Mùa lễ hội 2024: Chưa thể hài lòng!

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/3/2024 | 2:44:15 PM

Có thể thấy, nhiều biện pháp “dẹp loạn” lễ hội khá kiên quyết của ngành văn hóa và các địa phương đã tạo nên những kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, để có được những lễ hội an toàn, văn minh, sẽ còn cần nhiều hơn thế…

Nghi thức rước lễ vật tại Lễ hội Huyền Thiên Hắc Đế Xuân Giáp Thìn 2024 (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Đình Trung
Nghi thức rước lễ vật tại Lễ hội Huyền Thiên Hắc Đế Xuân Giáp Thìn 2024 (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Đình Trung

Tháng Giêng năm Giáp Thìn - tháng khởi đầu mùa Lễ hội 2024 - đã khép lại trong yên ả. Những phàn nàn về tình trạng chặt chém hay tranh cướp, ẩu đả đã giảm nhiều. 

Đã bớt đi xô bồ, phản cảm

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước ta hiện có gần 9.000 lễ hội truyền thống. Các lễ hội được tổ chức rải rác vào nhiều thời điểm trong năm nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là dịp đầu năm mới. Nhiều lễ hội mở màn từ ngay sau Tết Nguyên đán như: Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội Bà Chúa Kho, Lễ hội đền Gióng, Lễ hội Xuân Ná Nhèm, Lễ hội Tịch điền, Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc… Trong suốt tháng Giêng, hầu như tất cả các lễ hội, các di tích lịch sử, văn hóa đều đông khách. Đáng mừng là các Lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 hầu hết đều diễn ra vui tươi, an toàn, ít xảy ra tình trạng lộn xộn, thương mại hóa.

Tại đền Sóc, những năm trước đây, Hội Gióng còn xảy ra tình trạng nhiều người xô đẩy, giẫm đạp thậm chí đánh nhau để tranh cướp lộc, nhưng năm nay đã diễn ra khá trang nghiêm, trật tự với các nghi lễ truyền thống. Tại Lễ Khai ấn Đền Trần Nam Định, Ban tổ chức đã chuyển hoạt động phát ấn từ đêm 14 sang rạng sáng ngày Rằm tháng Giêng và kéo dài sang nhiều ngày sau nên những hình ảnh phản cảm như người dân xô đẩy, ném tiền vào kiệu ấn hay tranh cướp lộc ấn cũng không còn tái diễn.

Lễ hội Chùa Hương luôn là tâm điểm được nhắc đến khi công tác tổ chức, lễ hội những năm trước để xảy ra nhiều tồn tại về vệ sinh môi trường, chèo kéo khách, nhiều biểu hiện thiếu văn minh nơi thờ tự… thì trong mùa Lễ hội Xuân Giáp Thìn, tình trạng trốn vé, chèo kéo khách hàng, xin thêm tiền hầu như không còn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đều được du khách đánh giá khá tốt.

Tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn những bất cập, thậm chí những vấn đề tồn tại từ lâu vẫn còn đó. Trước đây, đã có những ý kiến lo ngại tình trạng "sân khấu hóa”, "hoành tráng hóa” lễ hội, sự can thiệp quá mức của chính quyền vào hoạt động lễ hội, chủ thể của lễ hội bị gạt ra ngoài, không được tham gia những lễ thức quan trọng, khiến những di sản truyền thống bị biến dạng, sai lệch, xa rời những giá trị truyền thống tốt đẹp... Những vấn đề này chưa ai có thể khẳng định là đã khắc phục được hoàn toàn trong mùa Lễ hội 2024.

Đặc biệt, cuộc tranh luận về các lễ hội "chém lợn, đâm trâu” tưởng chừng đã kết thúc khi nhiều lễ hội phản cảm, bạo lực bị "tuýt còi” nhưng đến nay vẫn còn âm ỉ sự tiếc nuối ở chính cộng đồng chủ thể của lễ hội. Ở những lễ hội có màn tranh cướp lộc, hoạt động này đã cắt bỏ khiến lễ hội diễn ra ít điều tiếng hơn, nhưng người dân lại cho rằng vì thế, lễ hội "bớt vui” hơn.

mua le hoi 2024 chua the hai long hinh 2


Nghi lễ rước vua giả tại lễ hội đền Sái, làng Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Đình Trung

Những điều này có thể thấy ở Lễ hội Hiền Quan. Năm 2023, rất đông thanh niên tập trung trước sân đền hô hào, xô đẩy đòi cướp phết ngay tại sân tế lễ của đền. Đến mùa hội năm nay, người dân Hiền Quan tiếp tục vây quanh đền để đòi cướp phết, khiến lực lượng chức năng phải vất vả đứng ra can thiệp để vãn hồi trật tự.

