Điểm mặt top 10 chung khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn lần 5 – 2024

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/5/2024 | 2:43:29 PM

Ban sơ khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn lần 5 – 2024 đã chọn ra Top 10 tác phẩm xuất sắc nhất lọt vào vòng chung khảo. Top 10 chung khảo được đánh giá là khá phong phú.

Trong số các tranh truyện "chữ to” dành cho lứa tuổi nhi đồng, loạt tác phẩm của nhà văn May (bút danh khác là Tịnh Tâm, tên thật là Nguyễn Hồng Phượng) nổi bật bởi chất thơ đậm đặc.

Có những cuốn sách, nếu lược đi phần tranh công phu của họa sĩ thì vẫn còn là một bài thơ thiếu nhi nhỏ xinh mà sâu sắc (Con sẽ nhận ra bố dù bố ở bất cứ nơi đâu, Con sẽ nhận ra mẹ dù mẹ ở bất cứ đâu).

Riêng cuốn "Bánh mì gối xinh” có cái kết không phải là xuất sắc lắm, nhưng tự thân câu chuyện về cuộc phiêu lưu của chiếc bánh mì gối thì thật thú vị và lạ lùng, khiến độc giả không thể rời mắt khỏi diễn biến câu chuyện.

7 cuốn sách thiếu nhi của nhà văn May được lọt vào Top 10 đều nằm trong tủ sách "Vun đắp tâm hồn” của NXB Kim Đồng. Đó là các cuốn: "Trời tối rồi em bé của mẹ ơi",  "Trời sáng rồi mình dậy nhé bé ơi",  "Nàng công chúa mơ bay", "Bánh mì gối xinh", "Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày", "Con sẽ nhận ra bố dù ở bất cứ nơi đâu", "Con sẽ nhận ra mẹ dù ở bất cứ nơi đâu".

Năm 2021, cũng có một series tác phẩm tranh truyện dành cho thiếu nhi nằm trong tủ sách "Vun đắp tâm hồn” là bộ "Khác biệt mới tuyệt làm sao” (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Hoàng Vũ lọt vào Top 10 chung khảo và sau đó giành giải Khát vọng Dế Mèn.

"Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò" (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn)

Ngoài chuyện cảm động về chú khỉ, lòng trắc ẩn và cả sự vô tâm ở con người, bản thảo này còn có cái nhìn không nhân nhượng, dễ dãi về việc bảo vệ động vật hoang dã. Bút pháp của tác giả rất nhuần nhuyễn, kể "phăm phăm” mà chạm được vào cảm xúc của độc giả bởi tính chân thực hiếm thấy.

"Cuộc phiêu lưu của Dế Út" (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng)

Chú thích ảnh

"Cuộc phiêu lưu của Dế Út" là bộ truyện tranh 4 tập dựa trên "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. Tác giả LinhRab (tên thật là Nguyễn Thế Linh) cho biết, khi bắt đầu dự án, anh và các biên tập viên của NXB Kim Đồng đã quyết định để Dế Út bám sát cốt truyện gốc nhưng có thêm những lí giải và cách xử lí tình huống mới lạ. Anh chỉ cố gắng hình dung thật kĩ về nhân vật Dế Út, giữ những diễn biến chính và tưởng tượng nhân vật sẽ ứng xử như thế nào với các tình huống. Cái khó là làm sao diễn tả bằng hình ảnh cho sống động, các nhân vật thật gần gũi và chạm tới các bạn nhỏ.

Sau 7 năm miệt mài, tác giả LinhRab đã tái hiện lại được hành trình trưởng thành của Dế Út (lấy nguyên mẫu từ Dế Mèn) và xây dựng công phu một thế giới tự nhiên vừa quen thuộc, lại vừa có nét hiện đại để gần gũi hơn với các bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay.

Cũng có ý kiến trong Ban sơ khảo cho rằng, nếu đây là một tác phẩm minh họa cho "Dế Mèn phiêu lưu ký" thì sẽ hay hơn, vì những thay đổi của tác giả chưa thực sự tạo ra một ấn tượng đặc sắc đối với người đọc. Thật ra, đó cũng là cảm giác khó tránh khỏi khi thưởng thức một tác phẩm được "biến tấu” từ kiệt tác vượt thời gian của nhà văn Tô Hoài. Tuy nhiên nếu chỉ xét đến công phu chuyển thể thành truyện tranh thì "Cuộc phiêu lưu của Dế Út" lại nên được đánh giá cao vì yếu tố tranh rất bắt mắt, có sự đầu tư về kĩ thuật vẽ, sắp xếp khung hình, dựng cảnh, màu sắc tươi tắn, tạo được hiệu ứng về một thế giới tự nhiên sinh động, náo nhiệt, vui nhộn.

"Dưới khung trời ngát xanh" (bản thảo truyện dài của Lữ Mai)

Chú thích ảnh

Bản thảo của nữ nhà thơ, nhà văn Lữ Mai về đám trẻ ở thôn quê cách đây vài chục năm, tuy hơi tản mạn nhưng thể hiện được vốn sống rất phong phú, và mang nhiều tri thức về cuộc sống nông thôn. Tác giả đã nâng tầm các câu chuyện, gắn với tâm linh hoặc chiến tranh, tạo chiều sâu cảm xúc và hợp với thời đại.

