Những lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Giang
- Cập nhật: Thứ hai, 26/2/2024 | 3:17:36 PM
Phần lớn trong số hơn 500 lễ hội lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào mùa xuân gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam. Được gìn giữ qua bao đời, các lễ hội ngày càng tỏa sáng các giá trị đặc sắc, tiêu biểu, làm giàu có thêm bản sắc văn hóa, tô thắm truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Tái hiện lễ tế cờ của nghĩa quân Yên Thế tại lễ hội Yên Thế.
|
Hào khí Xương Giang
Lễ hội Xương Giang được tổ chức hằng năm vào mùng 6 và 7 tháng Giêng. Đây là lễ hội lịch sử kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt đập tan gần 10 vạn quân Minh xâm lược. Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang được sử sách coi là trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Lễ hội chiến thắng Xương Giang. Ảnh: Trương Xuân Thắng. |
Lễ hội Xương Giang là một trong những lễ hội có quy mô và sức lan tỏa lớn. Nơi khai hội ngày nay là đền Xương Giang - trung tâm của Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, thuộc phường Xương Giang với những nghi lễ tôn nghiêm, rực rỡ sắc màu. Trong ngày chính hội mùng 6 tháng Giêng, cùng với các đoàn rước hoành tráng là lễ dâng hương được tổ chức long trọng; lễ chào cờ, đọc diễn văn, đọc "Đại Cáo Bình Ngô”, lễ múa ra quân được tiến hành trang nghiêm trong nhạc hiệu trầm hùng và thúc giục lòng người. Ngay sau đó, các trò chơi dân gian được tổ chức như: Cờ người, vật, bóng đá, chọi gà, chơi đu và biểu diễn quan họ, chèo; tái hiện không gian chợ quê... diễn ra đến hết hội.
Linh thiêng lễ hội xuân Tây Yên Tử
Lễ hội Xuân Tây Yên Tử gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang những năm gần đây đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch thường niên của tỉnh được tổ chức tại huyện Sơn Động.
Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hoá- Du lịch tỉnh năm 2023. |
Lễ hội nhằm quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật về tiềm năng du lịch của tỉnh, đặc biệt là không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử; tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông và các vị tam tổ thiền phái Trúc Lâm. Các hoạt động nổi bật như lễ rước; lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch với màn nghệ thuật đặc sắc, nghi lễ thỉnh chuông, cầu quốc thái dân an. Ngoài ra có nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh, nghệ thuật, thể thao như: Hội Báo xuân, trưng bày ảnh đẹp về các sự kiện nổi bật và thành tựu KT-XH; Giải vô địch kéo co, đẩy gậy tỉnh...
Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử là khu du lịch kết hợp tổng hòa các yếu tố văn hóa, lịch sử, sinh thái thiên nhiên của vùng Tây Yên Tử, tạo nên một điểm nhấn du lịch của tỉnh Bắc Giang nói riêng và khu vực nói chung.
Lễ hội Yên Thế - còn đây bóng "hùm thiêng”
Đây là một trong số rất hiếm lễ hội được tổ chức vào ngày dương lịch - ngày 16/3 hằng năm tại thị trấn Phồn Xương trung tâm huyện Yên Thế và một số địa điểm liên quan. Lễ hội lịch sử nhằm tưởng nhớ thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế oai hùng chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Lễ hội bắt đầu bằng bài diễn văn khai hội, tiếp theo là lễ diễu hành biểu dương sức mạnh của các lực lượng, màn nghệ thuật hoành tráng do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo thể hiện hình tượng Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân của ông...
Ngay sau lễ diễu hành và màn nghệ thuật là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò vui dân gian được tổ chức ở nhiều địa điểm. Những năm gần đây, các di tích trong hệ thống Di tích quốc gia Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được Nhà nước quan tâm đầu tư tôn tạo, phục dựng khang trang từ nhiều nguồn. Hằng năm vào dịp đầu xuân và lễ hội, hàng vạn du khách trong tỉnh, trong nước, quốc tế đã về đây thăm lại những dấu tích xưa, dâng hương tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.
Vật cầu nước làng Vân - lễ hội độc nhất vô nhị
Lễ hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức tại đền Hạ (đền Chính) làng Vân (xóm 4, thôn Yên Viên), xã Vân Hà, huyện Việt Yên. Lễ hội vật cầu nước là để ôn lại tích xưa nhà Thánh đi dẹp giặc, là dịp để tạ ơn Thánh đã ban cho dân làng cuộc sống ấm no. Theo hương ước của làng, 4 năm tổ chức lễ hội vật cầu nước một lần.
Một pha tranh cầu tại lễ hội vật cầu nước làng Vân. |
Trận đua cướp cầu diễn ra sôi nổi trên sân bùn trong tiếng hò reo của dân làng. Các quân cầu đang ở tư thế ngồi vòng tròn trong sân cầu nhận tiếng trống lệnh liền đứng dậy nâng cầu lên trên đầu vừa reo hò và tranh nhau quả cầu để thả vào lỗ của bên đối phương. Cuộc tranh đua rất gay cấn, bởi thế vật cầu nước có thể diễn ra 2, 3 ngày. Thường mỗi bên thắng một trận và hòa một trận. Kết thúc cuộc chơi, xóm đăng cai rửa sạch cầu rồi lại đặt lên đẳng để làm lễ tạ Thánh.
Lễ hội vật cầu nước làng Vân mang đậm nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước, mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh.
Lễ tế "Ông Lang" ở làng Tân Phượng
"Nhất niên, nhất lệ”, đến hẹn, làng Tân Phượng (tên cũ là Phụng Công Trang), xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) lại tổ chức việc làng để tế lễ và rước "Ông Lang" vào ngày 12/2 (âm lịch) hằng năm. Đây cũng là ngày hội lệ của làng. Tương truyền, vị thần được thờ trong nghè Phụng Pháp tên là Hoàng Phó Lang, là viên quan thời Lê và cũng là người trí thức đầu tiên của làng. Ông luôn quan tâm khai phá đất đai, chăm lo mùa màng, giúp nhân dân trong vùng có đời sống no ấm. Ghi nhớ công ơn của ông, dân làng lập nghè thờ. Trong lễ tế, rước nhất định phải chọn lợn đực đen tuyền còn sống. Cũng để tỏ lòng thành kính, người làng thường gọi "Ông Lang". Để có "Ông Lang" như ý, các hộ chọn con giống và chăm sóc rất kỹ lưỡng chờ đến ngày mở việc làng.
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.