Tại hội Lim, sau mùa Lễ hội 2023 việc quan họ "ngửa nón nhận tiền” bị "nghiêm cấm” nhưng có vẻ không hiệu quả thì đến năm 2024, chính quyền huyện Tiên Du đã phải "xuống thang”, chính thức cho phép các liền anh, liền chị được nhận tiền "thướng” của du khách, nhưng lưu ý "phải đảm bảo văn hóa, phù hợp với giá trị truyền thống”.

 

Bộ tiêu chí về văn hóa lễ hội đã đủ để "quản”?

Năm 2024 cũng là mùa lễ hội đầu tiên thực hiện "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Theo đại diện Cục Văn hóa cơ sở, bộ tiêu chí này là công cụ quan trọng để nâng cao hiệu quả tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm. Đây cũng chính là công cụ và thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của hoạt động lễ hội tại địa phương. Thông qua bộ tiêu chí này, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục lạc hậu...

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, việc có một Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội là cần thiết. Theo GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ tiêu chí quy định rõ từ quy trình tổ chức, nội dung lễ hội đến việc đảm bảo an toàn phòng cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… để cộng đồng cũng như chính quyền địa phương có căn cứ thực thi. Tuy nhiên, GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh hơn đến vai trò của cộng đồng, bởi cộng đồng mới chính là người sát sao nhất để thực hành và điều chỉnh những hành vi trong lễ hội.

mua le hoi 2024 chua the hai long hinh 3


Lễ hội "Rước Vua Hùng về làng vui Xuân” tại Đình Cả, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Ảnh: Đình Trung

Còn theo GS.TS Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Bộ tiêu chí bao trùm cho tất cả các lễ hội hơi rộng và hơi chung chung, chưa bám sát cấu trúc và không gian của một lễ hội truyền thống. Để có thể áp dụng được thì buộc các địa phương phải đưa ra các tiêu chí cụ thể của địa phương mình. Ông Nguyễn Chí Bền cho rằng, để Bộ tiêu chí thực sự bám sát vào đúng trọng tâm của các lễ hội truyền thống thì đơn vị xây dựng nên tham khảo thật kỹ ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội.

Ở một góc nhìn khác, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ đánh giá, Bộ tiêu chí là công cụ điều chỉnh để lễ hội diễn ra một cách an toàn, văn minh. Tuy nhiên, đáng tiếc là Bộ tiêu chí này nặng về quản lý mà chưa đưa ra một kế hoạch về phát huy, phát triển lễ hội. Từ đó, ông Nguyễn Hùng Vĩ khuyến nghị, chúng ta nên có một kế hoạch rất cụ thể cho sự phát huy, phát triển của những di sản lễ hội.

"Việc quản lý là chức trách của cơ quan Nhà nước nên Bộ tiêu chí nghiêng về quản lý là dễ hiểu. Nhưng quy luật của cuộc sống cũng như lễ hội là phát triển và thời của chúng ta chỉ là một lát cắt trong sự phát triển chung. Trong lát cắt đó, chúng ta làm thế nào để tạo ra giá trị cho mai sau, đó là điều đáng lẽ cần được nhấn mạnh” - ông Nguyễn Hùng Vĩ nói.

Các chuyên gia văn hóa thống nhất rằng, lễ hội ra đời nhằm đáp ứng nhu văn hóa tinh thần của người dân bản địa; mỗi lễ hội đều mang ý nghĩa riêng gắn với truyền thống, đời sống tinh thần của chính địa phương đó. "Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”. Vì thế, tổ chức lễ hội dứt khoát phải là việc của cộng đồng người dân bản địa. Để có được những mùa lễ hội văn minh, an toàn, không thể thiếu sự chung tay của cộng đồng, sự nghiên cứu bài bản, đầy đủ về lễ hội của nhà khoa học. Từ đó tìm ra giải pháp căn cơ, để làm sao "gạn đục khơi trong”, lan tỏa giá trị tốt đẹp và giảm thiểu tiêu cực tại các lễ hội… Về phía chính quyền, cần có những biện pháp quản lý lễ hội phù hợp với xu thế chung và không làm ảnh hưởng, dẫn đến sự biến mất của lễ hội với tư cách là một di sản do cha ông để lại.

Theo Báo NB&CL

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục