Sống lại một giai đoạn lịch sử hào hùng
Ngay trong lễ khai mạc Tuần phim tại rạp chiếu phim Điện Biên Phủ, Cục Điện ảnh tổ chức trưng bày một số bức ảnh tư liệu về Đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và trao tặng những tư liệu quý giá này cho Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đây là sự ghi nhận những đóng góp của đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ thế hệ đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc bằng hình ảnh, đóng góp vào chiến thắng vĩ đại của Cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò Tổ quay phim trước khi đi Chiến dịch. (Nguồn: Cục Điện ảnh) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Chiến khu Việt Bắc - 1951. (Nguồn: Cục Điện ảnh) Từ trái sang Hàng đầu: 1: chưa xác định; 2: Quay phim Phan Nghiêm; 3: Quay phim Nguyễn Tiến Lợi, 4: Quay phim Hoàng Thái; 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh; 6: Nhiếp ảnh Đinh Đăng Định; 7: Quay phim Nguyễn Đăng Bảy. Hàng thứ hai: 1: Đạo diễn Lê Minh Hiền; 2: chưa xác định; 3: Quay phim Nguyễn Thụ; 4: chưa xác định; 5: Nhiếp ảnh Tô Na. |
"Một thế hệ vàng” của điện ảnh cách mạng Việt Nam
Đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ - Những người chép sử Điện Biên bằng hình ảnh. Ảnh chụp ngày 8/5/1954. (Nguồn: Cục Điện ảnh). Từ trái sang: Hàng đầu: 1. Quay phim chính, Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi; 2. Quay phim Nguyễn Đăng Bảy; 3. Quay phim Nguyễn Phụ Cấn; 4. Quay phim Nguyễn Như Ái; 5. Quay phim Nguyễn Ngọc Quỳnh. Hàng thứ hai: 1. Quay phim Nguyễn Hồng Nghi; 2. Quay phim Nguyễn Thụ; 3. Quay phim Phan Trọng Quỳ; 4. Nhiếp ảnh Triệu Đại; 5. Nhiếp ảnh Đinh Ngọc Thông. Hàng thứ ba: Ông Nguyễn Sinh, người dân tộc giúp đoàn mang vác dụng cụ. |
Trong tấm ảnh "Đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ - Những người chép sử bằng hình" có sự xuất hiện của 11 người, là những nhà quay phim, nhiếp ảnh đã làm nên bộ phim tài liệu "Điện Biên Phủ", và những tác phẩm nhiếp ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng chiến thắng vĩ đại "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Đó là NSƯT Nguyễn Tiến Lợi (1918-2008) là đạo diễn kiêm quay phim chính của đoàn làm phim tài liệu tham gia Chiến dịch; ông cũng là một nghệ sĩ điện ảnh hiếm hoi được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật trong cả lĩnh vực Điện ảnh (2012) với bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ (1954); vào năm 1973, bộ phim đã được trao tặng Giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 2 và lĩnh vực Nhiếp ảnh (2007) với tác phẩm ảnh "Xung phong" (1947). Ông là một chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô kiêm phóng viên ảnh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Các nhà quay phim tham gia trong Đội quay phim Chiến dịch Điện Biên Phủ còn có Đạo diễn, NSND Nguyễn Hồng Nghi (1918-1991); Đạo diễn, NSND Phan Trọng Quỳ (1924-1981); Đạo diễn, NSND Nguyễn Ngọc Quỳnh (1932-2010); Quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy (1923-2007); Đạo diễn Nguyễn Thụ (1934-2002); Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Như Ái (1925-2004); Quay phim, kỹ thuật Nguyễn Phụ Cấn sau này đều được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng và danh hiệu cao quý; các tác phẩm điện ảnh của họ đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ khán giả, đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Triệu Đại (1920-1992) khi đó là phóng viên ảnh quân đội tại Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị tham gia chụp ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bộ ảnh lịch sử "Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954” (gồm 5 ảnh: Phất cờ trên nóc hầm De Castries (1954); Bộ đội vượt cầu Mường Thanh chiếm chỉ huy sở của De Castries (1954); Dẫn giải tù binh Pháp qua đường Mường Phăng - Điện Biên Phủ (1954); Bác Hồ tặng huy hiệu cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh - một trong những chiến sĩ đã bắt sống tướng De Castries ở Điện Biên Phủ; Kéo pháo vào trận địa (Voi ra trận) (1954) đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001). Ông đã được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đinh Ngọc Thông (1930-2022) cũng là phóng viên báo Quân đội tại mặt trận Điện Biên Phủ. Năm 2007, tác phẩm ảnh "Chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ đọc thư nhà dưới chiến hào" đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Ông được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
Và ông Nguyễn Sinh, là một người dân tộc được phân công giúp đội mang vác, vận chuyển các thiết bị kỹ thuật, góp phần xứng đáng vào thành công chung của toàn đoàn.