"Kho báu trong thành phố" (truyện dài của Nguyễn Khắc Cường, NXB Trẻ)

Chú thích ảnh

Câu chuyện để lại vô vàn những cảm xúc nhân văn giữa thời đại số, đơn thuần như chi tiết đứa trẻ không biết tả quang cảnh trên đường đi học về vì nó ngồi sau xe toàn nghe headphone.

"Kho báu trong thành phố" được kết cấu thành 2 mạch truyện song song, với mạch chính là chuyện hai bố con tham gia một cuộc thi truyền hình thực tế, khá hiện đại, hấp dẫn, để lại nhiều bài học thấm thía. Bên cạnh đó là mạch truyện về tuổi thơ xưa của ông bố. Khi hai mạch truyện chập vào nhau đã làm toát lên ý nghĩa sâu sắc của "kho báu” mà mọi người đang tìm kiếm...

"Mật hiệu OGO" (truyện dài, 6 tập của Kiều Bích Hương, NXB Kim Đồng)

Chú thích ảnh

"Mật hiệu OGO" là bộ truyện dài 6 tập của nhà văn Kiều Bích Hương (hiện sống ở Vương quốc Bỉ). Ngay từ mở đầu, cái tên "Mật hiệu OGO” đã khơi gợi trí tò mò của người đọc. "OGO” là viết tắt của "Ối giời ơi", một thán ngữ quen thuộc của một bà mẹ Việt Nam trong gia đình Bỉ như một "đối trọng” với câu nói quen thuộc của giới Anh ngữ là "OMG” ("Oh My God”, cũng là "Ôi giời ơi”). Từ đây, độc giả bước vào hành trình với câu hỏi: Khi nào thì các nhân vật phát mật hiệu OGO?

Khai thác góc nhìn của trẻ nhỏ trong những tình huống thường ngày ở nhà và ở trường, bộ truyện đã thể hiện được đời sống của trẻ em ở nước ngoài và những tình thế "dở khóc dở cười” khi là thành viên của một gia đình đa văn hóa (gia đình bố người Bỉ, mẹ người Việt, chuyện đón giao thừa theo lịch Âm, chuyện cái nón, chuyện ăn chân gà, chuyện nắng nóng ở Việt Nam,…). Văn phong linh hoạt, chữ nghĩa sắc bén, tác giả còn thể hiện yếu tố Việt Nam đậm đà trong nhiều chi tiết, đặc biệt là muôn vàn những thành ngữ - tục ngữ Việt Nam.

Thông qua 6 tập truyện với rất nhiều lần phát "mật hiệu OGO”, nhân vật chính đã hiểu thêm về tình thân, tình bạn, và hiểu được rằng sự cảm thông, lắng nghe và chia sẻ là điều có thể kết nối xuyên quốc gia. Trên tinh thần ấy, những vấn đề thời sự cũng được chạm đến tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với trẻ thơ.

"Thư viện kỳ bí" (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi)

Chú thích ảnh

Đây là một bất ngờ trong số các tác phẩm của thiếu nhi gửi dự thi năm nay. "Thư viện kỳ bí" có mở đầu rất ấn tượng: Một người đàn ông trong đêm tình cờ đi ngang qua một thư viện cổ kính nằm nép mình dưới những tán thông ở Đà Lạt. Ông ta nhìn thấy "những chiếc bóng nhỏ xíu bay qua bay lại trong ánh sáng mờ mờ”. Ông ta hoảng sợ tưởng là bóng mà và từ đó không ai dám đến thư viện đó nữa.

Thực ra đó chỉ là những nhân vật trong các cuốn sách "sống dậy” vào ban đêm, mỗi khi vắng người.

Có thể nói, tác phẩm thể hiện rất rõ đây là một sản phẩm sáng tạo của một bạn nhỏ trong thời hiện đại (lấy cảm hứng từ hoạt hình/ truyện nổi tiếng thế giới; truyền thuyết đô thị về những hồn ma trong thư viện; mối quan tâm đến sách vở; các vấn đề về sinh thái…). Với cốt truyện hấp dẫn, lớp lang, mở đầu hấp dẫn, có cao trào và kết thúc vừa vặn, vấn đề môi trường và thông điệp được đặt ra trong Thư viện kỳ bí rất tự nhiên, không khiên cưỡng, cũng không nặng giáo điều.

Bên cạnh phần truyện, Lê Sinh Hùng cũng tự vẽ minh họa và tô màu cho tác phẩm của mình. Phần tranh vẽ phục vụ rất đắc lực cho phần chữ. Với sự trọn vẹn nội tại, bản thảo Thư viện kỳ bí cũng đã được chuyển thể kịch bản và dàn dựng thành vở diễn trên sân khấu nhà trường.

