Tăng thêm trải nghiệm trực tiếp cho du khách tại lễ hội Xuân

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/2/2024 | 11:11:33 AM

Việt Nam với hàng ngàn lễ hội dân gian truyền thống là thế mạnh lớn để thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chúng ta mới tập trung vào việc thu hút khách mà chưa chú trọng đến việc tạo điều kiện cho khách trực tiếp tham gia và trải nghiệm.

Nhân dân nô nức trảy hội chùa Bái Đính. Ảnh: Hải Yến/TTXVN.
Nhân dân nô nức trảy hội chùa Bái Đính. Ảnh: Hải Yến/TTXVN.

"Mỏ vàng" chưa được khai thác

Lễ hội dân gian, trong đó có lễ hội Xuân là "cuộc sống của cộng đồng dân cư được tái hiện dưới hình thức tế lễ và hội”, lễ thì tôn nghiêm, hội thì vui vẻ, náo nhiệt.  

Lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử, có ý nghĩa cố kết cộng đồng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là hình thức giáo dục cho thế hệ trẻ về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông.

Trung bình mỗi ngày trên cả nước có gần 20 lễ hội dân gian nhưng tập trung dày đặc vào mùa Xuân.

Tại đồng bằng Bắc Bộ có 10 lễ hội lớn tiêu biểu thu hút đông khách thập phương mỗi dịp đầu xuân năm mới. Đó là Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương (Phú Thọ), Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Gióng Đền Sóc, Lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội), Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định), Lễ hội Đền Bà Chúa Kho, Hội Lim (Bắc Ninh), Hội Xuân Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội khai Xuân Tây Yên Tử (Bắc Giang), Lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Tại vùng núi phía Bắc, nhiều lễ hội độc đáo mang màu sắc văn hóa riêng của từng dân tộc thiểu số diễn ra vào mùa Xuân như Chợ tình Khâu Vai (Hà Giang), Lễ hội Xuống đồng ngày Xuân của dân tộc Tày, Dao (Yên Bái), Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông (Lào Cai), Lễ hội hoa Ban của dân tộc Thái (Sơn La, Điện Biên), Lễ hội Nhảy lửa của người Dao Đầu Bằng (Lai Châu), Lễ hội Cầu an bản mường (Hòa Bình)…

Tây Nguyên có Lễ hội Cồng chiêng, Lễ hội Đua voi, Lễ hội Cúng cơm mới, Lễ hội Tạ ơn cha mẹ…

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có các lễ hội cấp quốc gia tiêu biểu như Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam (An Giang), Lễ hội Nguyễn Trung Trực, hay còn gọi là Lễ hội Đình ông Nguyễn (Kiên Giang), Lễ hội Nghinh Ông (Cà Mau), Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo (Sóc Trăng)…

Mặc dù ngành du lịch, các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm khai thác thế mạnh lễ hội để hút khách thập phương, nhưng du khách nước ngoài đến với các lễ hội dân gian truyền thống còn rất ít. Như vậy có nghĩa là "mỏ vàng" chưa được khai thác, chưa mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.  

Mới chỉ xem, ít được tham gia, trải nghiệm

Chú thích ảnh

Phần thi vòng xòe sáng tạo kết hợp vũ điệu kết đoàn tại Hội Xuân dâng Bác Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Vùng châu thổ sông Hồng, chiếc nôi của nền văn minh lúa nước, có mật độ lễ hội dân gian đậm đặc nhất. Hầu như làng nào, dòng họ nào cũng có lễ hội riêng.   

Nhiều lễ hội ở Bắc Bộ mang nặng phần lễ, còn phần hội thường na ná nhau, thiếu bản sắc và ít để lại ấn tượng.

Các lễ hội xuất phát từ nền nông nghiệp, nhằm phục vụ chính cộng đồng địa phương. Ngoài yếu tố tâm linh, tính "hướng nội” của các lễ hội ở Vùng đồng bằng Bắc Bộ (chỉ dành cho người trong làng, xã là chính) là dấu trừ đối với du khách nước ngoài. Tại đây, đôi khi họ cảm giác mình là người ngoài cuộc, khó hòa nhập.