Lịch sử ghi dấu trong những bức ảnh vô giá
Để có những bức ảnh quý giá giới thiệu đến công chúng, Ban tổ chức đã dành nhiều thời gian cho việc sưu tập tư liệu. Điều đáng quý là những bức ảnh được chính gia đình các nghệ sĩ lưu giữ cẩn thận qua hàng chục năm và sẵn sàng trao tặng lại cơ quan chức năng để phục vụ cho sự kiện Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và sau đó trao tặng lại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ như một sự tri ân đối với các nghệ sĩ hàng đầu của Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam; cũng là niềm tự hào của ngành và mỗi gia đình nghệ sĩ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cùng các cán bộ Viện Phim Việt Nam đến làm việc tại nhà Đạo diễn, NSƯT Tiến Lợi. (Nguồn: Cục Điện ảnh). |
TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Điện ảnh, người trực tiếp tiếp nhận các bức ảnh tư liệu từ các gia đình nghệ sĩ xúc động kể lại: "Nhà quay phim, NSƯT Nguyễn Lê Văn, con trai cụ Nguyễn Đăng Bảy đã tự đi in lại tấm ảnh tư liệu, ghi chú lại cẩn thận theo lời kể của người cha mình, rồi lại tự tay mang tấm ảnh đang được đóng khung trang trọng treo tại nhà giao lại cho tôi để thực hiện việc in sao ảnh cho chất lượng. Nhà dựng phim Việt Hương, con gái cụ Tiến Lợi; Đạo diễn, NSND Như Vũ con trai cụ Như Ái; Đạo diễn Triệu Tuấn, con trai cụ Triệu Đại, Biên kịch Nguyễn Thị Lợi người vợ của cụ Nguyễn Thụ; anh Đoàn Dũng, con trai cụ Nguyễn Thế Đoàn; quay phim Lưu Vinh, con trai cụ Lưu Xuân Thư đã nhiệt tình đóng góp những bức ảnh tư liệu quý cùng những câu chuyện đi theo mỗi bức ảnh. Mỗi buổi gặp gỡ, trao đổi đều để lại những ân tình, kỷ niệm sâu sắc cho những người con”.
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng trên nóc hầm De Castries - Hình ảnh trích trong bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ (sản xuất 1954), được quay trực tiếp trên chiến trường. (Nguồn: Cục Điện ảnh) |
Trong số những bức ảnh tư liệu, hình ảnh lá cờ quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm De Castries trích trong bộ phim tài liệu "Điện Biên Phủ" (sản xuất năm 1954) được quay trực tiếp trên chiến trường đã trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: "Phim tài liệu Điện Biên Phủ được rất nhiều thế hệ khán giả yêu quý, truyền thông quốc tế quan tâm và đánh giá cao, nhưng những người làm nên những tác phẩm đó đều rất khiêm nhường, họ đều cảm nhận được sự may mắn, vinh dự khi được trực tiếp tham gia, góp một phần nhỏ vào chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc.
Hơn nữa, vào những năm kháng chiến chống Pháp, điều kiện để quay phim, chụp ảnh rất khó khăn, việc có một bức ảnh chụp những người làm phim là rất hiếm hoi. Những bức ảnh này đều được các gia đình nghệ sĩ lưu giữ rất cẩn trọng, được coi là những kỷ niệm vô giá, tự hào về người cha đã là một người nghệ sĩ, chiến sĩ Điện Biên trong những tháng năm lịch sử của đất nước”.
Trong không khí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những bức ảnh tư liệu đã mang lại cảm xúc đặc biệt với công chúng. Nhiều bạn trẻ cho biết khi đứng trước những bức ảnh đen trắng đã phai mầu theo thời gian thấy tự hào hơn về lịch sử dân tộc và yêu thêm Tổ quốc mình.