"Trạng Quỳnh thời nhí nhố" (series phim hoạt hình 3D của Sconenect Việt Nam; Alpha Animation Studio)

Chú thích ảnh

"Trạng Quỳnh thời nhí nhố" là một series phim hoạt hình (dự kiến 450 tập, hiện mới đi được 1/10 hành trình) có nhiều ưu điểm. Phim thể hiện được phong cảnh và văn hóa làng quê Việt Nam xưa, không chỉ thông qua những thiết kế về bối cảnh, trang phục, mô-típ nhân vật, mà còn ở cả sự kiện, hoạt động (học trò đi học ở nhà thầy đồ, các trò chơi dân gian, lễ hội dân gian,…) và lời thoại (nhắc đến ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam và sử dụng những chất liệu ngôn từ này rất hợp bối cảnh). Những nội dung được khai thác ở mức nhẹ nhàng, vừa phải; thông điệp được biểu hiện một cách tinh tế, kín đáo, không bị sa đà vào truyền tải những bài học một cách lộ liễu.

Nhìn chung, "Trạng Quỳnh thời nhí nhố" vừa kết hợp được giữa giải trí và giáo dục, vừa thể hiện được phần nào văn hóa Việt Nam xưa.

"Tự truyện một con heo" (truyện dài của Lý Lan, NXB Trẻ)

Chú thích ảnh

Một câu chuyện chất chứa nhiều "tham vọng” của nhà văn Lý Lan, đôi khi vượt lên tính chất một câu chuyện đồng thoại đơn thuần. Truyện mở đầu có vẻ dễ thương, gần gũi như bao chuyện kể về các loài vật (ở đây là con heo) trong cuộc "hoà nhập” với cuộc sống của con người. Nhưng ngay cả phần đầu này đã thấy văn của Lý Lan có "gu”, rất gai góc, từ ngôn ngữ trở đi, chẳng hề mềm mại, trơn tru như thường thấy.

Hoá ra con vật (chú heo) không hoà nhập được với cuộc sống con người, không phải chỉ vì đời sống hiện đại quá khắc nghiệt, mà còn vì khát vọng hoang dã trong máu nó: "Chọn một ngôi sao sáng để hướng tới thì không lo vỡ mộng. Ngay cả khi giông tố mịt mùng, mắt không thấy sao lấp lánh thì mình cũng có thể yên tâm là nó vẫn ở đó”.

Những triết lí trong truyện được thể hiện bằng văn phong vui nhộn, dễ thương. Tuy nhiên vì bản thân những suy tư về sự sống, cái chết, những khắc nghiệt không thể tránh khỏi của số phận và tồn tại cá nhân,… vốn đã rất "nặng”, nay lại được kể liên tục với rất ít những quãng nghỉ, nên truyện dễ khiến người đọc hụt hơi. Một tác phẩm "nặng ký” của Lý Lan và không hoàn toàn dễ đọc.

"Vương quốc nhỏ bí mật" (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks)

 

Chú thích ảnh

Tập thơ có những bài giản dị mà sâu sắc. Bài thơ đầu tiên trong tập là "Trên mặt đất rất hiền”, được mở đầu bằng câu: Nếu ai bước thật êm trên mặt đất/ Thì mặt đất xin gửi lời chào…, và được kết lại bằng những câu: "Còn nếu ai muốn nhảy chân sáo/ Lộn nhào một chút - cũng không sao/ Hoặc cứ nằm dài trên bãi cỏ/ Tựa lưng vào đất ngắm trời cao". Thì ra mặt đất vẫn luôn cư xử bao dung với tất cả, đặc biệt là với trẻ con.

Có thể kể thêm rất nhiều những bài thơ giản dị mà sâu sắc như thế trong tập thơ này: Lá thư của báo Cheetah nhỏ, Lời chào buổi sáng, và nhất là bài thơ cuối cùng được lấy làm tiêu đề - Vương quốc nhỏ bí mật...

So với những bản thảo hay các tập thơ khác, "Vương quốc nhỏ bí mật" nổi bật hơn hẳn bởi phần lớn các bài thơ đều đã thoát ly được khỏi lối mòn thường thấy là mô tả khung cảnh nông thôn với những vật nuôi quen thuộc với thế hệ trung niên; giới hạn tình yêu thương chỉ trong trong tình cảm gia đình, trường học hay luôn tập trung vào mô tả, giảng giải bài học cuộc sống có phần thô sơ...

Có thể nói, điểm nổi bật và sâu lắng nhất của tập thơ Vương quốc nhỏ bí mật là chú trọng thủ thỉ, tâm tình về sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, con người với con người nói chung, giữa trẻ nhỏ và cuộc sống, cây cỏ, muôn loài nói riêng. Sự kết nối này lúc rõ ràng lúc ngầm ẩn, và đều được thể hiện rất rõ xuyên suốt tập thơ.

Vì lẽ đó, bước vào "Vương quốc nhỏ bí mật" không chỉ là bước vào thế giới trẻ thơ, mà còn là quay về với tinh thần của trẻ nhỏ: luôn hồn nhiên, luôn tưởng tượng, mộng mơ, và luôn sẵn sàng tận hưởng những niềm vui dẫu chỉ nhỏ xíu.

Theo Báo Tin tức

Các tin khác
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các Trưởng đoàn nhạc sĩ tham dự Liên hoan.

Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự