Nhận thức đúng về ghi danh để bảo vệ di sản tốt hơn

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/4/2024 | 3:08:02 PM

Theo số liệu thống kê, Việt Nam sở hữu 15 di sản văn hóa phi vật thể, năm di sản văn hóa vật thể và chín di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Chúng ta đang tiếp tục xúc tiến, hoàn thiện hồ sơ nhiều di sản để trình UNESCO trong thời gian tới. Tính đến tháng 12/2023, bên cạnh các di sản vật thể, hiện có 534 di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước đã được công nhận trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhận thức đúng về ghi danh để bảo vệ di sản tốt hơn

Hiện nay, một số di sản ở các loại hình đang được triển khai xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO ghi danh. Mới đây nhất, Hà Nội đang xây dựng hồ sơ đề nghị phở, một loại hình nghệ thuật ẩm thực đặc sắc của Thủ đô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau khi hoàn thành và được công nhận, các cơ quan chức năng thành phố sẽ liên kết cùng một số địa phương trong cả nước phối hợp xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh phở Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể thế giới... Việc cộng đồng có di sản được ghi danh có thể coi là niềm vinh dự, tự hào và cũng là cam kết của các quốc gia có di sản đóng góp vào việc bảo vệ sự đa dạng văn hóa của nhân loại.

Theo các chuyên gia về di sản, đối với UNESCO và nhất là với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc có di sản được ghi danh ở khía cạnh nào đó rất cần thiết. Ðiều này góp phần nâng cao uy tín, vị thế, nhận thức của cộng đồng quốc tế và cộng đồng thực hành bảo vệ di sản của họ. Việc ghi danh cũng góp phần tăng cường các nguồn lực từ quốc tế, từ Chính phủ, các tổ chức và từ các chương trình, dự án của địa phương trong đầu tư bảo vệ di sản.

Mặt khác, di sản được ghi danh cũng nâng tầm giá trị, vừa tăng sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, vừa hình thành các sản phẩm văn hóa, du lịch từ di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Quan trọng hơn, việc ghi danh sẽ tác động tới nhận thức, là nguồn động viên lớn của cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản.

Với nhiều di sản, việc ghi danh còn mang ý nghĩa thay đổi về giá trị, ý nghĩa của di sản theo hướng tích cực. Một thí dụ, năm 2011, UNESCO ghi danh hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, di sản đang trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp từ nghệ nhân, người thực hành và không gian văn hóa thực hành.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phải bảo vệ di sản, sau khi được ghi danh, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp: xây dựng và triển khai đề án bảo vệ di sản hát Xoan, chăm lo bồi dưỡng nghệ nhân và đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận, ban hành chính sách hỗ trợ để các nghệ nhân truyền dạy, lan tỏa di sản trong cộng đồng, tích cực phục dựng các không gian văn hóa thực hành, các nghi thức, tục lệ liên quan đến hát Xoan… Với nhiều cách làm cụ thể, chỉ sau sáu năm, hát Xoan Phú Thọ đã đổi danh hiệu khi được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017.

Thực tế cho thấy, việc ghi danh còn tăng cường sự trao đổi văn hóa giữa các quốc gia và gia tăng sự gắn kết cộng đồng thực hành di sản cũng như thúc đẩy khôi phục và phát triển các loại hình di sản liên quan, tiêu biểu như Nghi lễ và trò chơi kéo co của cộng đồng. Không chỉ trong phạm vi quốc gia, từ những đặc điểm chung cốt lõi, di sản văn hóa này là yếu tố thúc đẩy Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc và Campuchia tổ chức giao lưu, kết nối cùng bảo vệ di sản trong đời sống đương đại để được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mang tính đa quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay, có tình trạng một số cộng đồng có di sản chưa nhận thức đúng, thậm chí hiểu theo nghĩa hẹp ghi danh là vinh danh, chỉ hiểu theo ý nghĩa xếp hạng hay nâng tầm đẳng cấp mà chưa thấy ý nghĩa rộng lớn hơn trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản, đưa di sản vào cuộc sống cộng đồng. Chính từ cách hiểu phiến diện này đã dẫn đến việc phân biệt đối xử và so sánh giữa các di sản, nhất là với các di sản phi vật thể khi đâu đâu cũng mong muốn xây dựng hồ sơ di sản mà không dựa trên những đánh giá khoa học và chưa có sự vận động, tuyên truyền thiết thực trong sự chung tay của cộng đồng. Cũng vì nhận thức như vậy, một số nơi chỉ chú trọng quảng bá, tuyên truyền về hình thức, cho rằng di sản văn hóa phi vật thể họ đang nắm giữ là độc đáo nhất, đặc sắc nhất, hoành tráng nhất…, cho nên có những việc làm, hành động làm sai lệch bản chất của di sản.

Các danh hiệu quốc tế và trong nước với di sản giúp gia tăng động lực để các quốc gia, tỉnh, thành phố làm hồ sơ ghi danh, nhưng cách nhìn nhận chưa đầy đủ khiến việc ghi danh đã và đang mang đến những tác động ngược, khiến các cộng đồng chạy theo danh hiệu, truyền thông quá đà, ngộ nhận về danh hiệu. Ðáng nói là khi được ghi danh, chính quyền các địa phương cũng chưa có các biện pháp cụ thể hỗ trợ cộng đồng bảo vệ di sản đúng hướng.

Theo các nhà chuyên môn, ghi danh là một nghiệp vụ về di sản, nhưng đối với di sản văn hóa phi vật thể, điều này mang ý nghĩa tinh thần và mang giá trị về văn hóa xã hội hơn là cách hiểu về xếp hạng hay đẳng cấp. Dù được ghi danh hay không, các di sản văn hóa phi vật thể được trao truyền qua các thế hệ, đi vào tâm thức cộng đồng sẽ luôn tồn tại và được cộng đồng thực hành, gìn giữ. Mục đích của việc ghi danh là để bảo vệ di sản tốt hơn, đồng thời bảo đảm sự tồn tại bền vững của di sản cho thế hệ hiện tại và tương lai. Còn đối với từng hạng mục ghi danh như đối với Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại thì việc công nhận sẽ bảo đảm tầm nhìn rõ ràng hơn cũng như nhận thức về tầm quan trọng của di sản. Ðối với danh sách văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, việc ghi danh sẽ góp phần thực hiện các biện pháp bảo vệ thích hợp để giảm thiểu các nguy cơ khiến di sản bị mai một…

Trong bối cảnh việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đang được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá cũng như trong Dự thảo Luật Di sản, văn hóa (sửa đổi) cần thảo luận, làm rõ những điều khoản cụ thể về mục đích, tiêu chí ghi danh để cộng đồng hiểu rõ ý nghĩa công tác này, từ đó nỗ lực trong thực hành và bảo vệ di sản.

Theo Báo NDĐT

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục