đã sáng tác những ca khúc có chiều sâu. Trong đó, những ca khúc như "Lời Bác sáng Biển Ðông” (Trần Long Ẩn), "Dấu xưa” (Nguyễn Quang Vinh), "Cần, Kiệm, Liêm, Chính” (Lê Văn Lộc), "Tấm gương sáng” (Nguyễn Ðức Trung)…đã tạo được nhiều cảm xúc cho người nghe. Trong tương lai, với tình cảm chân thành dành cho Bác Hồ kính yêu, đội ngũ văn nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay về đề tài này, để từ đó, những điều tốt đẹp tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng hơn trong cộng đồng.
Dùng ngòi bút đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đến với nhân dân
Không chỉ trên lĩnh vực âm nhạc, những tác phẩm về Bác có chất lượng còn được thể hiện ở 9 hội chuyên ngành nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Từ mỹ thuật, văn học, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh… đều có những tác phẩm tạo được ấn tượng tốt trong lòng công chúng khi đề cập đến hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đơn cử như cuốn sách "Lòng nhân ái của Bác Hồ” được tác giả Trần Đình Việt nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn với hơn 500 trang. Bên cạnh phần tiểu luận, cuốn sách được tác giả tuyển chọn, sưu tầm từ 54 câu chuyện của nhiều tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước trong những dịp đặc biệt được gặp Bác Hồ. Trong phần tiểu luận, cuốn sách giúp người đọc hiểu sâu về chữ "nhân”, chữ "dân” trong lòng Bác Hồ; phân tích về lòng nhân ái của Người.
"Càng viết về Bác, tôi càng thêm cảm phục. Nhân ái chính là điểm sáng nhất trong lòng "nhân” của Bác Hồ. Trong đó, lòng nhân ái là cảm nhận bao trùm của hết thảy những ai được trực tiếp đối thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù họ khác nhau về tuổi tác, địa vị, chính kiến, nghề nghiệp, màu da…”, tác giả Trần Đình Việt chia sẻ.
Tương tự, sau thành công của 2 kịch bản sân khấu "Bến đợi” và "Dấu xưa”, soạn giả Thanh Bình đã nghiên cứu viết thêm 2 kịch bản mới về hình tượng Bác Hồ, đó là "Khoảng lặng” (sáng tác năm 2021) và "Khát vọng Nà Nưa” (sáng tác năm 2022). Theo soạn giả Thanh Bình, xây dựng hình tượng Bác Hồ bằng ngôn ngữ nghệ thuật là nguồn cảm hứng lớn và cũng là thách thức cả người sáng tác lẫn người thể hiện. Thể hiện hình tượng Bác trên sân khấu phải là hình ảnh gần gũi với các thế hệ công chúng về một lãnh tụ vĩ đại nhưng hết sức khiêm nhường, giản dị.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là mạch nguồn cảm hứng vô tận cho toàn Đảng, nhân dân ta nói chung và hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí nói riêng.
Thời gian qua, việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được nhiều văn nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh hưởng ứng nhiệt thành bằng những tình cảm trân quý nhất dành cho Bác. Đặc biệt là tại các cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật cấp Thành phố với quy mô lớn, phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức ở các lĩnh vực như: Âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học…
Cùng với đó, các giải thưởng này đã giới thiệu đến với người dân Thành phố những tác phẩm nghệ thuật thấm đẫm tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tác phẩm đều có cách khắc họa riêng, chân thực và sâu lắng, làm rung động lòng người; thể hiện những cung bậc cảm xúc, niềm kính yêu vô hạn của các tác giả đối với Bác Hồ.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê mong rằng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, về lòng tự hào là công dân Thành phố mang tên Bác; góp phần thiết thực và nhằm tri ân những hy sinh xương máu, tôn vinh những cống hiến to lớn của biết bao thế hệ cha anh để tạo nên những công trình vĩ đại, cho Thành phố mang tên Bác hôm nay phát triển mạnh mẽ và vững bền.
Bài 2: Văn nghệ sỹ tiên phong phục vụ cộng đồng theo lời căn dặn của Bác
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.