Có những lễ hội cởi mở hơn nhưng khách quốc tế hầu hết cũng chỉ tham gia từ góc độ người quan sát, ít cơ hội trực tiếp trải nghiệm như người trong cuộc. Trong khi đó, tính trải nghiệm mới đóng vai trò quan trọng trong hành trình của du khách, nhất là khách quốc tế.

Theo các chuyên gia du lịch, đúng ra lễ hội địa phương phải là loại hình văn hóa hút khách nước ngoài. Bởi lẽ, qua lễ hội du khách hiểu biết hơn về văn hóa, phong tục, tập quán, tính cách con người của mỗi vùng miền. Tại lễ hội, mọi người bình đẳng, người già, người trẻ, nam giới hay phụ nữ, da trắng, da màu đều có thể tham dự theo khả năng và ý thích của mình, không cần đến ngôn ngữ.

Ở nhiều nước, khách du lịch quốc tế dễ dàng hòa nhập với người dân địa phương, rất thoải mái tham gia các hoạt động lễ hội, chẳng hạn như lễ hội té nước ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar; lễ hội ném cà chua ở Tây Ban Nha, lễ hội ném cam ở Italy, lễ hội bia Oktoberfest ở Đức, lễ hội rượu vang ở Pháp…

Đặc tính "đồng tham gia” (participation) của lễ hội giúp thu hút đông đảo khách nước ngoài mỗi năm, mang lại nguồn ngoại tệ lớn. Doanh thu từ 5 ngày Lễ hội Rio Carnival (Brazil) diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 3 hằng năm có thể lên đến hơn 1 tỷ USD.

Gần đây, một số lễ hội ở Việt Nam đã cố gắng đẩy mạnh tính "đồng tham gia”, tăng tương tác với du khách như mời du khách tham gia múa sạp, múa xòe, đánh cồng chiêng, chơi ném còn cùng người dân địa phương. Một số lễ hội "nhập khẩu” từ nước ngoài như Lễ hội Carnival ở Quảng Ninh, Lễ hội Halloween ở Thành phố Hồ Chí Minh, Festival Dù lượn ở Yên Bái…cũng bước đầu thu hút người dân, du khách cùng tham gia.

Nhiều khu nghỉ mát ở Mũi Né (Bình Thuận) tổ chức lễ hội gói bánh chưng cho du khách nước ngoài. Ban Tổ chức chuẩn bị sẵn nguyên liệu. du khách sau khi được giới thiệu về sự tích bánh chưng, bánh giầy đã được hướng dẫn cách gói bánh chưng, du khách nước ngoài cũng trực tiếp trổ tài gói bánh nhanh và đẹp. Những chiếc bánh được luộc chín và tặng cho du khách để họ thưởng thức trong ngày Tết.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty Du lịch Tự hào Việt Nam (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Trải nghiệm văn hóa thú vị thường để lại ấn tượng rất sâu sắc cho du khách về một điểm đến. Chỉ khi để lại ấn tượng sâu sắc, mới tăng khả năng thu hút khách ở lại lâu và sử dụng nhiều dịch vụ hơn. Đây cũng được xem là kênh quảng bá truyền miệng hiệu quả để thu hút các du khách khác. Điểm hạn chế của rất nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội ở Huế chính là tính trải nghiệm kém. Du khách nước ngoài chủ yếu chỉ dừng ở mức khám phá, tham quan, khiến các sự kiện thường không duy trì được lâu và giảm dần sức thu hút.

Năm 2015, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chọn 20 lễ hội tiêu biểu trong cả nước để đầu tư thể nghiệm nhằm biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Trong số này có Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Hưng Yên), Lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam (An Giang), Lễ hội Katê của đồng bào Chăm (Ninh Thuận), Lễ hội Oóc Om Bóc (Sóc Trăng)…

Theo Báo Tin tức

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục